Sau 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vùng Đăk Đoa, Gia Lai giờ đây đang mỗi ngày một đi lên theo nhịp phát triển chung của cả cao nguyên rộng lớn.
Hỏi bất cứ một người già Bana nào ở Đăk Đoa về Bok Wừu hay Anh hùng Wừu, bạn sẽ được kể cho nghe câu chuyện về ông - liệt sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một trong những biểu tượng của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên tham gia kháng chiến chống Pháp.
"Tôi sẵn sàng chết, chứ không chịu đầu hàng..."
Sau một hồi lòng vòng, chúng tôi mới tìm được nhà của ông Hnhăk - con trai liệt sỹ Bok Wừu dù nhà thơ Tạ Văn Sỹ vốn là “thổ địa” Tây Nguyên đã xung phong dẫn đường. Khác với sự sầm uất của thị trấn trung tâm cùng những căn nhà khang trang nằm thấp thoáng sau bóng cây cà phê, căn nhà của Hnhăk ở làng Tul Đoa, xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa như được phủ bóng thời gian. Mà cũng lạ, bước vào không gian ấy, cả chủ và khách đều cảm thấy mọi thứ như ngưng đọng lại, ông Hnhăk và nhà thơ Tạ Văn Sỹ như chìm vào dòng suy tưởng về người anh hùng của vùng đất bazan. Mỗi người một câu, kẻ tiếng Kinh, người tiếng Bana cứ thế dắt tôi trở lại những tháng ngày Tây Nguyên cháy rực lửa căm thù giặc Pháp.
Năm 1939, Bok Wừu là một trong những người đầu tiên tham gia phong trào "Đất nước đứng lên" chống bắt phu, bắt lính ở địa phương và trở thành cán bộ tuyên truyền, vận động quần chúng ủng hộ cho cách mạng. Khi Pháp nắm được quyền kiểm soát Tây Nguyên, gia đình Bok Wừu là cơ sở cách mạng tin cậy của cán bộ. Cả làng Tul Đoa làm thật nhiều hầm chông để bẫy con heo rừng và cả “con heo Tây”. Bok Wừu khỏe như cái cây rừng, lại thoắt ẩn thoắt hiện như con sóc phục kích tiêu diệt các toán quân nhỏ của người Pháp nên bọn Tây đồn trú gần làng rất sợ. Chúng treo giải nhiều đồng bạc trắng, nhiều tạ muối ngon cho ai bắt được Bok Wừu nhưng chẳng ai theo lời chúng. Vậy là, chúng cho người vào làng đốt phá, bắt đàn bà, trẻ em để ép Bok Wừu phải ra hàng.
Ông Hnhăk giơ ngón tay nhẩm tính: “Cha tôi bị bắt ba lần, nhưng lần bào cũng chỉ nói: “Tao không biết ai là cán bộ cả. Tao chỉ biết tao là Wừu!”. Lần thứ nhất, Bok Wừu bị bắt là vào cuối tháng 12/1950 ngay tại quê nhà. Khi bị giặc Pháp giải về Kon Tum, ông đã lập mưu lừa địch và lao thẳng vào cánh rừng ven đường trong lúc xe đang giảm tốc độ qua ngã ba đường.
Cuối tháng 1/1951, tức là một tháng sau, Bok Wừu bị bắt lần 2 tại cuộc họp dân làng ở bìa rẫy ngay cạnh làng Thung để bàn kế hoạch chống Pháp. Khi bị đánh đập, tra khảo, ông chỉ nói một câu: “Bọn mày cứ đánh đập, tra khảo, cứ bắn tao đi chứ đừng để tao cúi đầu! Dân làng, vợ con tao không có tội, bọn mày không được hành hạ, tao làm tao chịu”. Khi địch giải ông đi, ông lại tiếp tục lừa bọn chúng và trốn thoát. Sau lần bị bắt này, ông đã thoát ly hẳn ra khỏi căn cứ để dễ hoạt động. Năm 1952, do địch bắt và có một số phản cách mạng khai thác cơ sở của ta nên phong trào Nam - Bắc Đắk Đoa gặp nhiều khó khăn.
