Đời sống

Cà Mau: Nhiều khu vực sụt lún, sạt lở trong mùa khô

Trần An 20/02/2024 - 11:50

Trong thời gian qua, tại các khu vực nước ngọt trên địa bàn huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đã xảy ra sụt lún, sạt lở đất, làm hư hỏng hàng chục tuyến đường giao thông nông thôn với hơn một trăm vị trí sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân.

Theo báo cáo của UBND huyện Trần Văn Thời, tính đến ngày 15/2, trên địa bàn huyện đã xảy ra sạt lở đất tại 39 tuyến kênh với 111 vị trí, với tổng chiều dài hơn 4.000m. Trong đó, sụt lún, sạt lở ảnh hưởng lộ bê tông ở 31 tuyến với chiều dài hơn 2.320m, đặc biệt là trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Điển hình như đêm 31/1/2024, tuyến đường bên kênh số 2, ấp Rạch Ruộng C, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời bị sụt lún hoàn toàn, gây chia cắt giao thông.

img20240216133221.jpg
Sụt lún làm hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Trần Văn Thời

Ông Nguyễn Hải Triều, người dân địa phương cho biết, khi thấy hiện tượng đường bị nứt, nguy cơ sụt lún, ông đã gia cố bằng cừ tràm nhưng vẫn không giữ được đường.

“Sụt lún ngày càng nghiêm trọng, chia cắt hoàn toàn tuyến đường nối 2 xã Khánh Lộc với Đá Bạc, nhà tôi xây dựng kiên cố cũng không biết có vững được không”, ông Triều nói.

Hay tại tuyến Kênh Cơi 4 - Quảng Hảo ở ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), đoạn đường dài chỉ hơn 2km nhưng có gần 10 vị trí mới xuất hiện nhiều điểm đất bị nứt, kéo theo các rãnh sâu vào mặt đường.

Những ngày qua, cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương vẫn bị xáo trộn vì sụt lún. Bởi con đường trong ấp vừa hoàn thành hơn một năm đã xảy ra sụt lún và sạt lở, không chỉ ảnh hưởng đến giao thông, mà còn khiến người dân trong ấp hoang mang, lo lắng trước những nguy cơ tiềm ẩn về sạt lở nhà cửa.

img20240216135509.jpg
Nhiều địa phương trong huyện Trần Văn Thời đối diện nguy cơ sạt lở trong mùa khô

Ông Nguyễn Trung Hậu (ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời), cho biết: “Hạn năm nay kéo dài và phức tạp hơn những năm trước rất nhiều, nước khô nhanh quá… Đây mới đầu mùa khô mà sạt lở cỡ này, không biết bờ kênh, con đường có trụ nổi tới tháng 5, tháng 6 chờ mưa xuống hay không?”.

Theo ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở, sụt lún đất như trên là do tình hình thời tiết diễn biến bất thường, mưa lớn gây ngập úng cục bộ ở một số nơi vào thời điểm những tháng cuối năm 2023. Cùng với việc bơm tát nước phục vụ sản xuất đã làm cho các tuyến kênh, rạch vùng ngọt hóa đều khô cạn, trong khi cao độ đáy kênh sâu, sự chênh lệch độ cao giữa mặt đường và mực nước hiện rất lớn.

img20240216092847.jpg
Nhiều tuyến kênh trong vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời cạn nước

Để khắc phục thực trạng trên, huyện Trần Văn Thời đã tăng cường triển khai công tác khắc phục sạt lở, sụt lún. Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân; rào chắn, giăng dây ở các tuyến đường sạt lở; tăng cường theo dõi diễn biến tình trạng sụt lún, sạt lở đất.

Tại chuyến kiểm tra, khảo sát thực tế tình hình sạt lở của huyện Trần Văn Thời ngày 16/2, ông Nguyễn Tiến Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương thực hiện tốt các giải pháp đã được khuyến cáo; triển khai cắt, tỉa hoặc đốn hạ những cây thân gỗ lớn trên tuyến lộ có nguy cơ sụt lún; thực hiện giảm tải trọng xe lưu thông nhằm hạn chế nguy cơ sụt lún tuyến đê biển Tây do hạn hán, thiếu nước.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các ngành chức năng tăng cường vận động người dân tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt lở, sụt lún đất; quản lý chặt chẽ việc lấy nước ngọt tại các kênh, sông, rạch có tuyến lộ giao thông quan trọng, nguy hiểm dễ bị sạt lở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau: Nhiều khu vực sụt lún, sạt lở trong mùa khô