Ca mắc bệnh tay chân miệng ở Hà Nội tăng, lo ngại "dịch chồng dịch"

Chí Tâm| 26/05/2022 16:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, trong tuần qua số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng hơn so với những tuần trước đó.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, vào đầu tháng 5/2022, trung bình trên địa bàn thành phố chỉ ghi nhận từ 2-5 ca sốt xuất huyết mỗi tuần thì đến cuối tháng, số ca mắc đã tăng lên từ 8-15 ca/tuần.

Riêng tuần từ ngày 14/5 đến 20/5, Hà Nội ghi nhận 15 ca mắc sốt xuất huyết tại 10 quận, huyện (Ba Đình, Ba Vì, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Mê Linh, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Phúc Thọ), tăng 7 ca so với tuần trước đó. 

sot(1).jpeg
Phun thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết

Tương tự, số ca mắc tay chân miệng cũng gia tăng vào cuối tháng 5-2022. Cụ thể, trong tuần từ ngày 14/5 đến 20/5, trên địa bàn thành phố có 85 ca mắc tay chân miệng tại 15 quận, huyện, thị xã (Đông Anh, Ba Vì, Thanh Trì, Chương Mỹ, Mê Linh, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Hà Đông, Đan Phương, Quốc Oai, Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Ba Đình, Hoài Đức), tăng 48 ca so với tuần trước đó.  

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội có 175 ca mắc tay chân miệng (tăng 5 ca so với cùng kỳ năm 2021).

Trong khi đó, thống kê từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước có 5.545 ca mắc tay chân miệng, trong đó 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Bình Thuận. Bộ Y tế dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới đây.

taychan.jpeg
Các y bác sĩ phối hợp nhiều phương tiện, thuốc men cứu sống bệnh nhi bị tay chân miệng mức độ nặng.

Theo Bộ Y tế, so với cùng kỳ năm 2021, số mắc giảm 83,3%, tử vong giảm 9 trường hợp. Tuy nhiên, số mắc có xu hướng gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng.

Bộ Y tế nêu rõ, bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm, lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, TP.

Dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền, kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên; việc giao lưu đi lại, thể thao, du lịch... gia tăng trở lại sau khi đã kiểm soát dịch Covid-19 và hiện chưa có vaccine phòng bệnh.

Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, CDC Hà Nội đã phối hợp với các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan và bùng phát tại cộng đồng.

Đồng thời, các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường hoạt động tuyên truyền cho người dân chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả, thường xuyên vệ sinh cá nhân; vệ sinh môi trường như diệt bọ gậy/loăng quăng, diệt muỗi trưởng thành, nhất là tại các khu công trường xây dựng, nhà trọ; vệ sinh môi trường phòng, chống dịch tại các trường mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trẻ bệnh tay chân miệng chỉ có sốt nhẹ dưới 38,5 độ C, loét miệng, hồng ban mụn nước lòng bàn tay chân, tỉnh táo, chơi, thường được bác sĩ cho điều trị ngoại trú. Phụ huynh cần cho trẻ uống thuốc theo toa bác sĩ, hạ sốt khi sốt trên 38 độ C bằng paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần uống, có thể lặp lại mỗi 4- 6 giờ khi sốt lại.

Dinh dưỡng đầy đủ theo tuổi, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, tránh thức ăn chua, cay... Trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ. Trẻ thường đau họng miệng do vết loét nên có thể sử dụng thuốc tráng niêm mạc dạng sữa nhũ dịch để dịu cơn đau rồi mới cho trẻ ăn. Vệ sinh răng miệng.

Cho trẻ nghỉ học, nghỉ ngơi tại nhà, tránh kích thích, cách ly với trẻ khác trong 10-14 ngày đầu của bệnh. Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh. Trẻ bị sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.

Phụ huynh cần theo dõi, cảnh giác các dấu hiệu như sốt cao, thở bất thường, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, ngủ gà, chới với, hay giật mình, hoảng hốt, ngồi không vững hoặc đi loạng choạng, run tay chân, co giật, vã mồ hôi, nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, yếu tay chân, da nổi bông, vân tím hoặc xanh tái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ca mắc bệnh tay chân miệng ở Hà Nội tăng, lo ngại "dịch chồng dịch"