Khi chốn an cư trở thành thảm họa, hàng ngàn hộ dân ở chung cư Ehome 3 không biết phải làm thế nào để đối phó với loại bụi lạ tấn công ngoài việc đóng chặt cửa phòng. Như thế, đồng nghĩa với việc, không gian sống của họ giống như trong “chiếc hộp”.
Nhiều tháng qua, hơn 2000 hộ dân ở chung cư Ehome 3 (quận Bình Tân, TPHCM) phải sống chung với tình trạng ô nhiễm vì bị bụi lạ tấn công . Loại bụi phủ một phần chung cư và gây ra không biết bao nhiêu phiền toái cho cư dân có dạng sợi vải kèm theo khả năng kết dính nhẹ.
Cơn lốc bụi tấn công
Theo anh Nguyễn Hữu Bình (sống tại Block B1) cho biết, đã mấy tháng nay, ngoài những lúc mở cửa khi đi làm về, thì hầu như cư dân tại đây không ai dám để cửa bởi vì mỗi khi hở ra hoặc quên đóng thì “cơn lốc” bụi tràn vào nhà.
“Không chỉ ở tầng trệt, những căn ở tầng cao cũng bị bụi vải bám vào. Bụi này đóng kín vào nhiều vật dụng trong gia đình. Mặc dù thời gian lớn là đóng kín cửa nhưng bụi vẫn bay đầy vào căn hộ. Các vật dụng trong gia đình phải vệ sinh thường xuyên và hết sức cực khổ. Chỉ cần không khép cửa khoảng 2 giờ đồng hồ là các vật dụng trong nhà đều phủ màu của bụi”, anh Bình nói.
Bụi lạ tấn công làm cuộc sống của người dân tại chung cư Ehome 3 vô cùng khổ sở
Ghi nhận của PV Báo Công Lý tại nhà anh Bình, mặc dù đã dùng một số vật dụng che chắn, hạn chế bụi nhưng các đồ sinh hoạt trong nhà như quạt, tủ, sàn nhà… Thậm chí, anh Bình chỉ cần dùng một miếng khăn giấy chùi nhẹ thì khăn đã đổi màu, dính đầy bụi.
Tình trạng bụi bẩn tấn công chung cư làm đảo lộn cuộc sống, đẩy sinh hoạt của các gia đình vào tình trạng khép kín, hoang mang. Trong đó, đáng kể nhất là tình trạng của các em nhỏ, nhiều hộ phải đau đầu hoặc không biết phải làm thế nào để thoát khỏi thảm cảnh này.
“Tình trạng bụi này đã xảy ra từ lâu nhưng càng lúc càng nhiều. Mình người lớn mà chịu không nổi nói chi đến trẻ em. Con trai tôi 6 tuổi, khi mới chuyển vào đây, mọi sinh hoạt đều bình thường, nhưng tự dưng vào ở một thời gian thì bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp, phải đi khám bác sĩ liên tục”, anh Minh, cư dân tại Ehome 3 chia sẻ.
Để đối phó với tình trạng bụi tấn công, nhiều cư dân đã phải sử dụng giải pháp tạm thời là dùng lưới chụp, lồng… đặt ở các cửa để hạn chế bụi.
Nhiều cư dân chia sẻ, hiện tượng bụi tấn công chung cư không phải là chuyện lần đầu. Hơn 3 năm trước đã từng xuất hiện bụi vải như thế này nhưng với mức độ nhẹ hơn. Hiện tại, ô nhiễm đã tăng cao và rơi vào báo động trầm trọng. Trong tháng vừa rồi, nhiều trẻ con ở khung vực này liên tiếp mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp do hít phải loại bụi lạ này.
Bụi lạ do đâu?
Các cư dân cho rằng, nguyên nhân chính của ô nhiễm bụi tấn công chung cư là do các nhà máy, xí nghiệp chế biến của các công ty đóng gần chung cư Ehome 3.
Đáng lưu ý, vào năm 2014, sau khi bị bụi lạ từng tấn công, người dân sống ở chung cư Ehome 3 đã gửi đơn kiến nghị đến Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Tân. Tiếp đó, cơ quan chức năng đã kiểm tra, phân tích rồi đưa ra kết luận xác định Công ty TNHH Top Royal Việt Nam sản xuất may mặc sát khu chung cư Ehome 3, phát sinh ra tiếng ồn, bụi vải.
Bụi bẩn bao phủ cả căn hộ, khiến nhiều trẻ nhỏ liên tục mắc các bệnh về hô hấp
Biên bản làm việc năm 2014 của phòng Tài nguyên và Môi trường trả lời người dân, xác nhận: “Tại thời điểm phúc tra Công ty TNHH Top Royal Việt Nam, công ty đã di dời máy nén khí ra khỏi khu vực tiếp giáp với chung cư Ehome 3 và xây bể thu gom, lắng lọc bụi không để bụi phát sinh ra bên ngoài”.
Sau đó, cơ quan chức năng tiếp tục can thiệp buộc những nhà máy bên cạnh đã chấn chỉnh hoạt động sản xuất của mình, trả lại cho Ehome 3 môi trường sống trong lành. Tuy nhiên, đến nay, không hiểu vì sao bụi lạ đã trở lại tấn công với tần suất kinh hoàng hơn.
Được biết, chung cư Ehome 3 do Tập đoàn Nam Long làm chủ đầu tư, hiện có hơn 2.000 hộ dân sinh sống tại 14 toà nhà.
Trao đổi với PV Báo Công Lý, đại diện Tập đoàn Nam Long (Chủ đầu tư dự án Ehome 3) cho rằng, tình trạng bụi tấn công chung cư Ehome 3 là do các yếu tố khách quan nên chủ đầu tư không lường trước được. Để nhanh giải quyết tình trạng và chia sẻ với cư dân, chủ đầu tư sẽ phối hợp với cư dân kiến nghị lên cơ quan chức năng để đề nghị nhanh chóng can thiệp, xử lý sự việc.