Các doanh nghiệp chủ động xây dựng kịch bản phòng chống COVID-19

Trang Nhi| 17/06/2021 19:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dịch COVID-19 đã gây khó khăn không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh toàn xã hội. Do đó, rất nhiều đơn vị kinh doanh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp, xây dựng kịch bản phòng chống dịch để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất mà vẫn đảm bảo thu nhập và sức khỏe cho người lao động.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 có quy mô, tính chất nghiêm trọng, nhất là tại các khu công nghiệp, nhà máy tập trung đông lao động, buộc nhiều địa phương thực hiện cách ly và giãn cách xã hội. Đây thực sự là mối lo lớn, tác động trực diện đến các doanh nghiệp (DN) và đời sống người lao động. Trong bối cảnh đó, kinh nghiệm từ các doanh nghiệp đã triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch cũng như tư vấn từ phía chuyên gia cũng giúp nhiều doanh nghiệp khác có thể xây dựng mô hình phòng, chống dịch an toàn, phù hợp.

Doanh nghiệp chủ động phòng chống dịch COVID-19

Ngay từ đầu năm, các DN tại các khu công nghiệp: Suối Dầu, Ninh Thủy, các cụm công nghiệp: Đắc Lộc, Diên Phú, Khatoco - Ninh Ích luôn duy trì nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch.

Từ khách hàng cho đến công nhân viên khi đến công ty làm việc phải thực hiện đo thân nhiệt. Lực lượng làm việc trực tiếp tại các nhà máy phải mặc trang phục bảo hộ lao động theo quy định. Công nhân được bố trí ngồi ăn tại nhà ăn với khoảng cách an toàn.

Bên cạnh đó, nhiều DN còn đầu tư xây dựng phòng y tế có giường bệnh, bố trí nhân viên y tế trực để chăm sóc sức khỏe người lao động; xây dựng các phòng để công nhân nghỉ trưa, nghỉ giữa ca nhằm góp phần nâng cao sức khỏe cho người lao động. Các DN còn chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người lao động trong phòng, chống dịch bệnh, không hoang mang lo sợ nhưng cũng không chủ quan, lơ là trước nguy cơ dịch COVID-19.

1.jpg
Các doanh nghiệp chủ động thực hiện mọi biện pháp phòng chống COVID-19 đảm bảo an toàn cho người lao động.

Ông Đỗ Công Thành, Phó Giám đốc Công ty cổ phần chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau (CASES) cho biết: Mặc dù Cà Mau đang giữ được thành trì phòng, chống dịch nhưng các doanh nghiệp tại đây vẫn luôn cảnh giác bởi lẽ chỉ cần có một ca mắc COVID-19, doanh nghiệp phải ngưng sản xuất, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của đơn vị. Do vậy, CASES đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó trong trạng thái bình thường và trong đợt dịch cao điểm.

Theo đó, nếu tình hình bình thường, công ty hoạt động nhưng luôn cảnh giác phòng dịch. Trong đợt dịch bùng phát hiện nay, công ty đã siết chặt công tác kiểm soát. Người ra vào công ty đều thực hiện đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, bắt buộc đeo khẩu trang và khai báo y tế, thậm chí phải có xác nhận của địa phương. Những người đến từ vùng dịch, người vắng mặt 3 ngày không có lý do đều phải cách ly 15-16 ngày mới được vào công ty…

Ông Trần Quốc Trung, Phó trưởng Ban quản lý các CKN tỉnh Thái Nguyên cho biết: Chúng tôi triển khai đầy đủ, kịp thời thông tin, văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về công tác phòng, chống dịch; kiện toàn Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên; chú trọng phối hợp với các ngành và địa phương liên quan.

Thời gian gần đây, Ban liên tục ban hành các văn ban chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở các DN; yêu cầu DN kích hoạt ngay các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K và đảm bảo đủ lượng vật tư cần thiết. Tổ chức tập huấn và yêu cầu tất cả DN khẩn trương kiện toàn ban chỉ đạo, tổ phản ứng nhanh, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch và báo cáo hằng ngày về Ban; xây dựng, tổ chức diễn tập phương án ứng phó với các tình huống dịch, đồng thời quản lý, kiểm soát chặt chẽ lịch trình di chuyển của công nhân, chuyên gia và đối tác. Ban cũng yêu cầu các DN ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức phòng chống dịch cho đội ngũ công nhân và chủ DN được Ban quản lý các KCN tỉnh rất chú trọng, thông qua hệ thống băng zôn, loa truyền thanh trong KCN. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội vào công tác phòng,chống dịch ngày càng phát huy hiệu quả.

Nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp và đảm bảo thông tin liên lạc kịp thời giữa Ban và các DN, chúng tôi lập nhóm Zalo với hơn 200 thành viên. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và mọi thông tin liên quan đều được cập nhật lên nhóm, ngược lại, đại diện các DN cũng thường xuyên, thuận lợi khi báo cáo, chia sẻ thông tin về dịch bệnh. Chúng tôi có những số điện thoại tiếp nhận, xử lý thông tin 24/24h từ DN, sẵn sàng hướng dẫn, tư vấn cho họ bất kể thời điểm nào.

Có thể thấy, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các doanh nghiệp, đặc biệt là các KCN đã và đang được cơ quan chức năng, DN quan tâm triển khai khẩn trương, quyết liệt. Tuy nhiên, với những đặc thù như đã nêu và diễn biến phức tạp như hiện nay thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh trong các KCN là không nhỏ nên không thể lơ là, mất cảnh giác.

Mô hình phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả từ các chuyên gia

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng các tỉnh, thành phố có KCN, khu chế xuất (KCX) phải xây dựng và phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 tại KCN, KCX trên địa bàn; xây dựng phương án cách ly xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19 trong KCN, KCX và tổ chức diễn tập các phương án phòng chống dịch COVID- 19 tại KCN, KCX .

Cùng đó, chuyên gia dịch tễ Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo mỗi KCN, KCX cần xây dựng kịch bản cho tình huống nếu có dịch xảy ra và tùy từng mức độ để kích hoạt các giải pháp phòng dịch tương ứng, từ việc truy vết, khoanh vùng, cách ly, tới đảm bảo phương án cách ly xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19 trong KCN, KCX và tổ chức diễn tập các phương án phòng chống COVID-19.

Riêng với các KCN, KCX đã phát hiện có ca bệnh, cần tiếp tục khẩn trương truy vết xác định các trường hợp F1, F2, thông qua quản lý ca làm việc, camera… để thực hiện cách ly, xét nghiệm kịp thời. Toàn bộ người lao động làm cùng phân xưởng có tiếp xúc gần với F0 đều coi là F1.

Bên cạnh đó, quản lý, kiểm soát chặt thông tin người lao động ngoại tỉnh làm việc tại các KCN; tập trung kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng chống như phân luồng cách ly y tế, thiết lập phòng cách ly y tế tạm thời khi có trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác tổ chức phân luồng y tế của các cơ sở khám chữa bệnh phục vụ cho người lao động tại các khu công nghiệp…

2.jpg

CBCNV được đo thân nhiệt ngay từ ngoài cổng, trước khi vào tham gia lao động, sản xuất.

“Cần lưu ý rằng các nhà máy, xí nghiệp môi trường lao động thường kín, đông người có yếu tố tiếp xúc gần nên cần mở cửa thông thoáng, hạn chế dùng điều hòa và hạn chế đông người như bố trí ca làm việc hợp lý… Đặc biệt có người sốt phải được xét nghiệm kịp thời…và thường xuyên kiểm tra, đánh giá xí nghiệp an toàn", PGS-TS Trần Đắc Phu lưu ý.

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Viết Nhung – Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhận định, một mô hình an toàn hiệu quả trước hết doanh nghiệp phải có Ban chỉ đạo đủ mạnh, đủ thành phần do chính lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp điều hành; tổ chức công tác tuyên truyền cho toàn thể công ty hiểu rõ về dịch bệnh, sự cần thiết phải tuân thủ thông điệp 5K. Công ty cần xây dựng được kế hoạch ứng phó về chuyên môn và tổ chức, phát hiện sớm, khoanh vùng, ngăn chặn được nguồn lây thì những phần còn lại của doanh nghiệp vẫn an toàn.

PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi phải hết sức cảnh giác trong phòng chống và thực hiện các giải pháp một cách quyết liệt, đồng bộ mới ngăn chặn dịch thành công.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các doanh nghiệp chủ động xây dựng kịch bản phòng chống COVID-19