Bìa cuốn sách "Bok Wừu" do Sở Văn hóa - Thông tin Gia Lai - Kon Tum xuất bản năm 1993
Trong tình hình ác liệt đó, ông Wừu bị bắt lần thứ ba vào tháng 4/1952, tại vùng cách mạng Pledekel. Địch biết ông có lắm mưu mẹo nên chúng rất đề phòng, chúng liên tục tra khảo. Sau mấy đêm tra khảo không có kết quả, chúng đưa ông về làng Dé Đoa để xử tội trước dân chúng. Khi đó, ông đã nhìn về phía dân làng, vợ con và nói lớn: “Tôi sẵn sàng nhận lấy cái chết để dân làng, vợ con tôi được sống, tôi nhất định không phản lại dân làng, vợ con, nhất định không đầu hàng”. Tức tốc, bọn địch đè ông xuống rồi xẻo tai, chặt đứt 10 ngón tay, máu chảy lênh láng. Sau khi tỉnh lại, biết mình không thể sống, Bok Wừu nhận lời dẫn địch đến đánh Cách mạng Kam Krin và lừa chúng vào khu vực bị phòng dày đặc của ta. Lần lượt 3, 5 rồi 7 tên giặc bị sập xuống hầm đã cài sẵn chông của ta, lúc bấy giờ địch mới biết bị lừa. Chúng tức giận dùng lưỡi lê khoét mắt và xả súng bắn vào ông cho đến chết.
Nhà thơ Tạ Văn Sỹ nhớ lại: “Khi bắt được Bok Wừu lần thứ 3, bọn địch muốn thị uy, trấn áp tinh thần của người dân nên đã đưa ông về làng sau khi tra tấn dã man. Về đến làng Tul Đoa, chúng trói ông vào thân cây rồi cắt mũi, xẻo tai và chặt 10 đầu ngón tay khiến ai nấy đều hãi hùng. Vậy mà Bok Wừu không khai lấy một lời. Đã thế còn lớn tiếng kêu gọi: “Đừng sợ, hãy căm thù và đoàn kết đấu tranh diệt cho hết lũ Ayat” (bọn giặc cướp nước). Chúng lồng lộn trả thù ông bằng cách lôi ông xuống suối, chọc lưỡi lê vào mắt và xả đạn. Đêm đó, cả làng đốt đuốc đi tìm, tiếng khóc tiếc thương, sự cảm phục và nỗi căm hờn càng dâng cao khi mọi người tìm thấy người anh hùng của làng mình ở khe suối nhỏ...”.
Bình yên Đak Đoa
Bốn năm sau khi mất, Bok Wừu được truy tặng Huân chương quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đinh Lan - cô sinh viên người Bana đang theo học ngành quản lý văn hóa tại Đại học Văn hóa - nghệ thuật Quân đội đi cùng chúng tôi đã rơi nước mắt khi nghe chuyện. Bởi dẫu tên ông đã được đặt cho một ngôi trường, một con đường tại tỉnh Gia Lai nhưng những người trẻ không mấy ai biết cặn kẽ về người anh hùng của dân tộc mình. Cô bảo: “Giá như làng Đak Sơ Mei mình có một nhà tưởng niệm Anh hùng Wừu, giống như ở làng Stơr của Anh hùng Núp thì hay biết mấy".
Tiếp nối truyền thống anh hùng
Bok Wừu hy sinh nhưng con cháu Bok còn ở đó. Những người con làng Đê Đoa chưa quên cái chết của người anh hùng. Nằm giữa nanh vuốt địch, dân làng Đê Đoa chẳng những không nao núng mà còn trở thành “địa chỉ đỏ” nuôi giấu, giúp đỡ cách mạng. “Trong kháng chiến chống Mỹ, Đak Sơ Mei là căn cứ của Huyện đội khu III (khi ấy là xã Đak Đoa, huyện Mang Yang), cũng đồng thời là “điểm nóng” của địch. Đồn, bốt được địch bố trí dày đặc. Quanh làng Đê Đoa không ngày nào im tiếng súng, Mỹ - Ngụy còn dựng hẳn một sân bay dã chiến ngay sát làng. Con mắt địch lúc nào cũng chăm chăm hướng vào làng, bởi đây là làng của Bok Wừu - người từng khiến giặc Pháp bao phen chịu cảnh ôm đầu máu. Chúng biết, làng Đê Đoa làm cách mạng, theo cách mạng, chúng phải cảnh giác và để mắt…”, ông Đinh Nhiếp, nguyên là Xã đội trưởng Xã đội Đak Sơ Mei, chậm rãi kể lại.
