Bé gái 5 tuổi (ngụ Sóc Trăng) được chuyển viện đến Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM điều trị sau hơn 2 tháng ăn uống kém, sụt cân, xanh xao, nhợn ói và tiêu lỏng kéo dài.
Ngày 31/12, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết, các bác sĩ của bệnh viện đã mổ khẩn trương lấy dị vật tiêu hoá là một búi tóc gần 1 kg trong dạ dày bé gái 5 tuổi.
Bệnh nhi là bé bé K.A. được chuyển đến sau hơn 2 tháng ăn uống kém, sụt cân, xanh xao, nhợn ói và tiêu lỏng kéo dài.
Bệnh viện địa phương sau khi khám, xét nghiệm chụp chiếu nghi ngờ một thể tắc ruột Trichobezoar (thể kết của tóc). Tình trạng hiếm gặp này được đặc trưng bởi sự tắc nghẽn đường ruột do ăn tóc và xảy ra chủ yếu ở những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh trichotillomania, một tình trạng tâm lý biểu hiện thôi thúc người bệnh nhổ tóc và ăn không kiểm soát.
Tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, bệnh nhi nhanh chóng được chẩn đoán hình ảnh xác định và ê-kíp Khoa Ngoại tổng hợp đã mổ khẩn trương lấy trọn dị vật tiêu hóa là một búi tóc quấn gần 1kg chiếm trọn lòng dạ dày. Búi tóc siết chặt và căng phồng niêm mạc, nguy cơ thủng tắc hay nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân là rất lớn nếu chậm trễ..
Theo các bác sĩ, hội chứng Rapunzel gây nên bởi chứng nhổ tóc bệnh lý được xếp vào nhóm "Ám ảnh cưỡng chế và các rối loạn liên quan". Bệnh gặp ở trẻ em nhiều gấp 7 lần so với người lớn, tỷ lệ mắc cao nhất ở lứa tuổi 4-17.
Bệnh làm cho trẻ cảm thấy lo buồn và có thể gây suy giảm ở mức độ trung bình các hoạt động ngoài xã hội, trong nhà trường cũng như mối quan hệ gia đình của trẻ.
Những người mắc bệnh này cảm thấy họ buộc phải nhổ tóc để cảm thấy thư giãn hơn. Nghiên cứu đã phát hiện 20% số người mắc bệnh thực hiện các hành vi này hàng ngày, bao gồm cả việc nuốt tóc.
Trường hợp bé gái nói trên, được biết, cha mẹ bé ly hôn, bé sống với ông bà ngoại, mẹ đi làm xa.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP đã và đang can thiệp, chăm sóc và nâng đỡ tâm lý cho bé. Điều trị tâm lý sau phẫu thuật rất quan trọng để phòng ngừa việc ăn tóc tái phát trong tương lai. Điều này đặc biệt cần thiết đối với những người mắc bệnh do căng thẳng vì họ có nguy cơ tái phát rất cao.
Sự tham gia của cha mẹ, những người trực tiếp chăm sóc trẻ trong điều trị tâm lý cũng rất quan trọng để bệnh nhân cảm thấy được hỗ trợ ngăn chặn các hành vi tiêu cực và giảm khó chịu do bệnh.