Cả nước có 77 trường THPT chuyên

Anh Tuấn| 24/01/2022 10:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ 68 trường chuyên năm 2010, đến năm 2020 đã tăng lên thành 77 trường, đảm bảo mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có ít nhất một trường chuyên, có nơi có 2 trường chuyên phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển của địa phương.

Tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2,7% số học sinh THPT trên toàn quốc

Cũng theo báo cáo, quy mô số lượng học sinh đã tăng, tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2,7% số học sinh THPT trên toàn quốc. Các trường chuyên được đầu tư nâng cấp thành các trường đạt chuẩn quốc gia từ 21 trường năm 2010 lên 60 trường chuẩn năm 2020 và có chất lượng giáo dục cao.

1244.jpg
Cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Tĩnh.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học của các trường chuyên từng bước được tăng cường: thiết bị dùng chung và thiết bị dạy học môn chuyên phục vụ cho giảng dạy, bồi dưỡng học sinh năng khiếu. 15 trường trọng điểm quốc gia phát triển, trở thành hình mẫu của các vùng.

Các tỉnh đều có quy định về chính sách đặc thù để thu hút giáo viên về dạy trường chuyên, đảm bảo yêu cầu số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp; tăng cường đầu tư kinh phí cho việc bồi dưỡng, phát triển chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trường chuyên.

Các nhà trường đã chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch giáo dục trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện và mục tiêu của từng trường nhằm thực hiện giáo dục toàn diện và phát huy cao nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của từng học sinh, dần tiếp cận với chương trình giáo dục hiện đại trong khu vực và trên thế giới… Trường chuyên đã tạo ra được một môi trường học tập năng động, sáng tạo, chủ động, tích cực cho cả học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý.

Tỉ lệ học sinh giỏi của trường chuyên trong cả nước tăng dần qua các năm, năm 2020 tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Đối với giáo dục mũi nhọn, trong các năm gần đây, số lượng và chất lượng giải quốc tế của học sinh Việt Nam đã có được sự chuyển biến rất tích cực.

Năm 2020, 24/24 thí sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi này đều đoạt giải; trong đó có 9 huy chương Vàng, 8 huy chương Bạc, 5 huy chương Đồng và 2 bằng khen.  

Mặc dù mô hình hoạt động của trường chuyên trong 10 năm qua đã khẳng định được phần nào vị trí là hình mẫu để có thể nhân rộng về chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông khác, hệ thống trường chuyên còn bộc lộ một số hạn chế như: Một số tỉnh chưa đạt mục tiêu về quy mô học sinh. Tỷ lệ trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia vẫn còn khá cao. Trình độ về ngoại ngữ của giáo viên chuyên và cán bộ quản lý hiện nay chưa thể đáp ứng và theo kịp với tốc độ hội nhập quốc tế.

Ở một số nơi vẫn đang coi nặng việc tổ chức bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, chưa tăng cường nhiều cho học sinh thêm các kỹ năng thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học và các kỹ năng mềm khác. Các chương trình tiên tiến của nước ngoài để đưa vào nhà trường tham khảo còn khiêm tốn. Việc tổ chức dạy học thí điểm các môn khoa học bằng tiếng Anh còn hạn chế. Liên thông giữa trường chuyên và đại học chưa sâu rộng.

Tăng cường kết nối hơn nữa giữa trường chuyên với các trường đại học hàng đầu

thi-thpt-quoc-gia-2016-343.jpg
Ảnh minh họa.

Trao đổi tại Hội nghị, đại diện các địa phương đều khẳng định vai trò, ý nghĩa của đề án phát triển hệ thống trường chuyên. Ông Phạm Duy Hương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho hay: Từ một trường quy mô nhỏ, sau 10 năm Trường THPT chuyên Bắc Kạn đã thay đổi gần như toàn bộ với đầy đủ phòng học, phòng bộ môn, phòng ngoại ngữ, phòng đa năng…

Số lượng học sinh của trường so với năm 2010 đã tăng đến 50%. Chất lượng đào tạo chuyển biến tích cực, trong đó học sinh giỏi quốc gia tăng dần qua các năm.

Cũng trong điều kiện còn nhiều khó khăn như Bắc Kạn, sau 10 năm triển khai Đề án, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tỉnh Lai Châu đã được xây dựng, nâng cấp, củng cố; chất lượng giáo dục và bồi dưỡng học sinh có nhiều tiến bộ; chất lượng đội ngũ cũng được nâng lên…

“Trường chuyên của tỉnh mới được thành lập hơn 10 năm nên so với mặt bằng chung cả nước kết quả và quy mô còn khiêm tốn; nhưng đây thực sự là hình mẫu của các trường trung học phổ thông trên toàn tỉnh Lai Châu” - ông Lưu Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở GDĐT Lai Châu chia sẻ.

Nhìn lại kết quả sau 10 năm phát triển của Trường Trường THPT chuyên Nguyễn Du, tỉnh Đắk Lắk, Bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Với những nỗ lực của trường chuyên, kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia trong những năm qua của tỉnh xếp thứ hạng đáng tự hào trong số 63 tỉnh, thành của cả nước. So với 10 tỉnh trong khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, thành tích học sinh giỏi của tỉnh Đắk Lắk luôn giữ vững ở những vị trí tốp đầu.

Khẳng định, đề án phát triển trường chuyên là một chủ trương rất tốt, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) chia sẻ: Nhờ có Đề án phát triển trường chuyên, từ 1 lớp A0, ĐHQGHN đã thành lập được 3 trường chuyên; các trường chuyên trong hệ thống ĐHQGHN phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Học sinh của Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên dẫn đầu cả nước về giải thưởng quốc tế. Cũng nhờ Đề án này mà nhiều địa phương, kể cả địa phương khó khăn đã có giải thưởng quốc tế.

Kỳ vọng cho giai đoạn phát triển mới của hệ thống trường chuyên, ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GDĐT Đà Nẵng đề xuất: Bộ GDĐT sớm có định hướng phát triển trường THPT chuyên giai đoạn tiếp theo. Có giải pháp để tăng cường kết nối hơn nữa giữa trường chuyên với các trường đại học hàng đầu. Có cơ chế chính sách huy động các nguồn lực hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển trường chuyên…

Mong muốn của ông Phạm Duy Hương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn là Bộ GDĐT sẽ xây dựng cơ chế chung để đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời có chính sách đãi ngộ, thu hút với giáo viên các trường chuyên. Bên cạnh đó, hàng năm Bộ nên tổ chức các hội thảo, hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa các trường chuyên; tổ chức trại hè hay các hoạt động tương tự để học sinh chuyên Bắc Kạn có cơ hội tiếp cận với các chuyên gia đầu ngành trong đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi.

Là người gắn bó với việc triển khai đề án phát triển trường chuyên từ những ngày đầu tiên, ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng: Mục tiêu của trường chuyên là thống nhất với cả hệ thống nhưng trường chuyên có vai trò dẫn dắt đi đầu, là nơi sáng tạo dành cho những người sáng tạo nhất. Nhờ có hệ thống trường chuyên các tỉnh miền núi khó khăn mới phát hiện, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi - đó chính là sự công bằng trong giáo dục.

“Hệ thống trường chuyên phải được khẳng định hơn nữa trong xã hội”, chia sẻ điều này, ông Nguyễn Vinh Hiển đồng thời nhìn nhận, thời gian qua, hệ thống trường chuyên đã có nền tảng đào tạo tốt, nhưng chưa có tiếng nói đầy đủ. Cần phải có thống kê trong hệ thống trường chuyên để biết các em học sinh chuyên thành người như thế nào, ra đời phục vụ đất nước ra sao. Nếu không có trường chuyên đội ngũ nhân lực chất lượng cao sẽ khó phát triển.

Cho rằng, trách nhiệm toàn bộ hệ thống trường chuyên là đi đầu, hỗ trợ, nhân rộng, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: Cần phát triển chương trình giáo dục của trường chuyên. Trường chuyên phải làm những việc những trường khác không làm được. Muốn làm được thế không nên áp dụng một chương trình cứng với trường chuyên, bởi nếu để chương trình cứng sẽ dễ ổn định, mà trường chuyên không phải để ổn định mà để phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cả nước có 77 trường THPT chuyên