Các bị cáo trong vụ án chạy thận ở Hòa Bình nói gì trong lời nói sau cùng?

Mạnh Hùng| 25/01/2019 22:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều muộn ngày 25/1, HĐXX TAND TP. Hòa Bình đã tuyên bố kết thúc phần tranh luận của phiên xét xử vụ án chạy thận gây chết người xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi phiên tòa bước vào phần nghị án.

Mở đầu lời nói sau cùng, 7 bị cáo trong vụ án đều gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân trong sự cố y khoa ngày 29/5/2017.

Theo đó, bị cáo Hoàng Công Lương vẫn khẳng định nhiệm vụ của anh chỉ là bác sĩ điều trị và ngày xảy ra sự cố anh cũng chỉ làm nhiệm vụ của một bác sĩ điều trị. Lương cho rằng một số hồ sơ cáo buộc của VKS có dấu hiệu chỉnh sửa nên không có đủ căn cứ kết tội anh. Lương mong HĐXX xem xét kỹ lưỡng để đánh giá khách quan, minh bạch và tạo điều kiện cho anh sớm quay lại công việc khám chữa bệnh.

Các bị cáo trong vụ án chạy thận ở Hòa Bình nói gì trong lời nói sau cùng?

Bị cáo Hoàng Công Lương tại phiên tòa chiều nay

Nguyên cán bộ phòng vật tư Trần Văn Sơn nhận định rằng "chỉ vì một cái đồng hồ mà xảy ra quá nhiều sự cố". Anh mong phòng vật tư bệnh viện Hoà Bình nên có người làm lưu trữ, văn thư để lưu được nhiều tài liệu hơn.

Nói dài nhất trong số 7 bị cáo, nguyên giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương xin nhận hoàn toàn trách nhiệm của người đứng đầu. Bị cáo xin lỗi cấp dưới, những bị cáo cùng hầu toà vì "là thủ lĩnh mà không hoàn thành nhiệm vụ dìu dắt để họ phải hầu toà". Qua phiên toà, bị cáo Dương nhận thấy đầy đủ, toàn diện hơn về sự cố đã xảy ra và cũng là cơ hội để bị cáo nói ra những lời day dứt ấp ủ qua nhiều tháng qua.

Bị cáo Trương Quý Dương cho rằng những lời kết tội từ mọi phía đều có cơ sở nhưng bản chất thì không phải vậy và mình không có cơ hội thanh minh cho đến khi ra trước toà. Cuối cùng, bị cáo Dương mong HĐXX căn cứ vào tình đặc thù trong vụ án để có bản án là một bài học sâu sắc cho những bác sĩ khác trong ngành y.

Là người nói cuối cùng, bị cáo Đỗ Anh Tuấn nói, cách đây 10 năm lên tỉnh Hoà Bình với hy vọng làm được một việc tốt cho những bệnh nhân chạy thận. Song ông không ngờ lại có ngày phải đứng trước bục bị cáo. Ông Tuấn khẳng định không có tội và đề nghị HĐXX tuyên ông vô tội.ê

Khép lại phần được nói lời sau cùng của các bị cáo, HĐXX TAND TP. Hòa Bình thông báo do tính chất phức tạp của vụ án, HĐXX sẽ nghỉ nghị án kéo dài và dự kiến sẽ tuyên án vào khoảng 14h30’ ngày 30/1 tới đây.

Trước đó, trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn), tiếp tục tung chứng cứ chứng minh nguyên nhân gây chết người.

Các bị cáo trong vụ án chạy thận ở Hòa Bình nói gì trong lời nói sau cùng?

Bị cáo Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK Hòa Bình

Theo đó, luật sư Phạm Quang Hưng cho rằng, kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) xác định nguyên nhân gây tử vong là do ngộ độc Florour. Tuy nhiên, kết luận điều tra và Cáo trạng của VKS lại khẳng định nguyên nhân gây chết người đối với các bệnh nhân chạy thận là do tồn dư Axit Flohydric (HF), điều này không phù hợp với kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự.

Thực tế điều tra cho thấy, Bùi Mạnh Quốc sử dụng 3 loại hóa chất trong quá trình sục rửa gồm: Axit Flohydric (HF), Axit Clohydric (HCL) và Javen. Như vậy, vị luật sư cho rằng kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình và kết luận của Cáo trạng là không hợp lý khi chỉ có HF.

Theo quan điểm của luật sư, vấn đề mấu chốt của vụ án này là cần làm rõ hóa chất Florour tìm thấy trong cơ thể các nạn nhân do đâu mà có, ai đưa vào, vô tình hay cố ý. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng đã điều tra, truy tố và đang xét xử đối với bị cáo không sử dụng Florour.

Luật sư Phạm Quang Hưng cho biết đây chính là nguyên nhân khiến phiên tòa ngày 19/1 ông đề nghị HĐXX cho ông được giao nộp “chứng cứ bí mật” vì xuyên suốt quá trình điều tra, VKS vẫn khẳng định nguyên nhân gây chết người là “nước ở tank RO số 2 vẫn còn tồn dư Axit Flohydric (HF) được truyền đến hệ thống đường nước nối với 18 máy chạy thận”.

Cũng theo luật sư Hưng, không có đủ yếu tố cấu thành tội phạm đối với thân chủ của ông là bị cáo Đỗ Anh Tuấn. Theo quan điểm của luật sư, phía Công ty Thiên Sơn cho thuê 5 máy chạy thận, chủ thể của hợp đồng đề rõ là Công ty Thiên Sơn và bệnh viện; hoàn toàn không liên quan đến cá nhân ông Tuấn.

Cùng bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn, đồng tình với luật sư đồng nghiệp, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương cho rằng bị cáo Đỗ Anh Tuấn không phải là chủ thể của tội Thiếu trách nhiệm mà VKS truy tố. BVĐK tỉnh Hòa Bình đã vi phạm hợp đồng, việc sửa chữa hệ thống RO số 2 vẫn chưa thực hiện xong. Nếu sau 2-3 ngày mà chưa bàn giao thì mới có thể quy kết trách nhiệm của Thiên Sơn, nhưng đây là thực hiện liên tục.

Đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư, theo đại diện VKS, quan điểm của luật sư Hưng khẳng định có dấu hiệu vụ án “đầu độc giết người”, VKS đã được tiếp cận chứng cứ giao nộp, quan điểm của luật sư không chính xác, không khách quan vì hóa chất Florua là phù hợp với nguồn gốc HF mà bị cáo Bùi Mạnh Quốc đã sử dụng.

Các bị cáo trong vụ án chạy thận ở Hòa Bình nói gì trong lời nói sau cùng?

Toàn cảnh phiên tòa

Về hàm lượng Florua bất thường tại các quả lọc, không đồng đều nhau, VKS cho rằng đó là điều bình thường, phù hợp với thực tế vì nồng độ Florua ở hệ thống RO số 2 khi vận hành sẽ thay đổi liên tục. Và nồng độ Florua còn phụ thuộc vào tỉ lệ trộn giữa nước RO và dung dịch lọc.

Cũng trong phần tranh luận, bào chữa cho bị cáo Trương Quý Dương, luật sư Huỳnh Phương Nam cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo Trương Quý Dương tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là chưa đúng căn cứ. Suốt quá trình diễn ra phiên tòa, VKS không đánh giá được phần trình bày của các chuyên gia, tác động ra sao dẫn đến sự cố y khoa tại BVĐK tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017.

Theo đó, luật sư Nam cho rằng trong bản luận tội, VKS chỉ đọc lại nội dung của cáo trạng, gây bất lợi cho bị cáo Dương và các bị cáo khác. Do đó, cần xem xét về việc luận tội có chính xác hay không.

Theo luật sư Nam, việc thành lập Đơn nguyên Thận nhân tạo giúp người dân tiện hơn trong việc chữa bệnh, chủ trương thành lập đơn nguyên là chủ trương đúng đắn... Tuy nhiên, VKS cho rằng việc thành lập Đơn nguyên Thận nhân tạo là không đúng quy định. “Chúng tôi rất cần có ý kiến của Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình để biết về khái niệm thành lập đơn nguyên”, luật sư Huỳnh Phương Nam nói. “Bộ Y tế đã có khái niệm đơn nguyên, trong ngành Y tế vẫn đúng, cách nhận định của Sở Nội vụ đã ảnh hưởng cho bị cáo”.

Ngoài ra, luật sư Nam cũng cho rằng BVĐK tỉnh Hòa Bình có quyền sắp xếp theo kỹ thuật lọc máu vào, nghĩa là việc đó đã đủ điều kiện thực hiện. Các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai cũng khẳng định việc lọc máu thực hiện ở rất nhiều nơi, cấp xã cũng có chứ không nhất thiết bệnh viện.

Các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, ở Bạch Mai cũng không có kỹ sư biên chế về lọc máu, không thể quy kết Trương Quý Dương tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được.

Ngoài ra, BVĐK tỉnh Hòa Bình đã thực hiện tự chủ về mặt tài chính, thực hiện tự chủ cơ chế tài chính, việc thực hiện là hoàn toàn đúng pháp luật.

Các bị cáo trong vụ án chạy thận ở Hòa Bình nói gì trong lời nói sau cùng?

Các luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa

Tiếp tục bào chữa cho bị cáo Dương, luật sư Đỗ Quốc Quyền cho rằng vấn đề chịu trách nhiệm hệ thống RO phải thuộc về lãnh đạo Khoa, ở vụ việc này thuộc về trách nhiệm của bị cáo Hoàng Đình Khiếu. Luật sư Quyền nói: "Ông Khiếu không làm việc tới nơi tới chốn thì ông Khiếu phải là người chịu trách nghiệm chứ không thể nói không ai quản lý, nó là vật vô chủ được”.

Về đề xuất thuê máy đề theo Đề án 1816, Khoa Hồi sức tích cực đề xuất lên, có trình ký đề xuất để lãnh đạo bệnh viện thuê của Công ty Thiên Sơn, nhưng lãnh đạo Khoa lại nói không biết gì về máy móc, cứ nghĩ tất cả là của Thiên Sơn, thậm chí máy RO cũng của Công ty Thiên Sơn.

“Luật sư cho rằng lời khai không trung thực gây bất lợi với ông Trương Quý Dương, ông Hoàng Đình Khiếu phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc về việc quản lý".

Cũng ở phần tranh luận ngày (24/1), gần 10 luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương đã  tranh luận đại diện VKSND. Các luật sư đều khẳng định không đủ căn cứ cáo buộc Lương phạm tội vô ý làm chết người và đề nghị HĐXX tuyên bị cáo vô tội. Lương chỉ là bác sĩ điều trị nên không phải chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng nguồn nước. Sau khi được thông báo hệ thống đã sửa chữa xong, việc ra y lệnh của bác sĩ Lương là phù hợp với Luật Khám chữa bệnh.

Nhiều luật sư cho rằng Hoàng Công Lương không biết hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước của bệnh viện với Công ty Thiên Sơn thì làm sao biết việc phải xét nghiệm nước. Nếu biết, Lương cũng không thể nắm được phía đối tác (bị cáo Trần Mạnh Quốc - giám đốc Công ty Trâm Anh) đã sử dụng hoá chất gì sục rửa hệ thống.

Luật sư Trần Hồng Phúc khẳng định, không thể kết luận Sơn và Quốc cùng phạm tội Vô ý làm chết người như quy buộc của VKS trong khi hai người có hai hành vi hoàn toàn khác nhau. Chữ ký của Lương ở đơn nguyên chạy thận chỉ có ý nghĩa trong việc thanh toán bảo hiểm y tế chứ không có tính quyết định trong việc ra y lệnh chạy thận. Khi Lương không có mặt ở đơn nguyên, việc chạy thận vẫn diễn ra dưới việc ra y lệnh của hai bác sĩ còn lại.

Viện dẫn nhiều hồ sơ bệnh án, luật sư Phúc cho rằng, nhiều ca chạy thận vẫn diễn ra bình thường khi không có chữ ký của Lương. Bà Phúc đề nghị xem xét trách nhiệm liên đới của các cơ quan quản lý nhà nước về y tế để có sự răn đe tội phạm; không nên chỉ dừng lại ở kiến nghị để cơ quan quản lý nhà nước rút kinh nghiệm mà phải có những quy trình cụ thể.

Đối đáp nội dung này, đại diện VKS cho rằng đủ căn cứ truy tố Lương tội Vô ý làm chết người, theo điều 98 Bộ luật hình sự 2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các bị cáo trong vụ án chạy thận ở Hòa Bình nói gì trong lời nói sau cùng?