Buông lỏng phát hành sim, nhiều nhà mạng bị Công an triệu tập

Hoàng Hải| 20/10/2021 14:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liên quan tới vụ “14 người vướng vòng lao lý vì… cho thuê số điện thoại”, kết luận điều tra của Công an tỉnh Yên Bái cho biết, sẽ triệu tập đại diện các nhà mạng khi tình hình dịch bệnh bình thường trở lại.

Ngày 8/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái đã ban hành Kết luận điều tra (bổ sung) số 59/KLĐT-CSHS, đề nghị truy tố 14 bị can cùng về tội “Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự.

Theo kết luận điều tra, Trần Duy Dương (SN 1994, ở quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) là chủ web https://rentcode.co và Đỗ Quốc Cường (SN 1985, ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) là chủ web https://simthue.com.

Hình thức hoạt động của 2 web này nhằm mục đích thu tiền lợi nhuận từ khách hàng thuê sim ảo (sim trả trước đã kích hoạt của các nhà mạng Mobifone, Vietnamobile, I-Telecom…) để nhận mã OTP, mục đích tạo lập các tài khoản trên các mạng xã hội.

Hành vi cho thuê sim online của các đối tượng trên 2 website có số lượng rất lớn, lên tới 4.787.603 sim. Để các đối tượng áp dụng khoa học công nghệ, sử dụng các số sim trả trước đã được kích hoạt của các nhà mạng cho thuê online thu lợi số tiền lên đến hàng tỷ đồng trong một thời gian dài là do có sự buông lỏng trong công tác phát hành sim trả trước của các nhà mạng...

simaa_800x450.jpg
Ảnh minh hoạ.

Kết luận điều tra cho biết, hiện nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19, quy định di chuyển đi lại giữa các vùng có dịch khó khăn, do vậy chưa thể triệu tập làm việc với các đại diện của các nhà mạng. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái sẽ triệu tập đại diện các nhà mạng về các nội dung liên quan đến vụ án khi tình hình dịch bệnh bình thường trở lại.

Theo tìm hiểu, đại diện I-Telecom tham gia tố tụng trong vụ án này là ông Trần Hải Anh, Trưởng phòng kinh doanh; MobiFone là ông Thiều Ngọc Thịnh, Giám đốc MobiFone Khu vực 4; Vietnamobile là ông Nguyễn Việt Dũng, Trợ lý phụ trách chính sách; .…

Để làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý và hình thức xử lý đối với cá nhân, tập thể của các nhà mạng, phóng viên Báo Công lý đã liên hệ làm việc với một số nhà mạng và sẽ thông tin khi nhận được phản hồi.

Như Báo Công lý đã đưa tin, từ tháng 8/2019, Trần Duy Dương bắt đầu xây dựng web rentcode bằng việc mua máy tính, mua và lắp ghép các thiết bị có chức năng như các thiết bị đầu cuối mạng viễn thông (GSM, simbank, gateway sim bank).

Dương thuê người làm các nhiệm vụ: Viết phần mềm kết nối (tool); thiết kế web; đảo sim, nhận và trả sim vật lý hằng ngày; chăm sóc, giải đáp thắc mắc của khách hàng; đặt dịch vụ lưu trữ dữ liệu (hosting), duy trì kết nối giữa các thiết bị đầu cuối mạng viễn thông và máy tính.

Nguồn sim đồng bộ lên web để cho thuê được Dương thuê sim vật lý nhà mạng Mobifone của Nguyễn Duy Tùng (SN 1989, ở quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội); thuê sim online của nhiều người bằng cách chuyển cho tool, sau đó cài đặt từ xa. Tổng số tiền khách hàng đã chuyển vào 4 tài khoản ngân hàng, 2 ví điện tử Momo của Dương để thuê sim được cơ quan điều tra xác định khoảng hơn 11,4 tỷ đồng.

Đối với web simthue, Đỗ Quốc Cường tự viết tool, thuê dịch vụ hosting server và tên miền; Ngô Tiên Quyết (SN 1988, ở huyện Đông Anh, TP Hà Nội) mua các thiết bị Hub, Dcom 3G, khay sim kết nối máy tính có kết nối mạng internet, dùng tool đồng bộ các số điện thoại lên website; nguồn sim được Ngô Tiến Quyết mua của 2 đối tượng không rõ lai lịch.

Cùng với đó, Cường thuê Khuất Quang Huy (SN 1992, ở thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) để nhận tiền, giải đáp các thắc mắc của khách hàng; thuê Nguyễn Ngọc Chiên (SN 1991, ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội) lập trình, duy trì và bảo dưỡng web.

Tổng số tiền khách hàng đã chuyển vào 4 tài khoản ngân hàng, 1 ví điện tử Momo do Khuất Quang Huy đứng tên để thuê sim là hơn 17,3 tỷ đồng. Trong đó, Cường hưởng 40%, Huy hưởng 10%, Quyết hưởng 50%; Chiên được Cường trả lương 5 triệu đồng/tháng từ 40% số tiền Cường hưởng.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái dẫn kết luận giám định của Giám định viên Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái cho rằng số điện thoại (số thuê bao viễn thông) là thông tin cá nhân. Và chỉ doanh nghiệp viễn thông mới được quyền cho thuê và thuê sim điện thoại gắn với việc bán lại dịch vụ viễn thông; việc cá nhân, tổ chức khác không phải là doanh nghiệp viễn thông thực hiện hành vi cho thuê sim điện thoại là hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 12 Luật Viễn thông “… sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông…”…

Từ đó đã cáo buộc và chuyển hồ sơ tới Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái, đề nghị truy tố 14 bị can về tội “Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự.

Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết:

Theo quy định hiện hành chỉ có khái niệm SIM là “thiết bị được sử dụng để gắn số thuê bao và chứa các dữ liệu, thông tin liên quan khác dùng cho việc cung cấp và sử dụng dịch vụ thông tin di động”, còn “sim rác” là một khái niệm không rõ ràng, không có quy định định nghĩa, đây là cách nói “nôm” mà người dân và xã hội đề cập đến tình trạng SIM có thông tin đăng ký không đúng quy định (có thông tin thuê bao không đầy đủ, không chính xác).

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buông lỏng phát hành sim, nhiều nhà mạng bị Công an triệu tập