Bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực của hệ thống Toà án nhân dân

Minh Sử| 11/09/2020 07:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ TANDTC đã thực hiện các nghị quyết về công tác xây dựng ngành, đào tạo đội ngũ cán bộ Tòa án, trong đó có việc xây dựng Học viện Tòa án, đã cụ thể hóa tinh thần “lãnh đạo của Đảng trong công tác đào tạo cán bộ TAND".

Bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực  

Quán triệt tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém", “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, những năm qua công tác lãnh đạo chỉ đạo của Đảng bộ TANDTC đã tập trung vào công tác đào để tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan tư pháp, nhất là hệ thống Tòa án nhân dân, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đã nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo cử nhân luật, đào tạo cán bộ nguồn của các chức danh tư pháp…; bồi dưỡng cán bộ tư pháp theo hướng cập nhật các kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp, kinh nghiệm thực tiễn, có phẩm chất, đạo đức trong sạch.

Ngày 30/ 7/2015, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1191/QĐ-TTG thành lập Học viện Tòa án. Học viện có nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, công chức Tòa án; đào tạo nghiệp vụ xét xử cho các chức danh tư pháp; đào tạo đại học, sau đại học, nhằm tạo nguồn công chức, Thẩm phán có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. 

Bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực của hệ thống Toà án nhân dân

Học viện Tòa án

Việc thành lập Học viện Tòa án trên cơ sở Trường cán bộ Tòa án là bước đột phá trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực của hệ thống Toà án nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho Toà án chủ động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức mới và chuyên sâu theo từng lĩnh vực cho đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp của Tòa án; mở ra triển vọng đào tạo nguồn cán bộ, Thẩm phán có chất lượng cao cho Tòa án các cấp trong tương lai.

Cùng với sự ra đời của Học viện Tòa án, Đảng bộ Học viện Tòa án cũng đã được cấp ủy có thẩm quyền thành lập, ý thức được sứ mệnh quan trọng đặc biệt của mình trong công tác đào, bồi dưỡng cán bộ, nhằm triển khai thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ Học viện Tòa án đã quán triệt sâu sắc, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện các Nghị quyết của Ban cán sự Đảng và Đảng ủy Tòa án nhân dân tối cao, nhất là Chỉ thị “Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng trong Tòa án nhân dân” của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 04/11/2013 của BCHTW được Hội nghị Trung ương 8 khóa XI thông qua về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” cùng các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của hệ thống Tòa án.

Hiện nay, Học viện Tòa án đang tích cực tham mưu cho Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao triển khai xây dựng Chiến lược phát triển Học viện Tòa án đến năm 20201 - 2025, tầm nhìn 2030 và những năm tiếp theo. “Đây là những việc làm hiệu quả và thiết thực trong lộ trình xây dựng Học viện Tòa án trở thành cơ sở đào tạo pháp luật và tư pháp có uy tín cao trong nước, khu vực và quốc tế”.

Tính đến thời điểm hiện nay, Đảng bộ Học viện Tòa án có 08 Chi bộ trực thuộc gồm 65 đảng viên, 55 đảng viên chính thức và 10 đảng viên dự bị; 37 đảng viên là Giảng viên đều có trình độ cử nhân luật, trong đó, có 01 Phó giáo sư tiến sĩ, 05 tiến sĩ và 24 Thạc sĩ, 06 cử nhân, 01 người lao động, 28 đảng viên là sinh viên. Ban chấp hành Đảng bộ gồm 09 đồng chí có 2 đồng chí là nữ. Ban thường vụ có 03 đồng chí đều là các thành viên Ban giám đốc. Các đảng viên đều có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh.

Đặc biệt được sự quan tâm của  Ban cán sự Đảng, Ban Thường vụ Đảng ủy Tòa án nhân dân tối cao, đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Giám đốc học viện Tòa án được chỉ định tham gia cấp ủy và giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, đã thực sự là hạt nhân đoàn kết cùng ban chấp hành Đảng bộ  củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng; Ban hành Quy chế làm việc, đã triển khai cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình công tác đào tạo của Học viện Tòa án. Đảm bảo đúng các quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chú trọng xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng với những đổi mới, cập nhật kiến thức theo tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm sát với yêu cầu, nhiệm vụ thực tế; giúp cho việc quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp và hiệu quả hơn.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Học viện Tòa án đã tuyển sinh đạt chỉ tiêu theo đề án 04 khóa đào tạo hệ đại học chính quy tổng số là 1.115 sinh viên. Trong đó khóa 1: 205 sinh viên; khóa 2: 300 sinh viên; khóa 3: 303 sinh viên và khóa 4 là 307 sinh viên. Khóa 1 Đại học đã hoàn thành chương trình đào tạo và nhận bằng tốt nghiệp; Tổ chức thành công 6 khóa với 37 lớp đào tạo nghiệp vụ xét xử với tổng số lượng 2.034 học viên; tổ chức thành công 262 khóa đào tạo Thư ký Tòa án với tổng số lượng 3.016 học viên, 02 khóa đào tạo Thẩm tra viên Tòa án với số lượng 241 học viên, 021 khóa đào tạo Thư ký viên chính, 021 khóa đào tạo Thẩm tra viên chính; tổ chức được 21 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đối với Thẩm phán các cấp với tổng số 4.168 lượt học viên;

Học viện Tòa án cũng đã tổ chức thành công 12 kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, nâng ngạch Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp với số thí sinh tham gia là 4209 người. Các kỳ thi được thực hiện theo đúng thời gian, kế hoạch, được tổ chức nghiêm túc, có chất lượng, đúng quy định; thực hiện việc chuyển đổi công chức sang viên chức; thi tuyển dụng viên chức được 27 giảng viên.

