Ai cũng nghĩ tác nghiệp tại Tòa án, nơi công lý được thực thi thì các phóng viên pháp đình sẽ luôn được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, có không ít những vụ án, các bị cáo trong tư thế còng tay vẫn lao vào tấn công phóng viên vì bị chụp hình.
Cũng có trường hợp người thân của bị cáo xông đến giật tài liệu, cản trở phóng viên tác nghiệp để bảo vệ “lý lịch” con em họ. Cá biệt hơn, có những nhóm người xúm lại đòi “xử” bằng luật rừng khiến phóng viên phải gọi Cảnh sát 113 để xử lý.
Khi “tây lừa” nổi nóng
Đối với phóng viên phụ trách lĩnh vực nội chính, Tòa án là địa chỉ rất thân quen dù với người bình thường, đây chỉ là nơi chất chứa toàn niềm đau, nỗi buồn, đầy những bi kịch không ngờ là có thật. Cánh phóng viên quen thuộc tòa án đến từng vị trí để chọn góc máy tốt nhất, ngồi ở đâu để nghe rõ nhất lời khai…
Ở một góc nhìn khác, đôi khi phóng viên phải thuộc mọi ngóc ngách, cánh cửa của Tòa để… thoát thân khi bị đe dọa hành hung. Bởi có không ít bị cáo, dù đang trong tư thế còng tay, được các chiến sỹ Cảnh sát tư pháp áp giải nhưng vẫn manh động tấn công phóng viên. Điển hình như vụ ông “tây đen” Mbouwe Ebubu (SN 1974, tại Nam Phi) bị TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Vụ án Mbouwe Ebubu khá điển hình cho thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm nước ngoài, các chiêu lừa tuy cũ nhưng vẫn đánh vào lòng tham của nhiều người. Đầu năm 2014, Mbouwe Ebubu lấy biệt danh Alex Hopeson, xưng là người Mỹ quen với chị Nguyễn Trần Khánh Vân qua mạng internet. Mbouwe Ebubu báo cho chị Vân biết sẽ gửi một két sắt chứa 32.000 đô la Mỹ nhờ chị giữ giúp. Sau đó, một người phụ nữ tên Farah xưng là đại diện của công ty vận chuyển gọi điện cho chị Vân đề nghị gửi tiền vào số tài khoản được yêu cầu. Do cả tin nên chị Vân đã chuyển 5 lần tiền với tổng trị giá 231 triệu đồng vào tài khoản theo yêu cầu của Mbouwe Ebubu.
Tối 20/3/2014, Mbouwe Ebubu đến tận nhà chị Vân giao cho chị 1 valy nói là Alex Hopeson gửi. Mbouwe Ebubu mở ra cho chị Vân thấy bên trong chứa nhiều xấp giấy màu xanh. Mbouwe Ebubu lấy 4 tờ giấy màu xanh và cho vào bình nhựa có dung dịch. Sau khi ngâm 3 phút, 4 tờ giấy màu xanh này trở thành 4 tờ tiền loại mệnh giá 100 USD. Mbouwe Ebubu cho biết các xếp giấy màu xanh đó là tiền USD, nhưng phải xử lý qua hóa chất. Chị Vân nghi ngờ trình báo Công an.
Ngày 24/3/2014, Công an quận Thủ Đức bắt quả tang Mbouwe Ebubu khi y đang nhận 55 triệu đồng tiền mua hóa chất từ chị Vân. Qua xét xử, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh tuyên phạt Mbouwe Ebubu 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
“Tây lừa” Mbouwe Ebubu trước khi tấn công phóng viên
Khi bị áp giải ra khỏi phòng xử, thấy phóng viên chĩa máy ảnh về phía mình, Mbouwe Ebubu bỗng hét lên rồi lao vào tấn công phóng viên. Bị cáo rất to khỏe nên dù bị còng tay, lại được 2 chiến sỹ Cảnh sát tư pháp kẹp nách nhưng y vẫn suýt thoát ra được, miệng chửi tục tĩu bằng tiếng Anh. Ngay lập tức, nhiều chiến sỹ Cảnh sát khác ập vào khống chế Mbouwe Ebubu và kéo y ra xa.
Sự hung hăng của bị cáo khiến các phóng viên bị một phen hú vía. Một chiến sỹ Cảnh sát cho biết: “Mbouwe Ebubu có nói y rất “dị ứng” với máy ảnh, thực chất là bị cáo không muốn hình của mình xuất hiện trên báo điện tử”. Để lộ chân tướng là điều những kẻ lừa đảo như Mbouwe Ebubu sợ nhất.
Cản trở phóng viên để… bảo vệ con phạm pháp
Không chỉ bị các bị cáo tấn công, không ít lần, chúng tôi còn bị người nhà bị cáo cản trở việc tác nghiệp, hăm dọa giật máy ảnh hoặc dùng nhiều từ ngữ khiếm nhã để xúc phạm. Tuy nhiên, những lời lẽ, hành động cản trở đó càng thôi thúc phóng viên tường thuật sự thật của vụ án, lên án cái xấu, tuyên truyền pháp luật theo đúng nhiệm vụ của một người viết báo.
Vụ án Hồ Hồng Hoàng Thủy (SN 1992, ngụ ấp 1, xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bị TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử về tội “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” có sự xuất hiện của bố và anh trai bị cáo.
Vụ án thể hiện Thủy là một sinh viên hệ tại chức Đại học Ngân hàng được chị Trần Thị Hoàng Hà (ngụ phường Phú Mỹ, quận 7) nhận vào làm việc tại Cửa hàng Home Fresh Mart từ tháng 10/2013. Thủy khai nhận do muốn lấy công thức pha chế cà phê, sinh tố tại cửa hàng nên Thủy có lên mạng Internet tìm hiểu, tạo phần mềm gián điệp cài vào máy tính của cửa hàng. Thủy tạo ra phần mềm Ardamax Keylogger, ghi lại thao tác bàn phím, chụp ảnh màn hình máy tính, khi máy tính kết nối Internet, các thông tin trên tự động gửi về email do Thủy thiêt lập. Đến đầu tháng 12/2013, Thủy kích hoạt phân mềm gián điệp để lấy thông tin.
Thời gian sau, khi bị cửa hàng đuổi việc, Thủy liền sử dụng thông tin về ví điện từ và email cá nhân của chị Hà nhằm thực hiện hành vi chuyển tiền đến 3 tài khoản cùng do Thủy tạo ra. Chiếm đoạt số tiền 17,5 triệu đồng của chị Hà.
TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh nhận định hành vi của Hồ Hồng Hoàng Thủy phạm vào tội “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”; tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Tính chất vụ án không phức tạp nhưng với tình tiết bị cáo là sinh viên, lại lười lao động, muốn kiếm tiền nhanh nên thực hiện hành vi sử dụng công nghệ mạng Internet để phạm tội. Đó là bài học đắt giá đối với không chỉ riêng Thủy mà còn là nhắc nhở cho những bạn trẻ khác.
Khi phóng viên tác nghiệp theo đúng luật báo chí, bố và anh trai bị cáo xông đến giật bản cáo trạng từ tay chúng tôi. Dù được chúng tôi giải thích nhưng bố bị cáo vẫn liên tục phản đối, hạch sách nhằm cản trở. Phóng viên nhắc nhở, thể hiện thái độ kiên quyết thực hiện chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định. Thấy bố bị cáo vẫn ngăn cản, chúng tôi phải yêu cầu Cảnh sát can thiệp. Rõ ràng, nhận thức sai lầm, bao bọc cho những hành vi phạm tội con em mình gây ra của nhiều bậc phụ huynh cũng là một nguyên nhân khiến mất “đạo nhà”, dẫn tới vi phạm phép nước.
Dọa dùng luật rừng “xử” phóng viên
Có không ít vụ án khiến chúng tôi không khỏi day dứt vì bị cáo đứng trước vành móng ngựa biết ân hận nhưng người thân bị cáo vẫn hung hăng, ngông cuồng thách thức luật pháp, đe dọa thẩm phán, luật sư và phóng viên. Điển hình là vụ án “dạy” trẻ em bằng… búa do vợ chồng Nguyễn Thị Nga (SN 1971, thường trú tại An Quang, Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) thực hiện.
Nguyễn Thị Nga bị TAND TP. Hồ Chí Minh xét xử về tội “Hành hạ người khác”. Nga “tuyển dụng” nhiều “lao động nhí” vào làm việc gồm các em Lê Đăng Phúc (SN 1989), Nguyễn Văn Ước (SN 1987), Chung Văn Đông (SN 1989), Đinh Thị Kim Thoa (SN 1989). Nga thoả thuận với gia đình bốn em là nhận các em vào làm các công việc như cắt chỉ, dập nút, làm khuy áo, là (ủi) đồ… với mức tiền công cho 2 năm lao động từ 4 đến 4,5 triệu đồng/người.
Do muốn nâng năng suất và lợi nhuận nên vợ chồng Nga “lên lịch” buộc các em nhỏ phải làm việc quần quật từ 7 giờ sáng đến 11 giờ đêm. Thậm chí nhiều lúc cần hàng, vợ chồng Nga ép các em phải làm việc thâu đêm suốt sáng.
Các đối tượng gây rối tại trụ sở Toà án
Do nhỏ tuổi lại bị vợ chồng Nga bóc lột sức lao động quá tàn nhẫn nên nhiều em bị suy kiệt sức khoẻ, hậu quả là đôi khi làm hư hỏng một số hàng hoá. Vợ chồng Nga thấy vậy liền vu cho các em tội lười biếng, không cẩn thận và thẳng tay đánh đập, trừng phạt bốn em Ước, Phúc, Đông, Thoa bằng các loại dụng cụ “hạng nặng” như búa, kềm, tu vít, dây điện. Thậm chí Nga còn sử dụng nước sôi tưới lên cơ thể các em. Hậu quả là trên thân thể các em nhỏ đầy những vết sẹo lồi lõm. Nguyễn Thị Nga phải trả giá bằng mức án 2 năm 6 tháng tù.
Điều đặc biệt là sau khi kết thúc phiên toà, nhóm người thân của bị cáo Nga đã gây rối, la hét, xúc phạm vị đại diện Viện kiểm sát, Luật sư và các Nhà báo một cách trắng trợn nhưng không bị xử lý. Một nhóm 4 đối tượng phụ nữ (khoảng 35-45 tuổi) có hành vi xúc phạm vị đại diện Viện kiểm sát và luật sư bảo vệ quyền lợi các bị hại bằng những từ ngữ hết sức tục tĩu. Khi chúng tôi tác nghiệp, chụp hình bị cáo Nguyễn Thị Nga, 4 đối tượng trên liền xúm lại la hét, thách thức, xúc phạm, dọa sẽ “xử” phóng viên một cách trắng trợn.
Phóng viên liền chụp hình, ghi âm hành vi của các đối tượng gây rối và liên lạc ngay với lực lượng Cảnh sát 113. Trong lúc lộn xộn, chúng tôi đề nghị một nhân viên bảo vệ của Toà án can thiệp, tạm giữ các đối tượng gây rối nhưng không kịp. Khi lực lượng Cảnh sát 113 có mặt tại hiện trường thì các đối tượng trên đã tẩu thoát.
Việc các đối tượng ngang nhiên gây rối ngay tại trụ sở Toà án gây ảnh hưởng rất xấu đến sự nghiêm minh của cơ quan xét xử. Ngay sau đó, ông Phan Tánh, thời điểm đó là Phó Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận và khẳng định sẽ đưa biện pháp thích hợp, chấm dứt hiện tượng tiêu cực trên. Đó là những kỷ niệm mà cuộc đời làm phóng viên theo dõi pháp đình tôi không thể nào quên.