Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, thay đổi nhanh chóng, bất ngờ, UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các cấp, các ngành, bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, có hình thức phù hợp triển khai không cứng nhắc, máy móc, phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo, bám sát thực tiễn đời sống của nhân dân trong công tác phòng chống dịch.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát chấn chỉnh ngay những hạn chế, yếu kém nêu trên; chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình người đến về địa phương mình qua phần mềm quản lý người về/đến Cà Mau qua các chốt kiểm soát (định kỳ mỗi giờ ít nhất một lần) để phối hợp quản lý cách ly y tế theo quy định.
Đồng thời, tăng cường quản lý địa bàn, nâng cao hơn hiệu quả hoạt động của Tổ COVID cộng đồng với phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, kịp thời phát hiện người lạ đến địa phương để báo cáo, thực hiện các biện pháp cách ly y tế phù hợp; theo dõi quá trình di chuyển, bốc xếp hàng hóa của các xe vào địa bàn quản lý; rà soát, cấp giấy đi đường đảm bảo đúng đối tượng.
Trước tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19 rất phức tạp, thay đổi nhanh chóng, bất ngờ, lãnh đạo tỉnh Cà Mau yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là UBND cấp xã phải bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, có hình thức phù hợp triển khai, thực hiện ngay (kể cả ngoài giờ làm việc); quá trình chỉ đạo, thực hiện những vấn đề phát sinh khi giải quyết phải xem xét thận trọng, không cứng nhắc, máy móc, phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo, bám sát thực tiễn đời sống của nhân dân.
Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Ban Quản lý các cảng cá chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện cách ly tạm thời đối với người lái xe và người theo xe vận chuyển hàng hóa, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, cần bố trí lực lượng theo dõi, quản lý, hỗ trợ đối với các đối tượng này khi có nhu cầu.
Đặc biệt, giao Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên theo dõi khả năng sử dụng, khai thác Phần mềm quản lý người về/đến Cà Mau qua các chất kiểm soát của các địa phương để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ nhằm phát huy hiệu quả phần mềm đã được trang bị và góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung thêm những tính năng cần thiết khác như tự động gửi tin thông báo đến chính quyền địa phương nếu phát sinh trường hợp người về/đến địa phương qua phần mềm này; phân loại người đến chỉ để giao, nhận hàng hóa và người có nhu cầu lưu trú lại địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương theo dõi, kiểm soát.
Trước yêu cầu cấp bách để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung cao nhất công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan nếu để xảy ra dịch bệnh tại địa phương, đơn vị mình do nguyên nhân chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng, đủ nội dung, hướng dẫn của cấp trên trong công tác phòng, chống dịch bệnh thì xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật theo quy định.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng có công văn hỏa tốc chỉ đạo các các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thành phố Cà Mau trong việc triển khai một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể đối với người về/đến từ 05 tỉnh, thành phố như; TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp phải cách ly tập chung ngay. Đối với người về/đến từ các tỉnh còn lại, căn cứ vào bảng hướng dẫn hình thức giám sát hằng ngày của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau để áp dụng: Cách ly tập trung đối với người trở về từ vùng có dịch; cách ly tại nhà (cách ly cả hộ gia đình) đối với tất cả người trở về từ các vùng còn lại.
Giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm soát, quản lý chặt chẽ tất cả người, phương tiện ra/vào tỉnh bằng đường biển (kể cả tàu cá, đò dọc, phương tiện đường thủy gia dụng có kích thước nhỏ ... ), trên tất cả các cửa sông, rạch, nhất là các khu vực giáp ranh với các tỉnh. Tất cả người, phương tiện ra/vào tỉnh bằng đường biển phải chấp hành sự kiểm soát và được các Trạm, Chốt Biên phòng xác nhận danh sách người ra/vào tỉnh (có giấy chứng minh nhân dân của từng người); quá trình hoạt động trên biển không được tiếp xúc với tàu nước ngoài, không nhận vận chuyển người khác vào bờ (trừ trường hợp khẩn cấp, cứu nạn, cứu hộ); đồng thời, thực hiện các quy định cụ thể như sau: Đối với phương tiện đánh bắt thủy sản có lịch trình ra và vào cửa biển trong ngày phải thực hiện khai báo hoạt động tiếp xúc với người và phương tiện khác trên biển (nếu có); tự theo dõi sức khỏe và không được tiếp xúc với người ngoài khi về tại nhà.
Đối với phương tiện đánh bắt thủy sản, phương tiện dịch vụ hậu cần nghề cá hoạt động dài ngày trên biển: Thuyền trưởng thực hiện khai báo lịch trình hoạt động trên biển; khai báo y tế người đi trên phương tiện khi vào cửa biển; giải trình về sự thay đổi (nếu có) về người đi trên phương tiện và chịu trách nhiệm về nội dung khai báo, giải trình của mình; đồng thời, trình báo chính quyền địa phương nơi cư trú và tự theo dõi sức khỏe tại nhà, không được tiếp xúc với người khác khi ở tại nhà. Đối với các phương tiện không xuất trình đầy đủ giấy tờ hoặc phương tiện hoạt động trên biển có tiếp xúc với tàu nước ngoài khi vào tỉnh phải thực hiện khai báo và phải cách ly tập trung theo quy định (cách ly tất cả những người trên tàu). Nếu khai báo không trung thực, khi phát hiện thuyền trưởng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Phối hợp cùng các ngành chức năng, nhất là chính quyền địa phương chỉ đạo Tổ Covid-19 cộng đồng có biện pháp theo dõi, giám sát kịp thời, chặt chẽ người lao động trên biển khi vào bờ.
Đối với các nhà máy, xí nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh khẩn trương xây dựng và thực hiện phương án sản xuất “03 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ), “01 cung đường, 02 điểm đến” (bố trí ăn, ở và sản xuất tại 02 địa điểm trên địa bàn tỉnh; đưa rước công nhân trên 01 cung đường). Các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, công trình xây dựng có sử dụng lao động là người ngoài tỉnh, phải bố trí cho người lao động ngoài tỉnh sản xuất theo phương án “03 tại chỗ” hoặc “01 cung đường, 02 điểm đến”. Thời gian thực hiện kể từ 00 giờ ngày 26/7/2021 cho đến khi có thông báo mới.
Hiện, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, TP. Cà Mau rà soát trên địa bàn phụ trách, tham mưu đề xuất từ 01 đến 02 địa điểm có thể dùng để làm nơi cách ly tập trung, đảm bảo quy mô từ 200 giường trở lên; cơ sở vật chất đảm bảo cơ bản, điều kiện giao thông thuận tiện. Hiện tại, toàn tỉnh có 13 cơ sở cách ly, với quy mô 1.424 giường; trong đó, tuyến tỉnh gồm 05 cơ sở, tổng số 738 giường và tuyến huyện 08 cơ sở với 686 giường.