Hầu hết các bệnh viện lớn đều chen chúc, từ Bệnh viện K, Bạch Mai, Việt - Đức, Nhi TW, đến Phụ sản TW, Chợ Rẫy, Từ Dũ… đều chung cảnh ngộ. Chuyện nằm ghép đôi, thậm chí 3, 4 bệnh nhân một giường cũng vẫn diễn ra thường xuyên.
Vì vậy, Bộ Y tế đang đưa ra Dự thảo Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2012 - 2020…
Quá tải, chuyện cũ nhưng nóng
Tình trạng các bệnh viện, nhất là tuyến trung ương quá tải đã kéo dài nhiều năm qua, khiến bệnh nhân, người nhà bệnh nhân rất khổ sở nhưng không có lối thoát. Chiều 27-7 vừa qua, vào thăm người nhà nằm điều trị tại Khoa Tiểu đường, Bệnh viện Nội tiết tôi thấy 3-4 bệnh nhân ngồi chung một giường. Một nam bệnh nhân là dân huyện Thạch Thất, Hà Nội cho hay: Giường dành cho ba bệnh nhân, một người có người nhà, tối ra ngủ nhờ, một người thuê nhà nghỉ, nên tối cũng đỡ, còn ban ngày thì rất khổ sở. Giường đối diện cho biết, có đến bốn phụ nữ được ghép vào một chiếc giường cá nhân…
Không riêng gì Bệnh viện Nội tiết mà hầu hết các bệnh viện lớn ở Hà Nội đều chen chúc như vậy, từ Bệnh viện K, Bạch Mai, Việt - Đức, Nhi TW, đến Phụ sản TW, Phụ sản Hà Nội, Xanh Pôn… đều chung cảnh ngộ. Chuyện nằm ghép đôi, thậm chí 3, 4 bệnh nhân một giường cũng vẫn diễn ra thường xuyên.
Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cho hay năm 2011, các bệnh viện đã khám và điều trị ngoại trú hơn 129,57 triệu lượt người bệnh (tăng khoảng gần 8 triệu lượt so với năm 2010) và 11,12 triệu lượt người bệnh nhập viện điều trị nội trú năm. Số lượt điều trị nội trú tăng tại tất cả các tuyến, riêng các bệnh viện trực thuộc Bộ tăng 8,8%. Vì vậy, dù số ngày điều trị trung bình/1 người bệnh chung của các tuyến là 6,4 ngày, so với năm 2010 giảm được 0,2 ngày tại bệnh viện tuyến trung ương và giảm 0,1 ngày tại bệnh viện tuyến tỉnh, nhưng hầu hết các bệnh viện đều quá tải.
Tình trạng quá tải diễn ra phổ biến tại các bệnh viện trung ương
Kinh khủng nhất là ở Bệnh viện K - bệnh viện đầu ngành về điều trị ung thư, thì trong số 5 khoa của bệnh viện, khoa thấp nhất là Xạ 2 cũng quá tải 272%; còn cao nhất là Ngoại E quá tải tới 346%...
Do đó, yêu cầu giảm tải bệnh viện, giảm thiểu tình trạng bệnh nhân nằm ghép trở nên rất bức xúc từ nhiều năm qua. Năm 2007, khi ông Nguyễn Quốc Triệu nhậm chức Bộ trưởng Bộ Y tế đã đưa ra quyết tâm giảm tải bệnh viện, nhưng hết nhiệm kỳ cũng không giải quyết được.
Năm 2015 không còn bệnh nhân nằm ghép
Tình trạng quá tải triền miên hiện nay do nhiều nguyên nhân, Bộ Y tế đã xác định rõ những nguyên nhân đó nên đặt ra mục tiêu đến năm 2015 cơ bản không còn tình trạng nằm ghép, bảo đảm mỗi người bệnh điều trị nội trú/một giường bệnh tại các bệnh viện đang quá tải trầm trọng.
Dự thảo Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2012 - 2020 đang được Bộ Y tế công bố, lấy ý kiến nhân dân.
Bộ Y tế xác định mục tiêu đưa công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện hiện trong tình trạng quá tải trầm trọng (> 120%) xuống dưới mức 100% và cơ bản không còn tình trạng nằm ghép, bảo đảm mỗi người bệnh điều trị nội trú/một giường bệnh vào năm 2015, giảm tải bệnh viện bền vững vào năm 2020.
