Các bị cáo trong vụ án giãn dân phố cổ Hà Nội lĩnh án gần 40 năm tù

Mạnh Hùng| 18/03/2018 20:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 4 ngày xét xử và nghị án kéo dài, chiều 18/3, TAND TP Hà Nội đã tuyên án với các bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến dự án giãn dân khu phố cổ TP Hà Nội.

Theo đó, HĐXX sơ thẩm xét thấy hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu hồ sơ điều tra, căn cứ vào quá trình xét xử, toà cấp sơ thẩm nhận định các bị cáo không có hành vi gian dối trong việc Công ty Hồng Hà ký các Hợp đồng vì khách hàng khai không bị lừa dối, khi đến công ty ký hợp đồng đã được xem các Quyết định, công văn của UBND quận Hoàn Kiếm, có dấu đỏ.
Do vậy, hành vi của các bị cáo có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Từ những nhận định và phân tích nêu trên, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Đức Thắng (SN 1950, trú tại phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) 18 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 175-BLHS năm 2015.

Cùng tội danh trên, Nguyễn Đức Lợi (SN 1955, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển kinh tế Hà Nội) bị tuyên phạt 12 năm tù ; bị cáo Nguyễn Quốc Xương (SN 1958, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Hồng Hà, có đơn xin xét xử vắng mặt) bị tuyên phạt 8 năm tù.

Trước đó,  cáo trạng truy tố cho thấy, dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng thuộc “Đề án giãn dân phố cổ” do UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cùng các đơn vị chức năng tư vấn soạn thảo.

Theo đó, ngày 14/6/2000, UBND thành phố Hà Nội có Công văn số 1375/UB-XDĐT giao cho UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư dự án giãn dân phố cổ (tại khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội). Nguồn vốn thực hiện dự án, UBND TP Hà Nội chủ trương huy động từ các nguồn vốn ứng trước để thực hiện, doanh nghiệp sẽ thu hồi vốn sau khi bố trí bán nhà cho người dân trong khu phố cổ.

Các bị cáo trong vụ án giãn dân phố cổ Hà Nội lĩnh án gần 40 năm tù

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Theo dự tính, tổng số vốn để thực hiện dự án giai đoạn 1 khoảng 4.000 tỷ đồng.

Do biết chủ trương trên, thông qua các mối quan hệ xã hội, Nguyễn Đức Thắng đã tiếp thị và môi giới cho Công ty Hà Nội do Nguyễn Đức Lợi (em trai Thắng) làm Tổng Giám đốc và Công ty Hồng Hà do Trần Ứng Thanh là Tổng Giám đốc với UBND quận Hoàn Kiếm để được thực hiện dự án trên.

Tiếp đến, ngày 23/8/2010, UBND quận Hoàn Kiếm ban hành Quyết định số 1917 giao cho Công ty Hồng Hà thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại khu đô thị mới Việt Hưng. Công ty Hồng Hà thực hiện dự án theo đúng các bước quy định của UBND thành phố Hà Nội, đồng thời có trách nhiệm liên hệ với các cấp, các ngành của thành phố và quận Hoàn Kiếm để làm thủ tục, hoàn thiện hồ sơ, lập dự án, thiết kế kiến trúc quy hoạch và các bước khác để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cùng trong ngày 23/8/2010, UBND quận Hoàn Kiếm ra Công văn số 592, trong đó chấp thuận đề nghị của Công ty Hồng Hà xin được hưởng một số ưu đãi trong dự án, cụ thể là: Công ty được mua 50 căn hộ chung cư cao tầng để cải thiện điều kiện ăn, ở của cán bộ công nhân viên; đồng ý về mặt nguyên tắc cho Công ty được sử dụng kinh doanh với tỷ lệ 15% căn hộ, trên tổng dự án mà Công ty Hồng Hà đầu tư toàn bộ vốn để xây dựng nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ.

Như vậy, QĐ số 1917 và Công văn số 592 của UBND quận Hoàn Kiếm mới chỉ là chủ trương xác định trách nhiệm công việc và những quyền lợi mà Công ty Hồng Hà sẽ được hưởng trong tương lai.

Dự án chưa được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết, UBND quận Hoàn Kiếm chưa triển khai thiết kế xây dựng và cũng chưa ký kết hợp đồng thực hiện dự án với Công ty Hồng Hà. Công ty Hồng Hà chưa nhận khu đất trên thực tế, chưa triển khai thực hiện dự án theo các bước quy định nhưng đã ký hợp đồng bán căn hộ, ký hợp đồng góp vốn, nhận đặt cọc với khách hàng. UBND quận Hoàn Kiếm đã yêu cầu Công ty Hồng Hà chấm dứt ngay việc mua bán căn hộ nói trên.