Đội ngũ giảng viên từng bước được chuẩn hóa và hoàn thiện

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng cơ sở vật chất của Học viện ngày càng được đầu tư khang trang hơn; trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy và nơi sinh hoạt cho sinh viên dần được bảo đảm theo tiêu chuẩn hiện đại, văn minh. Bảo đảm không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giảng viên Học viện để họ yên tâm cống hiến.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong công tác đào tạo hiện nay cần có biện pháp tháo gỡ, khắc phục, đó là:

Đội ngũ giảng viên cơ hữu còn thiếu, ngoài việc tham gia giảng dạy tại Học viện Tòa án, các giảng viên còn có nhiệm vụ chuyên môn phải thực hiện. Các giảng viên kiêm chức là các Thẩm phán, Thẩm tra viên có kinh nghiệm thực tiễn vẫn phải tập trung vào công việc chính là xét xử tại Tòa án nên việc thu xếp thời gian tham gia giảng dạy theo đúng lịch học gặp nhiều khó khăn;

Các giảng viên kiêm chức rất nhiệt tình trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học nhưng chưa có cơ chế đánh giá trong công tác thi đua, khen thưởng hằng năm. Chưa có cơ chế điều động linh hoạt và hiệu quả giữa các giảng viên cơ hữu/kiêm chức với mục tiêu thu hút, tuyển chọn, sử dụng những cán bộ, thẩm phán ưu tú làm giảng viên của Học viện Tòa án.

Công tác tổ chức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng: Mặc dù công tác tổ chức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng được quan tâm, thường xuyên đổi mới làm cho công tác đánh giá chất lượng người học ngày càng sát thực, khách quan và công bằng. Ở lĩnh vực đạo tạo nghề chưa xây dựng được ngân hàng đề thi, nên vẫn còn bị động trong việc lựa chọn đề thi….

Giảng viên Học viện chưa được áp dụng cơ chế giảng dạy như các trường đại học khác (tức là ngoài giờ lên lớp, phải có thời gian cho nghiên cứu khoa học) vì Học viện thiếu cán bộ nên giảng viên vừa phải giảng dạy vừa kiêm nhiệm các công tác khác…

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, cải cách tư pháp trong đó vai trò, nhiệm vụ của hệ thống Tòa án – cơ quan tư pháp ngày càng được tăng cường.

Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cơ quan Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Học viện Tòa án đã xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện trong thời gian tới.

Một là, chú trọng, tăng cường công tác xây dựng Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định, cụ thể: quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết TW4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, gắn với yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án các cấp trong sạch, vững mạnh.

Hai là bám sát vào chức năng, nhiệm vụ, vai trò của hệ thống tòa án trong yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới nhằm cung cấp nguồn nhân lực phù hợp với từng vị trí việc làm, chức danh nghề nhiệp được đào tạo một cách bài bản, có khả năng giải quyết tốt công việc thực tiễn.

Ba là, đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, lý luận đi đôi với thức tiễn. Đặc biệt cần gắn chặt hoặt động đào tạo, bồi dưỡng với công tác tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ theo hướng chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa.

Bốn là tạo cơ chế phối hợp hữu cơ giữa Học viện Tòa án với các đơn vị của TANDTC, Tòa án địa phương trong các hoạt động xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp, trao đổi giảng viên, cung cấp hồ sơ vụ án, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài khuôn viên của Học viện.

Năm là làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, coi trọng công tác nắm tình hình chính trị, nhất là vấn đề diễn biến tư tưởng, chính trị  hiện nay của cán bộ, đảng viên để kịp thời động viên những tấm gương tốt; có những biện pháp uốn nắn những biểu hiện lệch lạc.

Sáu là phấn đấu xây dựng Học viện Tòa án thực sự trở thành một cơ sở đào tạo đại học, sau đại học có uy tín trong nước và khu vực. Học viên, sinh viên sau khi tốt nghiệp Học viện phải là những người giỏi về lý luận, tinh thông về luật pháp, nhuần nhuyễn về kỹ năng thực hành, có kiến thức xã hội sâu rộng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, nêu cao tinh thần mà Bác Hồ đã dạy là: “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư”, “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

Bảy là xây dựng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với từng giai đoạn; chú trọng tuyển chọn các đối tác trong nước và quốc tế. Nhất là những người có kinh nghiệm xét xử và thực tiễn quản lý, trong đó các thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán cấp cao, Thẩm phán trung cấp có kinh nghiệm thực tiễn, trình độ chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức tốt, có khả năng sư phạm… phải là nòng cốt cho đội ngũ giảng viên cơ hữu và kiêm chức của Học viện.

Tám là, tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế với các cơ sở đào tạo pháp lý, đào tạo các chức danh tư pháp của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Thường xuyên trao đổi, cập nhật kinh nghiệm, kiến thức có chọn lọc về thành tựu đào tạo các ngạch Thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký Tòa án, và đặc biệt là kinh nghiệm trong xử lý các tranh chấp có liên quan đến thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng của đất nước hiện nay.

Thực hiện tốt các mục tiêu đó, cùng với sự lãnh đạo của Ban cán sự đảng, Đảng ủy Tòa án nhân dân tối cao, sự cố gắng của mỗi cán bộ, đảng viên, Học viện Tòa án sẽ nhanh chóng trở thành cơ sở đào tạo vững mạnh, có uy tín, đạt chất lượng, khẳng định được vị thế vững chắc mang tính chất đặc thù của Tòa án nhân dân trong hệ thống giáo dục quốc dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực của hệ thống Toà án nhân dân