Buôn bán hàng giả là thực phẩm: Hành vi đầu độc sức khỏe người dân, cần xử lý nghiêm

Đỗ Việt| 16/06/2021 10:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các luật sư cho rằng, hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm giả không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn là hành vi suy đồi đạo đức, đầu độc sức khỏe người dân, cần lên án và xử lý nghiêm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Chỉ tiêu hàm lượng thấp hơn 70% so với chỉ tiêu trên nhãn mác

Như Báo Công lý đã thông tin, Công an tỉnh Hải Dương vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm giả lớn nhất từ trước đến, đồng thời thu giữ khoảng 5 tấn nguyên liệu sữa bột, 1 tấn tem nhãn mác và hơn 70.000 sản phẩm thành phẩm, nhiều nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc.

Đường dây dây sản xuất, buôn bán thực phẩm giả của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại quốc tế CIO do Trần Thị Mừng (trú tại phường Tân Bình, TP Hải Dương) và chồng là Nguyễn Huy Dương thành lập phân phối khắp các tỉnh thành từ miền Bắc vào miền Nam.

cong-ty-tnhh-san-xuat-va-thuong-mai-quoc-te-cio.jpg
Nhà máy sản suất sữa CIO

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại quốc tế CIO được thành lập vào tháng 6/2017 với ngành nghề kinh doanh, sản xuất các thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khỏe, dinh dưỡng, dinh dưỡng y học, dành cho chế độ ăn đặc biệt, sản xuất, chế biến sữa...

Điều đáng nói, bị can Mừng không được đào tạo, nghiên cứu về phương pháp sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt nhưng lại làm giám đốc kinh doanh, chịu trách nhiệm về sản xuất các sản phẩm của Nhà máy sản xuất thực phẩm CIO.

Sau khi xác lập chuyên án đấu tranh, Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hải Dương đã tiến hành thu thập sản phẩm phục vụ công tác kiểm định, kiểm nghiệm chứng minh chất lượng sản phẩm. Kết quả cho thấy có nhiều chỉ tiêu được kiểm nghiệm không đúng với các chỉ tiêu ghi trên nhãn. Đặc biệt có thành phần ghi trên nhãn nhưng kiểm nghiệm không có.

Tại các nơi khám xét, lực lượng công an phát hiện, thu giữ khoảng 27.000 vỏ hộp, 10 tấn bìa thùng carton chưa qua sử dụng có in nhãn mác các loại sản phẩm khác nhau, khoảng 5 tấn nguyên liệu sữa bột, 1 tấn tem nhãn mác, hơn 70.000 sản phẩm thành phẩm, nhiều nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc, một số thùng chứa không bảo đảm vệ sinh, 19 con dấu mang tên 16 công ty khác nhau và các chi nhánh, 14 dấu chức danh giám đốc công ty, giám đốc chi nhánh công ty và 2 dấu khắc nét chữ ký…

thu-pham-ban.jpg
Sản phẩm sữa kém chất lượng được lực lượng Công an thu giữ.

Trung tá Nguyễn Văn Phát, Phó trưởng phòng cảnh sát kinh tế công an tỉnh Hải Dương cho biết: Sau khi có kết quả giám định chất lượng của Viện khoa học hình sự Bộ Công an, trong đó chất lượng các sản phẩm mà Nhà máy sản xuất thực phẩm CIO sản xuất ra có rất nhiều chỉ tiêu, hàm lượng, vi lượng không có hoặc có nhưng thấp hơn 70% chỉ tiêu chất lượng công ty đã công bố tại Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Hải Dương.

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Công lý, sau khi có quyết định khởi tố, bị can Trần Thị Mừng được tại ngoại và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Tuy nhiên, bị can này vẫn tiếp tục mở thêm công ty để buôn bán thực phẩm.

Cần xử lý nghiêm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng

Trao đổi với phóng viên, các luật sư cho rằng, hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm giả không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn là hành vi suy đồi đạo đức, đầu độc sức khỏe người dân, cần lên lên án và xử lý nghiêm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VPLS Chính Pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Trần Thị Mừng không được đào tạo, nghiên cứu về phương pháp sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm nhưng bằng thủ đoạn tinh vi vẫn tung ra thị trường các sản phẩm kém chất lượng thể hiện sự coi thường pháp luật, tính mạng và sức khỏe của người tiêu dùng, cần phải bị xử phạt nghiêm khắc.

Theo quy định tại Điều 193 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì tội phạm này có thể phải đối mặt với hình phạt tù từ 02 năm đến tù chung thân. Trong đó hình phạt cao nhất là tù chung thân được áp dụng nếu thuộc một trong các trường hợp: thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên; Làm chết 02 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì có thể phải đối diện với hình phạt từ 1.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

luat-su-hoang-tung.jpg
Luật sư Hoàng Tùng

Luật sư Hoàng Tùng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, buôn bán thực phẩm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải đảm bảo những nội dung trong hoạt động kinh doanh theo quy định của Luật an toàn thực phẩm 2010, Nghị định 100/2014/NĐ-CP ngày 6 tháng 11 năm 2014 bao gồm: Cơ sở kinh doanh đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, có tem nhãn đầy đủ khi đó mới có quyền bán ra thị trường.

Việc cá nhân, tổ chức, sản xuất hàng hóa thực phẩm kém chất lượng sai phạm so với giấy phép đăng ký, tung ra thị trường, đầu độc sức khỏe người dân là sự báo động, lời cảnh báo trong vấn đề đảm bảo thực phẩm lành mạnh hiện nay.

Hiện đối tượng bị Công an tỉnh Hải Dương ra quyết định khởi tố bị can về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm theo quy định tại Điều 193 Bộ luật hình sự 2015. Trong trường hợp bị can áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú mà tiếp tục có dấu hiệu phạm tội thì có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam quy định tại Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trước trước thực trạng hàng giả hàng kém chất lượng, xâm nhập thị trường, các luật sư đề nghị cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn trong xử lý các đối tượng vi phạm, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng cần nêu cao cảnh giác trong lựa chọn và tiêu dùng hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm.

Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm được quy định tại Điều 193 BLHS 2015
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Buôn bán qua biên giới;

g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Làm chết người;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;

c) Làm chết 02 người trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buôn bán hàng giả là thực phẩm: Hành vi đầu độc sức khỏe người dân, cần xử lý nghiêm