Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã gửi thư đàm phán giá lần 1 với 62 thuốc biệt dược, thuốc gốc có giá trị sử dụng lớn.
Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế ở nhiều tỉnh, thành phố và các bệnh viện tuyến Trung ương, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp.
Theo ông Lê Thanh Dũng - Giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế), ngày 29/6, Trung tâm đã tổ chức lễ mở Hồ sơ đề xuất tài chính các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp Quốc gia giai đoạn 2022-2023 với 106 danh mục thuốc.
Theo đó, có 3 gói thầu, gồm:
Gói thầu số 1: Cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Bắc giai đoạn 2022-2023 gồm 46 nhà thầu có sản phẩm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tiếp tục được mở Hồ sơ đề xuất tài chính.
Gói thầu số 2: Cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2022-2023 gồm 45 nhà thầu.
Gói thầu số 3: Cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Nam giai đoạn 2022-2023 gồm 45 nhà thầu có sản phẩm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tiếp tục được mở Hồ sơ đề xuất tài chính.
Dự kiến trong tháng 7/2022, trung tâm sẽ công bố kết quả lựa chọn nhà thầu sau khi tổ chuyên gia đánh giá, thẩm định, xem xét cần có kiến nghị, đánh giá thêm gì không...
Liên quan đến công tác đấu thầu mua sắm thuốc, ông Lê Thanh Dũng cho biết, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia cũng đã gửi thư đàm phán giá lần 1 với 62 thuốc biệt dược, thuốc gốc có giá trị sử dụng lớn.
Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế về thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các địa phương diễn ra ngày 29/6, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Vụ trưởng Vụ Kế hoạc- Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, có 34/63 Sở Y tế, 21/39 bệnh viện tuyến trung ương và 2 bệnh viện trực thuộc trường Đại học đã gửi báo cáo về tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Trong đó, 28/34 Sở Y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương. 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương: "Xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, một phần do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; một số nước áp dụng các biện pháp chống lạm phát… ảnh hưởng đến việc cung ứng và giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế".
Tuy nhiên, bà Hương cũng thẳng thắn cho hay, nguyên nhân chủ quan là chính, với việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường; chậm gia hạn đăng ký thuốc; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; một số cán bộ, ngành, địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm…