Trước thông tin du khách người Australia nhiễm vi rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam, ngày 24/3 đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến làm việc tại tỉnh Bình Thuận để trực tiếp chỉ đạo công tác xác minh, phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika.
Theo ông Nguyễn Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, trong ba tháng đầu năm 2016, tại tỉnh Bình Thuận chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh do virút Zika. Các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác điều được giám sát và kiểm soát chặt chẽ, không có dịch bệnh xảy ra, số mắc giảm dần qua từng năm. Các bệnh truyền nhiễm như: Viêm não vi rút, Viêm não mô cầu toàn tỉnh không ghi nhận ca mắc nào. Trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ đẩy mạnh phát động chiến dịch “Người dân diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và Sốt xuất huyết” tại các tuyến. Giám sát phát hiện sớm ổ dịch, khoanh vùng nguy cơ để xử lý triệt để ổ dịch theo đúng quy định. Cử các đội phòng chống dịch trực tiếp xuống cơ sở để triển khai các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết, Zika…
Ảnh minh họa.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Trong nhiều năm trở lại đây, tỉnh Bình Thuận có số ca về dịch bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết chiếm tỷ trọng lớn tại khu vực. Bên cạnh đó, Bình Thuận là nơi phát triển du lịch mạnh và khách du lịch tới rất nhiều. Để công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại tỉnh có hiệu quả, Thứ trưởng đề nghị tỉnh cần quan tâm chú trọng trong các công tác phòng chống dịch.
Ngoài ra các cấp, ngành liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống dịch tại nơi mình ở, cộng đồng xung quanh. Đối với trường hợp người dân thờ ơ không tự giác tham gia phòng dịch, địa phương cần có chế tài để xử lý nghiêm.
Đối với dịch Zika đang diễn biến phức tạp, Thứ trưởng đề nghị địa phương nâng mức độ cảnh báo của dịch từ mức độ 1 lên mức độ 2 để đáp ứng theo đúng tình huống 2. Bên cạnh đó, cần tăng cường phát hiện sớm tại các cơ sở y tế, khu vực có nhiều khách quốc tế, giám sát trực tiếp tại cộng đồng.
Bệnh Zika lây truyền qua đường muỗi đốt, nên triển khai phác đồ phòng chống bệnh Zika như phác đồ phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Địa phương cần tăng cường giám sát các mẫu xét nghiệm tại các bệnh viện, đặc biệt là khu vực Mũi Né, nơi có nhiều khách quốc tế lưu trú để kịp thời có phương án phòng ngừa.
Trước đó, ngày 22/3, Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của Việt Nam nhận được thông tin từ Cơ quan đầu mối Điều lệ Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo tại Australia đã xác định một trường hợp nhiễm vi rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam. Trường hợp này đến Việt Nam từ ngày 26/2/2016 và xuất cảnh về Australia ngày 6/3/2016; đến ngày 8/3/2016 có biểu hiện triệu chứng nhiễm vi rút Zika như sốt, phát ban, đau đầu, đau cơ, viêm kết mạc, buồn nôn. Trong thời gian ở Việt Nam, người này đã đến Thành Phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận.