Bóng ma hóa đơn đỏ và những bàn tay đen (Kỳ 5): Tích cực phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh

Nhóm phóng viên| 02/12/2021 16:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành Thuế trong cuộc chiến với “bóng ma” hóa đơn đỏ như “sóng ngầm” đang tàn phá nền kinh tế. Song trong cuộc chiến này, có không ít cán bộ ngành Thuế đã bị đồng tiền làm cho “mờ mắt” mà “gục ngã”.

Để tiêu cực không bắt tay với tham nhũng trên “thị trường đen”, kiên quyết đấu tranh là chưa đủ, cơ quan chức năng cần có biện pháp phòng ngừa, bịt lỗ hổng ngay trong nội bộ ngành Thuế và tăng chế tài, nghiêm khắc trừng trị những kẻ bảo kê cho tội phạm.

ban-sua-anh.jpg
sua-4.jpg
ky6-tit-phu-1-hoa-don-do.jpg

Luật sư Khương Tân Phương, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định: Tính chất các vụ việc gian lận hóa đơn, thuế ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Nhiều đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh, thành phố trong việc cấp giấy phép, đăng ký kinh doanh để thành lập doanh nghiệp, sau đó không hoạt động mà chỉ mua, bán hóa đơn nhằm thu lợi bất chính.

“Lỗ hổng trong công tác quản lý hiện nay một phần là do hệ thống các cơ quan thuế chưa rà soát, giám sát chặt chẽ, kịp thời đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu phát hành, mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Bên cạnh đó, còn nhiều cơ quan thuế chưa đẩy mạnh thực hiện việc xác minh tình trạng hoạt động của người nộp thuế tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế mình quản lý theo quy định. Qua đó chưa cập nhật kịp thời, đầy đủ các thông tin về người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký để thông báo công khai thông tin về doanh nghiệp đã phát hành hóa đơn nhưng bỏ trốn hoặc tạm ngừng hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp”, Luật sư Phương cho biết.

ky6-box1-hoa-don-do.jpg

Thực tế còn ghi nhận không ít cán bộ ngành Thuế thoái hóa, biến chất, bị đồng tiền làm cho “mờ mắt” đã bảo kê cho loại hình tội phạm nguy hiểm này, thậm chí chính cán bộ Thuế cũng đi bán hóa đơn. Có thể chỉ ra như hồi tháng 10/2021, Lê Xuân Phát (SN 1983, cán bộ Chi cục Thuế khu vực La Grai – Chư Păh, tỉnh Gia Lai) bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi "Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản".

Kết quả điều tra xác định, trong thời gian từ năm 2016 đến 2020, ông Phát đã chiếm giữ 7 quyển hóa đơn bán hàng để xuất bán lẻ 83 hóa đơn, tổng doanh số trên 10,2 tỷ đồng. Trong số tiền này, ông Phát hưởng lợi trên 328 triệu đồng.

Hay hồi tháng 3/2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã khởi tố, bắt giữ Trần Thanh Việt (42 tuổi, Đội trưởng đội kiểm tra thuế), Trần Cao Sang (51 tuổi, cán bộ thuế, cùng thuộc Chi cục thuế khu vực Tân Châu - An Phú) và Dương Hoàng Chiến (45 tuổi, Đội phó Đội kiểm tra thuế Chi cục thuế khu vực Tịnh Biên - Tri Tôn) để điều tra, làm rõ về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ và mua bán hóa đơn trái phép, nhằm thu lợi bất chính.

Kết quả điều tra cho thấy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Việt, Chiến và Sang đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp mua hóa đơn giá trị gia tăng khống để hưởng lợi bất chính trên 600 triệu đồng.

ky6-box2-hoa-don-do.jpg

Cần nói rõ thêm rằng, nỗ lực của ngành Thuế trong cuộc chiến với “bóng ma hóa đơn đỏ” là không thể phủ nhận, minh chứng là những con số biết nói: Trong năm 2019, ngành Thuế đã củng cố hồ sơ chuyển cho cơ quan Công an 135 trường hợp có dấu hiệu vi phạm liên quan tới hóa đơn; năm 2020 chuyển 162 trường hợp sang cơ quan Công an với những vụ việc nổi cộm. Những đối tượng bị khởi tố, bắt giữ như nói ở trên chỉ là “những con sâu làm rầu nồi canh”.

ky6-tit-phu-2-hoa-don-do.jpg

Theo Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, để đẩy lùi, ngăn chặn tình trạng buôn bán hóa đơn “lậu”, chống thất thu ngân sách, tạo môi trường lành mạnh trong kinh doanh, thời gian qua, đơn vị đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp thành lập ban chỉ đạo về hóa đơn, từ đó nhận dạng doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về in, phát hành, sử dụng hóa đơn; xây dựng chuyên đề thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, về hóa đơn.

Tại một số địa phương như Thủ đô Hà Nội, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP Hà Nội đã yêu cầu các phòng, Chi cục Thuế các quận, huyện, thị xã triển khai các biện pháp phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm về in, phát hành, mua, bán, sử dụng hóa đơn trái phép.

Trong đó, Cục Thuế Hà Nội đã xây dựng bộ tiêu chí nhận diện các doanh nghiệp có rủi ro về in, phát hành hóa đơn bao gồm: Các doanh nghiệp có doanh thu tăng đáng ngờ, đột biến; chuyển quận, chuyển chủ sở hữu, người đại diện nhiều lần trong năm. Các doanh nghiệp có doanh thu lớn nhưng không có kho hàng, xưởng sản xuất; có vốn chủ sở hữu thấp, doanh thu lớn, không phát sinh thuế phải nộp. Các doanh nghiệp có doanh thu cao, phát sinh đều các tháng và có đầu vào và đầu ra xấp xỉ bằng nhau, xin ngừng nghỉ, tạm dừng, có công văn giải thể sau đó xin hoạt động trở lại; thay đổi người đại diện trước pháp luật, thay đổi trụ sở kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan Thuế.

Đồng thời, Cục đề nghị các phòng, Chi cục Thuế các quận, huyện tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, hàng tháng phải kiểm soát địa chỉ kinh doanh của các doanh nghiệp, phát hiện kịp thời các trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký, thực hiện phối hợp với chính quyền địa phương xác minh, xử lý thông báo các trường hợp doanh nghiệp bỏ địa chỉ. Theo dõi việc thông báo phát hành, báo cáo sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp này chặt chẽ theo quy trình. Kiểm soát tờ khai thuế, xác định những dấu hiệu bất thường như tăng doanh thu đột biến, đầu vào, đầu ra xấp xỉ bằng nhau,…

Theo đại diện Tổng cục Thuế, ngoài những giải pháp nêu trên thì một trong những giải pháp triệt để, căn cơ nhất để ngăn chặn tình mua bán hoá đơn mà ngành Thuế đang triển khai đó là áp dụng hoá đơn điện tử, đặc biệt là hoá đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế.

“Cơ quan Thuế các cấp đang thúc đẩy việc sử dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc từ ngày 1/7/2022. Ngành Thuế cũng đang thực hiện thí điểm khoảng hơn 250 doanh nghiệp thực hiện hoá đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế. Tất cả các hóa đơn của các doanh nghiệp này sẽ phải được chuyển qua hệ thống kiểm soát của cơ quan thuế để xác minh, kiểm tra và cấp mã xác định hóa đơn để đảm bảo”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết.

Trong thời gian tới, ngành Thuế tập trung triển khai các giải pháp quản lý thuế như: Mở rộng cơ sở thuế, tăng cường chất lượng công tác thanh kiểm tra, chống thất thu, gian lận thương mại, quản lý chặt chẽ giá tính thuế, chống chuyển giá…

Song như vậy là chưa đủ. Bởi theo các chuyên gia pháp lý, chế tài xử lý tội phạm đối với hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT còn quá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng phạm tội.

ky6-box3-hoa-don-do.jpg

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật: Nếu xử phạt hành chính, theo khoản 2 Điều 39 Nghị định 109/2013/NĐ-CP mức xử phạt chỉ từ 20 - 50 triệu đồng. Còn nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì theo Điều 203 Bộ luật Hình sự, cũng chỉ bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù cao nhất là 5 năm, kèm theo hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

“Việc này khiến các đối tượng “nhờn luật”, vì lợi ích lớn mà sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm. Thậm chí, nhiều đối tượng sau khi bị xử lý hình sự vẫn tái phạm”, Luật sư Diệp Năng Bình nhận định.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, cần tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán trái phép hóa đơn thuế GTGT, cụ thể kiến nghị tăng mức hình phạt đối với tội phạm này tối thiểu như chế tài phạt đối với tội buôn lậu, có như vậy mới đủ sức răn đe, mới ngăn chặn được loại tội phạm nguy hiểm cho xã hội như Luật sư Đăng Văn Cương, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp đánh giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bóng ma hóa đơn đỏ và những bàn tay đen (Kỳ 5): Tích cực phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh