Có thể nói, trong mỗi bản án sơ thẩm đều có mồ hôi, công sức và đôi khi có cả những giọt nước mắt của các vị Hội thẩm nhân dân. Chia sẻ của những vị Hội thẩm mà chúng tôi có cơ hội gặp gỡ cho thấy rất rõ điều đó.
30 năm "ngồi ghế nóng"
"Tính đến giờ, sau hơn 30 năm làm Hội thẩm nhân dân, tôi đã từng tham gia xét xử đến hàng nghìn vụ án. Nhiều bị cáo, bị hại trong các vụ án đó còn là hàng xóm láng giềng của tôi. Nhưng, pháp luật bất vị thân, biết làm sao được. Điều quan trọng, là mình phải luôn giữ được sự công tâm", đó là lời tâm sự rất thật lòng của ông A Jar, một Hội thẩm nhân dân của TAND Tp Kon Tum.
Gắn bó với hoạt động xét xử từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, công việc hội thẩm đã ngấm sâu vào máu A Jar (người dân tộc Xơ-đăng, ở thôn Plêi Đôn, phường Quang Trung, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Thế nên dù đã gần bước sang tuổi 70, nhưng hầu như tuần nào, tháng nào A Jar cũng tham gia xét xử. Trong đó, chủ yếu là án hình sự. Với sự tận tụy, trách nhiệm trong công việc, cộng với lối sống hòa đồng, ông luôn được mọi người kính trọng. Cách đây ít lâu, ông còn được trao “Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tòa án”.
Ngược dòng thời gian khoảng 30 năm về trước, ở Tây Nguyên, những người có trình độ, kiến thức như A Jar rất hiếm. Ông tốt nghiệp Đại học Quốc gia hành chính Sài Gòn vào năm 1974, biết hai ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Pháp. Bên cạnh đó, do có niềm đam mê với các loại hình diễn xướng sử thi, được nghe nhiều nghệ nhân của nhiều dân tộc khác nhau hát kể, thế nên A Jar còn có thể nghe nói thông thạo được nhiều thứ tiếng, như Bana, Ê đê, Xơ Đăng. Nhờ thế, năm 1994, ông được TAND thị xã Kon Tum mời về làm Hội thẩm nhân dân kiêm phiên dịch.
Từ bấy đến giờ, dù có những lúc bận nhiều công tác khác, như Ủy viên Mặt trận Tổ quốc, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum, song A Jar vẫn dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho công tác Hội thẩm nhân dân. "Mỗi lần bước vào phòng xử án, với vị thế là người đại diện cho nhân dân, nói lên tiếng nói của nhân dân, tôi luôn ý thức về trách nhiệm của mình. Làm sao phải giữ được sự sáng suốt, có đủ trình độ hiểu biết để cùng với HĐXX đưa ra bản án công minh, đúng người đúng tội mới là điều quan trọng", A Jar chia sẻ.
Để trở thành người hội thẩm giỏi, vì công lý, theo A Jar thì người hội thẩm cần phải có vốn kiến thức sâu rộng, nhất là hiểu biết về pháp luật. Ông bảo: "Các văn bản pháp quy cao nhất không quy định cụ thể điều kiện về năng lực chuyên môn của Hội thẩm nhân dân, mà chỉ đề cao tính uy tín, tín nhiệm trước nhân dân. Tức là người đó phải có nhân cách, đạo đức, lối sống mình vì mọi người, vì xã hội. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tư pháp nói chung và công tác xét xử nói riêng lại mang tính đặc thù, mà những yêu tố như năng lực chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm là vô cùng quan trọng. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến công tác xét xử, đến quyền lợi hợp pháp của các đương sự trong vụ án. Người hội thẩm chỉ ngồi nghe mà không có chính kiến, thiếu kiến thức về pháp luật thì không làm được. Bên cạnh đó, anh cũng phải nắm được các vấn đề về kinh tế, chính trị, xã hội, phải biết những vấn đề đang xảy ra ngoài đời. Muốn vậy thì phải đọc, phải học, phải dành thời gian quan tâm, tìm hiểu".
A Ja - Hội thẩm nhân dân thành phố Kon Tum 1
Trong suốt quá trình làm Hội thẩm, A Jar gặp không ít trường hợp làm ông khó xử. Có lần ông tham dự một phiên tòa xét xử về tội cố ý gây thương tích mà cha mẹ của cả bị cáo và bị hại trong vụ án này đều là chỗ quen biết. Ngay từ khi tiếp nhận hồ sơ vụ án, ông đã trăn trở rất nhiều. Làm sao vừa giữ được sự nghiêm minh, thượng tôn của pháp luật, vừa không để mất tình thân. "Tiến thoái lưỡng nan", đã mấy lần ông định từ chối, nhường "quyền" Hội thẩm cho người khác. "Mình cứ tuân theo pháp luật mà làm, trước sau thì người ta cũng hiểu", nghĩ vậy nên A Jar vẫn quyết tham gia vào HĐXX.
