Kinh tế Việt Nam 2022: Lạc quan tăng trưởng giữa “bình thường mới”

Trang Nhi| 01/01/2022 09:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dù năm 2021 đánh dấu mức tăng trưởng GDP khá thấp nhưng những động lực cho công cuộc phục hồi ngày càng rõ nét. Dự báo năm 2022, nhiều tổ chức, thể chế kinh tế - tài chính và giới chuyên gia vẫn tỏ ra vô cùng lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam với mức 6 - 6,5%.

Nhận diện động lực tăng trưởng

Năm 2022, Việt Nam sẽ có nhiều cải thiện cả về động lực và kết quả phục hồi, phát triển kinh tế so với năm 2021.

Với kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, khả năng chủ động sản xuất được vaccine ngừa COVID-19 sẽ sớm đảm bảo mục tiêu tiêm vaccine cho toàn dân, đất nước sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường và nền kinh tế mau chóng hồi phục. Việc hoàn thành bao phủ vaccine vào cuối năm 2021, hoặc chậm nhất vào đầu năm 2022 là một trong những điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế.

anh-1.-du-bao-kinh-te-2022.jpg
Kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia quá trình khôi phục các hoạt động kinh tế sau giãn cách xã hội kéo dài có thể phải đối mặt với một số trở ngại, như sự gián đoạn chuỗi cung ứng và những nút thắt về logistics, thiếu hụt lao động, sự cứng nhắc về thủ tục trong thực hiện ngân sách chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp để tái khởi động các hoạt động kinh doanh sau một thời kỳ dài đóng cửa, đặc biệt trong ngành dịch vụ du lịch, ăn uống và lưu trú.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đối diện với sự gia tăng áp lực lạm phát, trần nợ công và nợ xấu ngân hàng, những hạn chế về khả năng đáp ứng nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng của hệ thống y tế cơ sở, trong khi số lượng người cần được hỗ trợ y tế, an sinh xã hội là rất lớn.

Tuy vậy, theo WB, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do COVID-19. Trong nội tại nền kinh tế, tiêu dùng nội địa và đầu tư công vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Năm 2022 Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%. Đây là quyết tâm cao của Chính phủ, xuất phát từ nhiều điểm. Mục tiêu thời kỳ 2021-2025 tăng bình quân 6,5-7%/năm, để đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Về mục tiêu tăng trưởng từng tỉnh, thành phố, với vai trò là “đầu tàu” của cả nước, TP. Hà Nội phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 7 - 7,5%.

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu trong năm 2022 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 10%; thu ngân sách Nhà nước 52,6 nghìn tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%; thu hút FDI đạt 1,5 tỷ USD. TP. Đà Nẵng cũng xây dựng nhiều kịch bản tăng trưởng; ở kịch bản tốt nhất tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 7,01% so với năm 2021.

Là địa phương phải chịu tổn thất nặng nề nhất ở "làn sóng" thứ tư dịch COVID-19, TP. Hồ Chí Minh cũng phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 từ 6 - 6,5%.

Do đó, các chính sách hỗ trợ phát triển cần chú ý tạo động lực kích thích cho cả tổng cung và tổng cầu; củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn, tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp.

Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp và chiến lược phục hồi kinh tế trong điều kiện “bình thường mới” với chuyển đổi kinh tế số, tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nếu có các giải pháp hỗ trợ, kích cầu một cách kịp thời và có hiệu quả, Việt Nam có thể đạt được kết quả như mục tiêu đề ra.

anh-2.-du-bao-kinh-te-2022.jpg
Năm 2022, Việt Nam sẽ có nhiều cải thiện cả về động lực và kết quả phục hồi, phát triển kinh tế so với năm 2021.

Trở lại lộ trình phát triển, vươn xa

Năm 2022, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries nhấn mạnh, khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nâng cao chất lượng hàng hóa để tiến sâu vào nhiều thị trường lớn, tiềm năng hơn.

Trong bối cảnh xuất khẩu là động lực lớn của nền kinh tế, chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tận dụng thật tốt và hội nhập sâu rộng thông qua hệ thống 15 FTA đã được ký kết, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) vẫn là đòn bẩy, cú hích đáng kể cho thương mại hàng hóa Việt Nam với các thị trường hàng đầu thế giới.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, riêng về xuất khẩu, hiện tại, Việt Nam phần nào khống chế được dịch bệnh đã góp phần tạo sự phục hồi tốt hơn từ các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN... Dự báo năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể tăng trưởng từ 13-15%.

Về các chính sách phục hồi kinh tế năm 2022-2023, ông Lực khuyến nghị các kế sách trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cần đủ liều lượng, nguồn lực phải đủ lớn và thời gian triển khai đủ dài. Đồng thời, việc triển khai xuống cấp cơ sở phải đúng và trúng đối tượng chứ không nên dàn trải, chung chung, mơ hồ.

Chương trình hồi phục kinh tế của Việt Nam phải đủ mạnh, đúng và trúng. Chính phủ tính tới gói hỗ trợ lên đến 10% GDP nhưng phải quản trị được rủi ro từ chính những chính sách được đưa ra và thực hiện đúng đối tượng, mục tiêu.

Trong khi đó, bàn về tốc độ tăng trưởng mục tiêu 6-6,5% năm 2022, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Jacques Morisset tin Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được nếu đáp ứng hai điều kiện: kiểm soát tốt đại dịch và cải thiện cán cân cung - cầu. Chính phủ cần triển khai các biện pháp kích cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam còn còn dư địa tài khóa, với tỷ lệ nợ công trên GDP mới chỉ ở mức 44% trong khi trần nợ công đã được Quốc hội thông qua ở mức hơn 60%, như vậy Việt Nam vẫn còn dư địa để vay vốn.

Nhờ lượng dự trữ tiền mặt ở mức cao, Việt Nam cũng có thể tăng chi ngân sách bằng cách khởi động lại các chương trình đầu tư công như đã triển khai trong năm 2020 và tăng hỗ trợ cho những người dân bị mất việc làm, giảm thu nhập hay đã hết tiết kiệm do đại dịch.

Nới lỏng các chính sách tài khóa, thực hiện giảm thuế và giảm phần đóng góp của người dân để thúc đẩy chi tiêu cũng có thể được cân nhắc.

Tin rằng, việc Chính phủ đặt mục tiêu trên 70% dân số sẽ được tiêm chủng đầy đủ vào nửa đầu năm tới sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam thích ứng với bình thường mới và quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế Việt Nam sẽ được đẩy nhanh ngay từ quý đầu tiên của năm 2022 với 4 động lực tăng trưởng chính đối với GDP 2022 là nội địa phục hồi, xuất khẩu tăng trưởng tích cực, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hồi phục mạnh mẽ và các chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, kịp thời của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Việt Nam 2022: Lạc quan tăng trưởng giữa “bình thường mới”