Noi gương Anh hùng Wừu, suốt những năm tháng chiến tranh sau đó, hết chống Pháp rồi tới Mỹ - Ngụy, người làng Đê Đoa trẻ thì xung phong đi bộ đội, làm dân quân du kích, phụ nữ ở nhà sản xuất, tiếp tế nuôi quân. Người già, trẻ nhỏ xung phong làm liên lạc... Gạo, măng theo chân người lên rừng cho bộ đội: “Có củ măng rừng người Đê Đoa cũng sẻ làm đôi”, ông Đinh Nhiếp nói. Cái tình ấy đối với cách mạng cũng đủ để thấy, thế địch mạnh cỡ mấy cũng chẳng giành được Đê Đoa. Bởi vậy, giữa cơ man đồn bốt, cơ sở của ta vẫn bám trụ được với làng. Những căn cứ bí mật của bộ đội giăng đầy khắp phía: Phía Đông là căn cứ Đak Ding Dung, Đak Muh; phía Bắc là Đak Cơ Pech của Trung đoàn 408 và hàng chục căn cứ khác. Bao trận công đồn giành thắng lợi, ghi dấu đóng góp của người làng Đê Đoa.
Khi quê hương đã sạch bóng quân thù, người Đê Đoa chung tay xây dựng cuộc sống ấm no. Chính quyền địa phương vận động bà con dời làng về trung tâm xã, có điện đường, trường, trạm để thuận lợi phát triển kinh tế và con em Đê Đoa được đến trường học cái chữ. Vậy nhưng, đánh giặc xâm lăng đã khó, để thắng giặc đói, giặc nghèo, giặc dốt cũng khó bội phần. Cái khó bắt đầu từ việc phải thay đổi thói quen, phương pháp cấy trồng.
Ngày ấy, tỉnh có chủ trương đưa cây lúa nước về làng thay cho lúa rẫy mỗi năm một vụ để giúp dân Đê Đoa chóng hết đói, hết nghèo. Nhưng lâu nay, người Đê Đoa quan niệm, cây lúa mọc trên đất khô, Yàng đã sinh ra như thế, giờ lại bắt cây lúa sống dưới nước thì sống sao được mà nói sẽ cho nhiều thóc lúa? Lòng dân Đê Đoa lâu nay tin cán bộ, theo Đảng nhưng khi nghe nói, cây lúa phải trồng dưới nước thì chưa tin. Rồi Yàng sẽ trừng phạt cả làng vì cái tội dám trái ý Yàng.
Sự việc tưởng lâm vào bế tắc, nhưng vì người dân Đê Đoa đã bao năm không tiếc công sức, cơm gạo và cống hiến máu xương cho cách mạng, giờ phải nhanh chóng bắt tay tìm đường sản xuất, để dân đói ấy là có tội với dân, nên các cán bộ xã, thôn đã tích cực đi tuyên truyền, vận động. Dần dà người dân trong làng có vẻ xuôi lòng nhất cùng nhau be bờ, đắp ruộng thử xem sao. Chả mấy chốc, ruộng nước thành hình hài, hạt lúa nảy mầm xanh. Lòng Blứk thấy yên tâm mươi phần. Đến khi thấy lúa lên xanh tốt, chỉ vài tháng đã trổ bông, người làng đã khối người mon men xuống thăm ruộng lúa, vẻ mặt hy vọng…
Vụ lúa nước đầu tiên cả làng không dám tin là nhiều thóc thế. Thóc chắc mẩy, vàng ươm, vụ lúa ấy cả làng mừng rỡ. “Cán bộ nói không sai, người của Đảng chỉ cho dân cách làm hay mà mình không biết…”, người dân trong làng nói với nhau như vậy. Từ vài ba thửa ruộng mẫu ban đầu, đến nay, bao quanh làng là những chân ruộng lúa thẳng tít tắp, xanh ngắt: Cánh đồng Đak Tơ Ngyơ, Đak Tơ Ngoar, Đak Mơ Rang… nối nhau trải rộng. Cả làng có 60 hộ người Bahnar đã có hơn 25ha lúa nước hai vụ, chẳng có nhà nào không biết làm lúa nước nữa. Cái đói lui vào dĩ vãng…
Tiếp nối cây lúa là cây cà phê, cao su, điều rồi hàng loạt các loại cây công nghiệp khác được người dân Đê Đoa mạnh dạn trồng. Giờ đây, nhiều hộ có thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm, có người xây được nhà to, mua sắm tiện nghi đắt tiền. Con cháu Đê Đoa cũng đã có người học hành trưởng thành. Cái quý là, người dân Đê Đoa luôn một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ và theo Bok Wừu -người con ưu tú của làng Đê Đoa. Năm tháng rồi cũng sẽ qua nhưng tinh thần và ý chí kiên cường bất khuất của liệt sỹ Anh hùng Wừu sẽ còn sống mãi.