"Bản án được tuyên, tuy đúng người, đúng tội, không bên nào kháng cáo, nhưng chả hiểu tại sao sau đó cả hai gia đình đều tuyệt giao với tôi. Nhiều khi gặp nhau ngoài đường, có chào hỏi họ cũng ngoảnh mặt đi. Đám cưới đám xin hay có công việc hệ trọng, họ nhất định không mời, dù trước kia tôi với họ là chỗ hàng xóm láng giềng "tối lửa tắt đèn" có nhau. Biết là có sự hiểu lầm, tôi đã nhiều lần đến từng gia đình nói chuyện lý lẽ, phân tích đúng sai. Dần dà họ cũng hiểu và thông cảm. Giờ mối quan hệ với hai gia đình đó đã trở lại bình thường, có khi còn thân hơn trước", A Jar cười bảo.
Bị nhắn tin dọa... giết
Câu chuyện mất lòng hàng xóm của ông A Jar là quá nhẹ nhàng so với câu chuyện mà bà Vi Thị Hiền ( dân tộc Thái), một giáo viên về hưu, Hội thẩm nhân dân của TAND tỉnh Điện Biên phải đối mặt. Bà Hiền kể: "Bị cáo trong vụ án đó là người ở TP Điện Biên Phủ, sống cách nhà tôi chừng vài cây số. Hôm xét xử, gia đình, người thân, bạn bè của bị cáo kéo đến đông lắm, có cả dân "anh chị". Khi kết thúc phiên tòa, HĐXX đã phải nán lại để đề phòng bất trắc. Thế nhưng khi ra về, chúng tôi vẫn bị một nhóm người quá khích buông lời mạt sát, chủ yếu là đàn bà, con gái. Nhiều ngày sau, tôi vẫn còn nhận được các tin nhắn đe dọa...".
Sau vụ đó, nhiều người khuyên can bà Hiền thôi làm Hội thẩm nhân dân, ở nhà chuyên tâm vào việc bếp núc và trông nom mấy đứa cháu ngoại, nhưng bà nhất định không nghe. "Chả lẽ mình lại đầu hàng cái ác? Hơn nữa, khi người ta phạm tội, bị đưa ra xét xử thì họ có tội với pháp luật, chứ có tội với Hội đồng xét xử, có tội gì với riêng cá nhân mình đâu. Vậy nên, trong quá trình xét xử, mình phải thật công tâm. Ai có tội thì xử người đó, ai bị oan mình phải đấu tranh đến cùng”, bà Hiền quả quyết.
Bà Vi Thị Hiền - Hội thẩm nhân dân của TAND tỉnh Điện Biên
Kể từ khi về hưu, tham gia vào công tác Hội thẩm nhân dân, thường xuyên phải đối mặt với những kẻ lầm đường lạc lối, án bạc phận người, không ít lần bà Hiền đã phải rơi nước mắt. Để minh chứng cho điều này, bà kể: “Cách đây rất lâu, tôi có tham gia xét xử lưu động một vụ án ma túy. Bị cáo là người dân tộc Mông. Chỉ vì bị kẻ xấu mua chuộc, dụ dỗ, anh ta tham gia vào đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Trong phiên xét xử, nghe bị cáo kể về gia đình, hoàn cảnh khốn khó dẫn đến phạm tội, tôi không kìm được nước mắt, nhưng pháp luật phải công bằng. Phiên tòa kết thúc, án tử dành cho bị cáo khiến tôi mất ngủ mấy đêm liền. Sau này, nghe tin bị cáo được Chủ tịch nước ân xá tội chết tôi mừng lắm, thấy nhẹ cả người”.
Điện Biên là tỉnh miền núi, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ hiểu biết về pháp luật của đồng bào còn hạn chế, chính vì thế nên đôi khi tội ác lại nảy nòi từ sự u mê, mông muội. Mỗi lần ngồi ghế hội thẩm để tham gia xét xử, bằng cái tâm của mình, bà Hiền luôn mong muốn người lầm đường lạc lối biết quay đầu để hoàn lương. “Một khi người ta phạm tội, là người Hội thẩm nhân dân, tôi chỉ mong không bao giờ gặp lại họ tại tòa một lần nữa. Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng phân tích cho họ hiểu giá trị của tự do, của nhân cách con người, hướng họ đến cái thiện để cải tạo cho tốt, sau này ra tù có cái tâm mà làm lại từ đầu”, bà Hiền chia sẻ.
Sau mỗi phiên tòa, bà Hiền lại trở về cuộc sống đời thường với vai trò của một người vợ, người mẹ và một người bà. "Tuy thu nhập từ công tác Hội thẩm nhân dân không đáng là bao, nhưng đối với tôi, cái được lớn nhất của "nghề" này là mình được nâng cao kiến thức về nhiều lĩnh vực, nhất là về pháp luật. Qua đó, nó cũng giúp tôi giáo dục con cháu, uốn nắn, điều chỉnh hành vi của chúng sao cho đúng. Đồng thời, khi tham gia vào HĐXX, tức là mình cũng đã đóng góp một phần công sức, dù là nhỏ bé, vào việc bảo vệ công lý, giữ gìn sự công bằng cho xã hội", bà Hiền tâm sự.
Buồn nhất là gặp học trò cũ trước vành móng ngựa
Cô giáo Dương Thị Lan Anh, Hiệu trường Trường THCS Nguyễn Du, tp Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, tham gia công tác Hội thẩm từ năm 2011, thường được phân công xét xử những vụ án bị cáo vị thành niên, thanh niên. Buồn nhất là những phiên tòa, cô nhận ra bị cáo là học sinh cũ của mình.
Cô nhớ mãi phiên tòa xét xử các bị cáo là công nhân của một công ty cơ khí phạm tội đánh bạc. Trong đám bị cáo rúm ró trước vành móng ngựa có một học sinh cũ mà cô làm chủ nhiệm năm lớp 8. Cậu học trò trầm tính, hạn chế giao tiếp vì có hoàn cảnh khó khăn, nhà chỉ có hai mẹ con, mẹ rất nghèo, sống bằng nghề đóng gạch. Hai mẹ con sống trong căn nhà rách nát. Vì vậy, cô dành cho cậu học trò sự quan tâm đặc biệt, thường phát động các cuộc đóng góp, giúp đỡ và cô đã mấy lần đến tận nhà thăm hỏi, động viên. Nhìn cậu học trò cũ mới hơn 20 tuổi đứng trước vành móng ngựa mà cô xót xa trong lòng.
Cô giáo Dương Thị Lan Anh - Hội thẩm nhân dân TP. Sông Công- Thái Nguyên
Cùng với Hội đồng xét xử, cô hỏi rõ hoàn cảnh, các tình tiết của vụ án cũng được làm rõ. Các bị cáo không phải là những con bạc chuyên nghiệp, mà tụ tập chơi bài sau Tết, dẫn đến bị bắt. Số tiền đánh bạc cũng nhỏ nên cuối cùng bị cáo học trò cũ của cô được hưởng án treo.
Một vụ án khác mà cô nhớ mãi, là học trò cũ của cô phạm tội hiếp dâm, cướp điện thoại khi đang học THPT. Đây cũng là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, mẹ chết, bố đi lấy vợ khác khi em đang học Tiểu học. Trong thời gian điều tra, được tại ngoại thì bị can thì trốn khỏi nơi cư trú, dẫn đến bị truy nã.....". Theo dõi những sai lầm liên tiếp của người học sinh cũ, cô mất ngủ hàng tuần. Xem ra, những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, bố mẹ ly hôn, rất dễ sa ngã. Làm thế nào để giáo dục cho các em ý thức pháp luật ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, để sau này, dù hoàn cảnh nào các em cũng vững vàng vượt qua cám dỗ là điều cô giáo Dương Thị Lan Anh trăn trở.
Bài học rút ra từ các vụ án luôn được cô truyền đạt với giáo viên và học sinh trong trường, điều cô nhắc nhở thường xuyên với những dẫn chứng thực tế là có những hành động tưởng như đơn giản nhưng lại là hành vi phạm tội. Do thiếu hiểu biết pháp luật mà con người, nhất là thanh thiếu niên rất dễ mắc phải. Với vai trò Hội thẩm nhân dân, cô luôn tâm niệm rằng phải xem xét bản chất của bị cáo, xem xét hoàn cảnh và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để bản án vừa có tính trừng phạt để răn đe, vừa có tính giáo dục, tuyên truyền pháp luật.
Lo làm oan sai, thiếu công bằng là nỗi lo thường trực của cô giáo Dương Thị Lan Anh, nên vụ án nào được tham gia cô cũng dành nhiều thời gian và tâm huyết. Bên cạnh đó cũng phải hết sức công tâm và có bản lĩnh nữa.
Trả lời về niềm vui, nỗi buồn của nghề Hội thẩm, cô chia sẻ: Niềm vui trong nghề Hội thẩm là mình được tham gia vào hoạt động xét xử, góp phần mang lại công bằng cho người dân. Qua công tác xét xử, mình cũng hiểu biết pháp luật hơn, hiểu biết nhiều mặt của cuộc sống hơn. Tuy nhiên “em thấy buồn nhiều hơn vui anh ạ. Buồn vì thấy nhiều mặt trái của xã hội. Mới đây có vụ án ly hôn, người mẹ có đứa con 2 tuổi nhưng nhất định không chịu nuôi con vì cho rằng cuộc sống khó khăn. Hội đồng thuyết phục, rồi yêu cầu anh chồng đóng góp nuôi con nhưng cô ta một mực từ chối. Buồn vì nhân tình thế thái vô cùng”.
***
Chia sẻ của ông A Jar, của bà Vi Thị Hiền hay của cô giáo Dương Thị Lan Anh cho thấy tâm tư, niềm vui nỗi buồn của người Hội thẩm nhân dân. Thù lao cho công tác này còn rất thấp, 90.000/ một buổi, có khi xử mấy vụ án liền, nhưng trách nhiệm xã hội, niềm tự hào về việc được tham gia xét xử, đã gắn bó họ với Tòa án địa phương. Trong thành tích lớn lao của ngành Tòa án có đóng góp to lớn của các vị Hội thẩm nhân dân, những người đại diện cho nhân dân tham gia công tác xét xử của Tòa án.