Bức tranh nhiều gam sáng của kinh tế Việt Nam 2021

Trang Nhi| 03/01/2022 13:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2021, với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp năng động và niềm tin vào sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, chúng ta đã vượt qua khó khăn, tạo nên bức tranh kinh tế với nhiều gam sáng.

anh-1.-buc-tranh-kinh-te-2021.jpg
Bức tranh kinh tế chuyển sang gam màu sáng kể từ sau Nghị quyết 128.

Những gam sáng của bức tranh kinh tế

2021 là năm bức tranh kinh tế phân chia thành hai gam màu rõ rệt. Nếu lấy ngày 11/10/2021, ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, làm bản lề, thì có thể thấy nền kinh tế chia thành hai gam màu khác biệt. Một bên nhuốm màu xám bởi COVID-19 và một bên là gam màu sáng khi nền kinh tế phục hồi.

Có thể coi Nghị quyết 128 /NQ-CP như một trong những căn nguyên quan trọng khiến các hoạt động kinh tế - xã hội dần đi vào quỹ đạo “bình thường mới” và nhờ đó, nền kinh tế phục hồi mạnh và phát triển.

Kết thúc tháng 10/2021, tức là chỉ sau 20 ngày Nghị quyết 128/NQ-CP được ban hành, nền kinh tế đã bắt đầu khởi sắc. Rất nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô dần đi vào "guồng" tăng nhẹ đã khẳng định điều đó.

Chẳng hạn, dự báo kinh tế quý 4/2021 tăng từ 2-3% so với cùng kỳ năm 2020 và GDP cả năm tăng từ 1,6-2,1%. Đây là cơ sở quan trọng, tạo đà tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Sản xuất phục hồi, lưu thông hàng hóa thuận tiện với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6%, tương đương tăng tới 123 tỷ USD so với năm 2020. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từng bước được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp.

Điều này đã góp phần giúp cán cân thương mại đảo chiều, xuất siêu không những được giữ vững mà còn lập nên kỳ tích mới. Cán cân thương mại năm 2021 ước xuất siêu khoảng 4 tỷ USD,  tiếp tục đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp.

Kinh tế đang khó khăn, việc các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo sẽ hỗ trợ tích cực cho ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.

Cũng nhờ sản xuất, xuất khẩu phục hồi, mà tình hình thành lập mới doanh nghiệp trở nên tích cực. Trước Nghị quyết 128 /NQ-CP, trong 10 tháng đầu năm có 97.089 doanh nghiệp thì từ sau Nghị quyết 128, chỉ trong tháng 11, đã có 11.902 doanh nghiệp gia nhập thị trường (tăng 44,6% so với tháng trước) cùng số vốn đăng ký là 149.861 tỷ đồng (tăng 38%) và số lao động (tăng 30,2%). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng 15,2% so với tháng trước.

Kết quả này cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất - kinh doanh sau hơn một tháng triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP.

Nhiều chỉ số vĩ mô khác cũng cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế đang diễn ra. Chẳng hạn, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới và tăng thêm vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ. Sức mua của nền kinh tế cũng đang được cải thiện, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng mạnh. Lạm phát cũng được kiểm soát, với chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 1,84%, thấp nhất trong vòng 5 năm qua…

Kết quả trong đầu tư trực tiếp nước ngoài và hoạt động xuất, nhập khẩu của nền kinh tế cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng đồng thế giới đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại quốc tế và cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn tới.

anh-2.-buc-tranh-kinh-te-2021.jpg
Việt Nam sẽ viết tiếp câu chuyện tăng trưởng sau khi phục hồi kinh tế.

Viết tiếp câu chuyện tăng trưởng

Để có được những thành tích ấn tượng trong năm 2021 đầy khó khăn có rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu là Việt Nam đã nhanh chóng chuyển từ chiến lược "Zero COVID" sang "Thích ứng linh hoạt với COVID" dần nới lỏng giãn cách và mở cửa nền kinh tế. Kết quả là nền kinh tế đã có bước chuyển biến tích cực.

Theo các chuyên gia của Ngân hàng thế giới, lạm phát tăng nhẹ do giá nhiên liệu tăng, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng ngoài lương thực, thực phẩm đnag phục hồi và chi phí logistics tăng, trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức ổn định, cung cấp thanh khoản dồi dào để phục hồi kinh tế. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam là rất lớn.

Nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên gia dự báo, trong năm 2022 mức tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt từ 6-7%. Điều này hoàn toàn khả thi và Việt Nam sẽ "viết tiếp câu chuyện tăng trưởng".

Những dự báo về kinh tế Việt Nam rất tích cực nhưng không phải không có khó khăn, đặc biệt khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường. Bên cạnh đó cũng cần chú ý tới các thách thức khác như tình hình ùn ứ nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác cần giải quyết như duy trì chuỗi cung ứng sản xuất để tránh bị đứt gãy, vấn đề thiếu lao động của các doanh nghiệp, cũng như những tác động chưa thể lường trước của bối cảnh chung của kinh tế thế giới và rất cần các giải pháp kịp thời, căn cơ để giải quyết các vấn đề phát sinh để kinh tế Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng như kỳ vọng trong năm 2022.

Chặng đường phục hồi kinh tế đang ở giai đoạn bắt đầu, sẽ chuyển sang giai đoạn tăng trưởng. Và có lẽ, trong lúc này, mọi hy vọng đang được đặt vào Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế mà Chính phủ đang xây dựng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bức tranh nhiều gam sáng của kinh tế Việt Nam 2021