Tại Hội thảo giải pháp thực hiện kế hoạch tăng trưởng hai con số năm 2025 của tỉnh Bình Dương tổ chức ngày 22/01, các chuyên gia đầu ngành đã nêu nhiều ý kiến nổi bật để địa phương tăng tốc phát triển, đạt mục tiêu dự kiến.
Hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững
Ông Nguyễn Thanh Toàn – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết: Dự kiến kịch bản năm 2025, tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng GRDP từ 10%, riêng ngành công nghiệp tăng trưởng trên 12% và dịch vụ tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2024; quy mô nền kinh tế tỉnh ước đạt trên 572.442 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt trên 195 triệu đồng/người.
Cơ cấu các ngành kinh tế có bước chuyển dịch mạnh mẽ, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 65,01%; dịch vụ tăng 25,20%...
Kim ngạch xuất - nhập khẩu tăng tối thiểu 10%/năm, đạt lần lượt khoảng 38.000 triệu đô la Mỹ xuất khẩu và 26.800 triệu đô la Mỹ nhập khẩu. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 179.798 tỷ đồng tăng tối thiểu 11%/năm, đạt 31,4% GRDP toàn tỉnh…
Sau khi lắng nghe dự kiến kịch bản nêu trên, các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp đột phá, sáng tạo nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư... Các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển.
TS.Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, việc đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm 2025 cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng bộ và chính quyền tỉnh. Đây là thách thức rất lớn, nếu xét cả mặt khách quan và chủ quan tác động đến tăng trưởng GRDP trong năm 2025.
Theo ông, tỉnh cần tập trung nâng cấp "3 đột phá" trong kỷ nguyên mới để hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn 10 năm tiếp theo. Đặc biệt là đột phá về thể chế và môi trường đầu tư.
Trên cơ sở quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, cần xây dựng và minh bạch hóa các dự án đầu tư theo phương châm "chính quyền kiến tạo phát triển" với công cụ số hóa toàn bộ quy trình thủ tục và dịch vụ hành chính công.
Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối Vùng, nhất là giao thông kết nối với cụm cảng biển và cửa ngõ hàng không quốc tế. Cần thực hiện ngay tuyến đường sắt đô thị nối Thành phố mới Bình Dương với ga Suối Tiên TP.HCM (khoảng hơn 30 km). Kiến nghị cấp có thẩm quyền cho cơ chế, chính sách đặc thù để hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị trong 10 năm tới.
Công nghiệp Bình Dương đóng góp gần 2/3 cơ cấu kinh tế và là nền công nghiệp hướng vào xuất khẩu. Tuy nhiên, trong 4 năm qua xuất khẩu trên địa bàn thiếu ổn định và không thể hiện xu hướng tăng trưởng. Cần có một chương trình xuất khẩu cho tỉnh trong giai đoạn 2025-2030 với các giải pháp đồng bộ. Muốn tăng GDRP 9-10% Bình Dương cần xây dựng chương trình xuất khẩu với kịch bản khoảng 15%.
Công nghệ là "chìa khóa" để Bình Dương bứt phá
TS.Trương Minh Huy Vũ, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng Bình Dương cần chuẩn bị những kịch bản khác nhau, đặc biệt là kịch bản quản lý rủi ro trong lĩnh vực xuất khẩu trong năm 2025. Với tình hình hiện tại của thế giới thì các khu vực khác sẽ gặp khó khăn trong thị trường xuất khẩu dẫn đến công nghiệp, chuỗi cung ứng, dịch vụ kho bãi của Bình Dương và Vùng cũng sẽ gặp khó khăn.
Quyết tâm tăng trưởng hai con số tỷ lệ thuận với nguồn lực Nhà nước đủ mạnh về quy mô và hiệu quả, hiệu năng. Đối với đầu tư công chủ yếu đầu tư vào kết cấu hạ tầng, đường xá, nhà ở, đầu tư hạ tầng số sẽ tạo nền móng phát triển cho Bình Dương và Vùng Đông Nam bộ từ 2025 đến những năm tiếp theo.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững và nhanh chóng, theo ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, công nghệ là "chìa khóa" để Bình Dương bứt phá. Theo ông, cần đẩy mạnh cải cách thể chế bằng cách xây dựng các quy định và chính sách ưu đãi rõ ràng, minh bạch nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và quốc tế đầu tư vào các ngành công nghệ cao. Đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số, xây dựng hệ thống trung tâm dữ liệu, mạng lưới logistics thông minh và các khu công nghiệp số hóa để tối ưu hóa hiệu suất kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh.
PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, mục tiêu tăng trưởng hai con số là động lực để tỉnh phấn đấu. Tuy nhiên cần lưu ý không chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá mà phải hướng tới phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo. Phải có sự thống nhất, thoả thuận và cam kết giữa Trung ương và địa phương; tháo mở về cơ chế, chính sách trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng. Ông kỳ vọng những chiến lược phát triển giai đoạn mới sẽ giúp Bình Dương không chỉ trở thành trung tâm kinh tế động lực mà còn tạo dựng một tương lai bền vững và thịnh vượng cho tỉnh trong dài hạn.
Các ý kiến tại Hội thảo đã đánh giá toàn diện, khách quan bối cảnh kinh tế quốc gia, khu vực để đưa ra các nhận định về thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức đặt ra cho Bình Dương trong năm 2025. Qua đó góp phần hoàn thiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tạo cơ sở vững chắc để Bình Dương hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế "hai con số" cho năm 2025 và duy trì tăng trưởng trong giai đoạn 2026-2030.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, Bình Dương là mảnh đất "vàng" của miền Đông Nam Bộ, một trung tâm công nghiệp, một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Với vị trí địa lý chiến lược, hạ tầng đồng bộ, môi trường đầu tư thông thoáng và đặc biệt là sự năng động, sáng tạo của chính quyền và nhân dân, Bình Dương đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, trở thành một trong những tỉnh có động lực tăng trưởng mạnh mẽ hàng đầu cả nước, thu hút đầu tư và đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Mục tiêu đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số trong năm 2025 thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm đưa Bình Dương tiếp tục bứt phá, khẳng định vị thế là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước.