Xuất phát từ một tờ khai thuế có nhiều dấu hiệu bất thường, sau nhiều ngày lần theo “bóng chim tăm cá”, chúng tôi đã phát hiện ra một đường dây buôn bán hóa đơn đỏ lên tới hàng nghìn tỷ đồng, với thủ đoạn tinh vi chưa từng có.
Xuất phát từ một tờ khai thuế có nhiều dấu hiệu bất thường, sau nhiều ngày lần theo “bóng chim tăm cá”, chúng tôi đã phát hiện ra một đường dây buôn bán hóa đơn đỏ lên tới hàng nghìn tỷ đồng, với thủ đoạn tinh vi chưa từng có.
Trong quá trình tìm hiểu, thu thập tư liệu triển khai loạt bài ““Bóng ma” hóa đơn đỏ và những bàn tay đen”, nhóm phóng viên đã tiếp cận được một báo cáo thuế với số liệu đẹp tới lạ thường với tổng doanh thu và thuế GTGT là cực lớn, lên tới hơn 37 tỷ đồng trong quý 2/2021.
Đó là báo cáo của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển xây dựng T.H.K, địa chỉ tầng 8, tháp CEO, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội; ngành nghề chính là xây dựng nhà để ở.
Sau khi tham khảo ý kiến của lãnh đạo một số đơn vị và kế toán có kinh nghiệm lâu năm, tất cả đều chung nhận định: Chỉ có báo cáo khống mới ra con số đẹp và tròn tới vậy.
Nhận định trên đã thôi thúc chúng tôi phải tìm ra bằng được sự thật: Công ty này làm ăn như thế nào, tại sao lại phải báo cáo khống? Song do tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp, phải sang tháng 9/2021 chúng tôi mới có thể tới tháp CEO trên đường Phạm Hùng để tìm câu trả lời.
Kết quả không nằm ngoài dự đoán: Không thấy văn phòng Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển xây dựng T.H.K. Vô vàn câu hỏi mặc định được đặt ra trong đầu: Tại sao một doanh nghiệp xây dựng nhà ở có doanh thu quý lên tới hơn 37 tỷ đồng nhưng lại không có trụ sở rõ ràng? Phải chăng công ty này có hoạt động gì mờ ám?
Sau nhiều ngày lần theo “bóng chim tăm cá”, chúng tôi nhận định đây là một đường dây có dấu hiệu buôn bán hoá đơn cực kỳ lớn, quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng, với thủ đoạn vô cùng tinh vi, xảo quyệt. Đường dây này do đối tượng T.S.L (SĐT: 0938851xxx, ở Phú Xuyên, TP Hà Nội; trú tại quận Hà Đông, TP Hà Nội) cầm đầu.
Để củng cố cho nhận định của mình, chúng tôi đã làm một “phép thử” phản ánh tới cơ quan chức năng có thẩm quyền thì ít ngày sau, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển xây dựng T.H.K bất ngờ thông báo dừng hoạt động.
Qua tìm hiểu, nhận thấy đây là một đường dây hoạt động khép kín, các đối tượng không tiếp xúc người lạ và chỉ “nhận đơn” từ các đơn vị quen hoặc có người tin cẩn giới thiệu, nên dù đã nhờ một kế toán gần 20 năm kinh nghiệm “bổ túc” kiến thức và chuẩn bị rất kỹ, trả lời được toàn bộ các câu hỏi, nhưng chúng tôi vẫn thất bại ở màn “nhập vai” vì “cò” yêu cầu tới trụ sở công ty có nhu cầu mua hóa đơn để làm việc trực tiếp với giám đốc và kế toán trưởng.
Không thể “nhập vai” tiếp cận, chúng tôi chuyển hướng vận dụng triệt để các mối quan hệ thân tín, theo con đường “tiểu ngạch” cố gắng thu thập được càng nhiều tư liệu càng tốt. Ngoài ra, để tìm hiểu đường đi nước bước của “ông trùm”, chúng tôi đã “hóa” xe ôm công nghệ theo dõi xem đối tượng thường xuyên đi đâu, giao dịch với ai.
Tới giữa tháng 9/2021, liên tiếp những thông tin giá trị được báo về: Xác định thêm một đối tượng trong đường dây có dấu hiệu buôn bán hóa đơn là N.V.C (ở huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội). Hai đối tượng môi giới là N.T.L (trú tại huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) và H.T.P (trú tại quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
Để đối phó với cơ quan chức năng, nhóm đối tượng này đã sử dụng mạng xã hội Zalo, Viber hoặc Telegram để liên lạc trao đổi nội dung mua bán hóa đơn. Sau khi liên lạc, trao đổi thống nhất nội dung mua bán, bên mua hóa đơn sẽ soạn thảo, in các tài liệu hợp thức, như: Hợp đồng kinh tế, Biên bản giao nhận hàng hóa, Biên bản thanh lý hợp đồng… mang đến cho các đối tượng môi giới để chuyển cho các đối tượng bán hóa đơn ký, đóng dấu, xuất hóa đơn viết tay hoặc hóa đơn điện tử.
Cùng với đó, chúng tôi còn xác định hơn 10 công ty được các đối tượng mua lại pháp nhân, sau đó không tổ chức sản xuất kinh doanh mà có dấu hiệu sử dụng căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân của người khác để đứng tên giám đốc, ký giả chữ ký giám đốc để quản lý hồ sơ pháp nhân, con dấu công ty, hóa đơn giá trị gia tăng, biến các công ty này thành công ty “ma”.
Lật mở những trang hồ sơ kê khai thuế của những công ty này khiến chúng tôi không khỏi giật mình vì tổng doanh thu và thuế GTGT xuất ra là vô cùng lớn. Chỉ riêng quý 2 năm 2021, theo báo cáo, tổng doanh thu và thuế GTGT Công ty Cổ phần đầu tư phát triển và dịch vụ Đ.M là hơn 13 tỷ đồng; Công ty TNHH thương mại đầu tư và phát triển H.A là gần 22 tỷ đồng; Công ty TNHH dịch vụ và phát triển Công nghệ HPT V.N là hơn 23 tỷ đồng; Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển xây dựng T.A là gần 28 tỷ đồng…
Theo tìm hiểu, quá trình giao dịch, các đối tượng cầm đầu đưa ra giá bán trung bình 4%, qua các môi giới người mua phải trả khoảng 10% tổng giá trị hoá đơn ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng. Để tránh bị cơ quan thuế phát hiện, các đối tượng lợi dụng việc báo cáo theo quý, quyết toán thuế theo năm để kê khai với số liệu giả, khi “động” sẽ cho công ty ngừng hoạt động.
Tài liệu phóng viên thu thập được cho thấy, những đối tượng trong đường dây buôn bán hóa đơn này hiểu rất rõ cái giá mình sẽ phải trả nếu bị phát hiện. Nhóm này không chỉ sợ bị Công an “sờ gáy”, mà chúng còn sợ lên báo, sợ lên tivi, sợ ảnh hưởng tới gia đình, con cái không thể đi du học nước ngoài… sợ tới nỗi bạc cả tóc. Nếu bị bắt, tiền cũng chẳng để làm gì và sau này làm gì cũng khó.
Có đối tượng nói rằng từng được người quen khuyên dừng, không lún sâu vào con đường tội lỗi nữa và bản thân đối tượng cũng đã nghĩ tới việc “bỏ nghề”, song cái nghề “bán giấy ăn tiền”, chỉ “ngồi mát” cũng được ăn “bát vàng” đã “quật” vào thân không phải nói bỏ là bỏ được.
Và rồi, các đối tượng tiếp tục lún sâu vào con đường tội lỗi, gạt qua tất cả những nỗi sợ trong đầu để “đánh bạc” danh dự, sự nghiệp và cả gia đình. Nhóm đối tượng chấp nhận đánh đổi, chấp nhận nếu không “chạy” được thì “3 công ty có 1 công ty chết là bình thường”, “10 công ty có 3 công ty chết là bình thường”, “nếu đường dây bị soi nhiều báo lên cục thì cả ổ chết là bình thường”…
Còn nữa...