Kết quả khảo sát mới nhất của ngành y tế cho thấy tỷ lệ mắc ung thư tại 10 làng tương đương với tỷ lệ chung toàn quốc.
Kết quả này được Bộ Y tế công bố hôm 23/12 sau khi các viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, Pasteur Nha Trang, Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, điều tra tình hình thực tế ung thư tại 10 ngôi làng có tỷ lệ mắc ung thư cao.
Phế thải từ quá trình tái chế nhôm gây ô nhiễm tại làng Mẫn Xá, huyện Yên Phong, Bắc Ninh.
10 làng này được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đánh giá là mắc ung thư do có nguồn nước bị ô nhiễm nặng nhất dựa trên điều tra "Tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số làng ung thư của Việt Nam".
Theo đó, danh sách 10 làng ung thư bao gồm:
- Làng Thống Nhất, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội
- Làng Lũng Vỵ, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội
- Làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh
- Làng Thổ Vỵ, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa
- Làng Yên Lão, xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam
- Làng Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An
- Làng An Lộc, xã An Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh
- Làng Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
- Làng Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định
- Làng Mê Pu, xã Mê Pu, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.
Nguồn nước tại thôn Trung Trinh xã Việt Xuyên, H.Thạch Hà, Hà Tĩnh bị nhiễm thuốc sâu nặng
Cục Quản lý môi trường y tế đã tổng hợp số liệu, kết quả xét nghiệm chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt tại 10 làng nói trên.
Cụ thể, tỉ lệ mắc ung thư các làng đã điều tra dao động 73-169 trường hợp/100.000 dân, tương đương với tỉ lệ mắc ung thư chung của toàn quốc (tỉ lệ mắc mới ung thư tại Việt Nam là 135/100.000 dân đối với nữ và 181,3/100.000 dân đối với nam), thấp hơn so với tỉ lệ chung của thế giới (182/100.000 dân). Các loại ung thư chủ yếu gặp phải là ung thư gan, phổi, dạ dày, vòm, hầu họng, lưỡi, tử cung, máu, xương.
Nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của người dân chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi tác nhân có khả năng gây ung thư. Chưa có mối liên quan giữa các trường hợp mắc ung thư và chất lượng nước của người dân tại các làng này.
Tuy nhiên, Cục Quản lý môi trường y tế cũng cho biết: “Đây mới chỉ là khảo sát ban đầu, để có thể xác định nguyên nhân gây ung thư cần phải có những nghiên cứu dịch tễ học sâu hơn”.