Bộ Y tế tăng cường nhân lực tinh nhuệ hỗ trợ 12 tỉnh Tây Nam bộ phòng dịch

Tuấn Phong| 31/07/2021 21:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước diễn biến phức tạp, xu hướng tiếp tục gia tăng ca mắc mới COVID-19 tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, Bộ Y tế đã có những biện pháp kịp thời hỗ trợ 12 địa phương trong khu vực phòng chống dịch COVID-19.

bo-y-te-ho-tro.jpg
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cùng lãnh đạo địa phương Khảo sát chọn Nhà khách Tổng Liên Đoàn lao động tỉnh Long An để thành lập Bệnh viện Hồi sức chống dịch Covid-19

Làm việc trực tiếp với các tỉnh miền Tây Nam bộ, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng đã có quyết định thành lập thêm 2 Tổ công tác của Bộ Y tế hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đặt tại 2 tỉnh: Bạc Liêu và Cần Thơ.

Mỗi Tổ công tác gồm 12 - 16 thành viên gồm 1 tổ trưởng, 1 - 2 tổ phó. Họ là những chuyên gia, cán bộ có kinh nghiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.

Tại các địa phương, Tổ công tác có nhiệm vụ giám sát, hỗ trợ và phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh để triển khai các hoạt động: Phòng chống dịch trong cộng đồng; trong doanh nghiệp; trong khu cách ly; hướng dẫn thực hiện xét nghiệm, điều trị, cách ly F1 tại nhà và công tác vệ sinh môi trường khử khuẩn.

Trong đó, Tổ công tác thường trực tại tỉnh Bạc Liêu do ông Trần Quang Phục, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, làm Tổ trưởng, sẽ triển khai hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch tại tỉnh này và Sóc Trăng, Cà Mau.

Tổ công tác thường trực tại TP Cần Thơ do ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng làm Tổ trưởng sẽ triển khai hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch tại TP này và Kiên Giang, Hậu Giang.

Bộ Y tế cũng có 2 quyết định bổ sung thành viên Tổ công tác của Bộ Y tế hỗ trợ phòng chống dịch tại Đồng Tháp và Tiền Giang. Mỗi đoàn bổ sung 7 - 8 thành viên. Trong đó, Tổ công tác thường trực tại Đồng Tháp sẽ triển khai hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch tại tỉnh này và An Giang, Vĩnh Long. Còn Tổ công tác thường trực tại Tiền Giang sẽ triển khai hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch tại tỉnh này và Bến Tre, Trà Vinh.

bo-y-te-ho-tro1.jpg
Nguồn nhân lực tinh nhuệ và trang thiết bị y tế đã được chuẩn bị để kịp thời hỗ trợ 12 tỉnh Tây Nam bộ chống COVID-19.

Để hỗ trợ cho công tác điều trị các trường hợp mắc COVID-19 tại TP Cần Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, Bộ Y tế sẽ thiết lập tại thành phố Trung tâm hồi sức quy mô 500 giường (trong trường hợp cần thiết có thể nâng lên thành 800 - 1.000 giường). Trung tâm này mang tính chất khu vực chứ không chỉ phục vụ riêng Cần Thơ. Bộ Y tế sẽ làm việc với Bệnh viện 103 và sẽ điều các chuyên gia của Bệnh viện vào hỗ trợ hoạt động của Trung tâm này.

Ngoài ra, một Trung tâm hồi sức tích cực quy mô 200 giường cũng đã và đang được thiết lập tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Tại Long An, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và lãnh đạo tỉnh Long An đã trực tiếp đi khảo sát địa điểm Bộ Y tế sẽ thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực quy mô 500 giường tại Nhà khách Công đoàn tỉnh Long An.

Đồng hành cùng Long An chống dịch, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, từ ngày 1/7, Tổ công tác của Bộ Y tế do TS Hoàng Quốc Cường - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh làm tổ trưởng gồm 6 thành viên là các chuyên gia về lĩnh vực dịch tễ, điều trị, xét nghiệm… của các bệnh viện/viện trực thuộc Bộ Y tế đã về “cắm chốt” tại Long An.

Ngoài ra, đoàn công tác gồm 80 cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên các chuyên ngành hồi sức, cấp cứu, truyền nhiễm, xét nghiệm… giàu kinh nghiệm trong điều trị COVID-19 của tỉnh Bắc Giang cũng đã đến hỗ trợ tỉnh Long An chống dịch. Cùng với đó, đoàn Bến Tre với 12 cán bộ, thầy thuốc cũng đã có mặt hỗ trợ y tế Long An chống dịch từ ngày 20/7.

Thông tin đặc điểm dịch tễ của đợt dịch này khoảng 80% bệnh nhân không có triệu chứng, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho hay, Thành phố cần nghiêm túc thực hiện mô hình điều trị tháp 3 tầng, trong đó lưu ý nhanh chóng chuyển tuyến những trường hợp có diễn biến nặng lên tuyến cuối để kịp thời điều trị cho người bệnh.

Hiện Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch, do đó các địa phương cần nhanh chóng rà soát lại hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn để huy động, điều tiết và sử dụng phù hợp.

Bộ Y tế lưu ý các địa phương cần thực hiện thật nghiêm Chỉ thị 16, tận dụng thời gian này để “cố gắng làm chậm tốc độ lây nhiễm dịch bệnh”.

“Tỉnh càng thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 thì càng làm giảm tác động đến kinh tế xã hội trên địa bàn. Đồng thời thực hiện truy vết nhanh, cách ly kịp thời, xét nghiệm nhanh để nhanh chóng đưa F0 ra khỏi cộng đồng, chặn nguồn lây nhiễm” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Y tế tăng cường nhân lực tinh nhuệ hỗ trợ 12 tỉnh Tây Nam bộ phòng dịch