Đến ngày 9/9/2010, Công ty Hồng Hà đã có công văn số 97 gửi UBND quận Hoàn Kiếm, nêu rõ cam kết chưa bán căn hộ nào cho các cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp cũng như bên ngoài, cam kết không bán những căn hộ nói trên cho ai khi chưa được UBND thành phố phê duyệt.

Tuy nhiên, sau đó Công ty Hồng Hà vẫn tiếp tục bán căn hộ nên UBND quận Hoàn Kiếm có Công văn số 295 gửi Công ty Hồng Hà với nội dung UBND quận Hoàn Kiếm hủy bỏ Công văn số 592.

Nhưng Công ty Hồng Hà vẫn tiếp tục huy động vốn của khách hàng với 104 hợp đồng và phụ lục góp vốn, nhận đặt cọc thu số tiền hơn 90 tỷ đồng.

Sau khi mở rộng điều tra, xác minh, các cơ quan tố tụng xác định: Trần Ứng Thanh, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Thắng Lợi, Nguyễn Quốc Xương đã có hành vi gian dối ngay từ đầu để được thực hiện dự án.

Sau đó, 4 người này đã lợi dụng và lấy danh nghĩa công ty lừa dối khách hàng có nhu cầu mua căn hộ, hợp đồng góp vốn, đặt cọc với 146 lượt người thu số tiền gần 170 tỷ đồng rồi chiếm đoạt và sử dụng trái pháp luật.

Các đối tượng mới trả được hơn 32 tỷ đồng, số còn lại không có khả năng thanh toán nên đã bỏ trốn.

Trước đó, ngày 12/6/2014, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án này và xử phạt Trần Ứng Thanh và Nguyễn Đức Thắng tù chung thân, Nguyễn Đức Lợi 18 năm từ và Nguyễn Quốc Xương 13 năm tù, đều về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, tuyên buộc Trần Ứng Thanh, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Đức Lợi, Nguyễn Quốc Xương phải liên đới bồi thường cho những người bị hại và Công ty Hồng Hà phải hoàn trả lại khoản tiền hơn 13 tỷ đồng để bồi thường cho những người bị hại tổng cộng gần 137 tỷ đồng.

Trong đó, Thắng phải bồi thường hơn 87 tỷ đồng, Thanh phải bồi thường hơn 26 tỷ đồng, Lợi bồi thường 8,5 tỷ đồng và Xương phải bồi thường gần 1,5 đồng. Tuy nhiên, sau bản án sơ thẩm, đã có 90 bị hại kháng cáo. Trong đó, 5 người kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, 1 người đề nghị tăng hình thức phạt đối với các bị cáo Lợi và Thanh, 8 người đề nghị Công ty Hồng Hà bồi thường toàn bộ giá trị hợp đồng và lãi suất, 76 người cho rằng họ là nguyên đơn dân sự trong vụ án, Công ty Hồng Hà là bị đơn nên phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng góp vốn.

Tiếp đến, ngày 27/1/2015, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm và tuyên giữ nguyên Bản án sơ thẩm. Trần Ứng Thanh bị chết khi đang chấp hành hình phạt tù nên TANDTC đã quyết định đình chỉ trách nhiệm hình sự đối với Trần Ứng Thanh.
Sau phiên tòa phúc thẩm, một số bị hại có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm về phần bồi thường thiệt hại; bà Trần Thị Thịnh (mẹ Trần Ứng Thanh) khiếu nại cho rằng Trần Ứng Thanh đã bị kết án oan. Chánh án TANDTC kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm; đề nghị HĐTP TANDTC xét xử giám đốc thẩm, hủy Bản án hình sự phúc thẩm và Bản án hình sự sơ thẩm.

Tại phiên giám đốc thẩm, Hội đồng Giám đốc thẩm (HĐGĐT) cho rằng, khi giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không đưa Công ty Hà Nội vào tham gia tố tụng là vi phạm tố tụng.

Do phải xác định lại trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nên khi giải quyết lại vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm cần phải xác định lại tư cách tham gia tố tụng của Công ty Hồng Hà, các khách hàng đã nộp tiền góp vốn, đặt cọc cho Công ty Hồng Hà và Công ty Hà Nội; xác định tư cách tham gia tố tụng của Công ty Hà Nội và có biện pháp bảo đảm thi hành án theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, HĐGĐT đã quyết định hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 31/2015/HSPT ngày 27/1/2015 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội và Bản án hình sự sơ thẩm số 232/2014/HSST ngày 12/6/2014 của TAND TP Hà Nội; Đình chỉ vụ án về phần trách nhiệm hình sự đối với Trần Ứng Thanh; Chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TP Hà Nội để xét xử sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các bị cáo trong vụ án giãn dân phố cổ Hà Nội lĩnh án gần 40 năm tù