Đồng thời, mỗi bác sỹ khám bệnh không quá 50 người bệnh/8 giờ làm việc vào năm 2015 và 35 người bệnh/8 giờ làm việc vào năm 2020. Hiện nay tỷ lệ khám bình quân của một bác sĩ trên ngày vượt quá cao so với định mức mà Bộ Y tế đề ra như: Bệnh viện Bạch Mai trung bình 50-55 người bệnh/bác sĩ/ngày, bệnh viện Chợ Rẫy trung bình 55-60 người bệnh/bác sĩ/ngày…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, một trong những nguyên nhân quá tải bệnh viện là do số giường bệnh của chúng ta hiện nay rất thấp, "trong khi quy định của y tế khu vực Tây Thái Bình Dương tối thiểu là 33 giường/1 vạn dân, đối với Hàn Quốc là 86 giường/1 vạn dân, đối với Nhật Bản là 140 giường/1 vạn dân. Hiện nay chúng ta mới đạt 20 giường/1 vạn dân đương nhiên là không tính trạm y tế xã vì thế đã gây quá tải". |
Bộ Y tế đề ra kế hoạch nâng cấp, mở rộng và xây mới để tăng tối thiểu 11.350 giường bệnh cho các bệnh viện hiện đang quá tải trầm trọng tại tuyến trung ương và 2 thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.
Theo đó, ở tuyến trung ương, sẽ tăng thêm tối thiểu 6.650 giường bệnh tại các Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức.
Tại Tp. Hà Nội, Bộ dự kiến đưa thêm tối thiểu 1.700 giường bệnh vào hoạt động tại Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện đa khoa Đống Đa, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ sản.
Còn tại Tp. Hồ Chí Minh đưa thêm ít nhất 3.000 giường bệnh ở các bệnh viện: Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình, Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2.
Dự thảo dự kiến xây dựng các chương trình đầu tư để hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ cho hệ thống bệnh viện. Theo đó, sẽ tiến hành xây dựng các dự án đầu tư xây dựng cơ sở II của 6 bệnh viện trung ương gồm: Bệnh viện Bạch Mai cơ sở II quy mô 1.500 giường bệnh; Bệnh viện Chợ Rẫy cơ sở II quy mô 1.500 giường bệnh; Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở II quy mô 1.000 giường bệnh; Bệnh viện Tim mạch quốc gia quy mô 500 giường bệnh; Bệnh viện Phụ Sản Trung ương cơ sở II quy mô 500 giường bệnh; Bệnh viện Nhi Trung ương cơ sở II quy mô 800 giường bệnh.
Tại Tp. Hà Nội dự kiến tiến hành đầu tư, xây dựng phát triển mô hình các tổ hợp công trình y tế đa chức năng có tầm cỡ quốc tế tại Tp. Hà Nội tại 5 cụm đô thị Gia Lâm - Long Biên; Hòa Lạc; Sóc Sơn; Phú Xuyên; Sơn Tây.
Còn tại Tp. Hồ Chí Minh dự kiến phát triển các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các cụm y tế tại 4 cửa ngõ của Tp. Hồ Chí Minh. Đến năm 2015 sẽ tăng được 150.000m mặt sàn sử dụng cho khu vực trung tâm và tăng 4.300 giường bệnh cho các khu vực cửa ngõ thành phố.
Đối với các tỉnh, thành phố khác, dự kiến tập trung đầu tư phát triển theo quy hoạch tổng thể mạng lưới khám, chữa bệnh, trong đó ưu tiên phát triển các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc các chuyên khoa ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi.
Bên cạnh đó, hình thành mạng lưới bệnh viện vệ tinh của một số bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến cuối của Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh thuộc 5 chuyên khoa: ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi tại các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh.
Cụ thể, đối với chuyên khoa Ung bướu, hình thành 15 khoa thuộc 15 bệnh viện làm vệ tinh cho Bệnh viện K và Bệnh viện Ung bướu Tp. Hồ Chí Minh.
Chuyên khoa Sản sẽ có 20 khoa thuộc 20 bệnh viện bệnh viện làm vệ tinh cho bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ Tp. Hồ Chí Minh. Còn chuyên khoa Nhi sẽ có 20 khoa thuộc 20 bệnh viện làm vệ tinh cho Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 Tp. Hồ Chí Minh.
Quá tải kỷ lục có thể kể đến Bệnh viện Việt - Đức, công suất thực tế tại khoa Tiết niệu là 157%; khoa Phẫu thuật thần kinh là 148%. Tại Bệnh viện E, khoa Tim trẻ em là 189%. Tại Bệnh viện các bệnh phổi TW, khoa Bệnh màng phổi là 178%. Ở Bệnh viện Nhi TW, khoa Tim mạch là 182%; còn ở Bệnh viện Phụ sản TW, khoa Sản thường là 188%; khoa Phụ ung thư là 200%; Bệnh viện Bạch Mai là 168%; Chợ Rẫy 154%; Phụ sản Trung ương 124%. |
Thái Vũ