Tại phiên chất vấn chiều 16/11, trước nhiều băn khoăn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định “Nếu tích hợp làm nhẹ môn Lịch sử thì sẽ không tích hợp”.
Lịch sử sẽ không còn là môn học riêng ở giáo dục phổ thông mà được tích hợp vào những môn học khác như KHXH, Công dân và Tổ quốc. Đây có lẽ là chủ đề gây tranh cãi nhất sau 3 tháng Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được đưa ra lấy ý kiến. Bộ GD&ĐT và các nhà nghiên cứu đều chưa thể thống nhất ý kiến, bởi một bên cho rằng phải thay đổi cách dạy, cách học bằng việc tích hợp các môn khác mới khiến học sinh học Lịch sử tốt hơn, còn bên kia bảo vệ quan điểm Lịch sử phải là môn học độc lập, bắt buộc đối với tất cả học sinh là một trong số các câu hỏi của nhiều cử tri đặt ra với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều qua (16/11).
Trước câu hỏi của đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) về sự thay đổi giảng dạy bộ môn Lịch sử từ độc lập sang tích hợp. Cụm từ “xáo trộn tâm can” đã được đại biểu Quốc hội Lê Văn Lai dùng để nói về phản ứng của dư luận xã hội trước việc thay đổi phương pháp giảng dạy môn Lịch sử từ môn học độc lập thành môn tích hợp. Đại biểu này chất vấn - “Bộ trưởng có dám chắn chắn về tính đúng đắn của vấn đề?”.
Đại biểu Lê Văn Lai tham gia chất vấn tại Quốc hội
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, môn Lịch sử không bị xem nhẹ mà được coi trọng hơn so với hiện hành. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết hiện nay, học sinh THPT đang học 1,5 tiết Lịch sử/tuần. Trong khi đó, trong thiết kế dự thảo đang lấy ý kiến, học sinh không học chuyên ban Khoa học xã hội sẽ học 2,5 tiết/tuần, tăng 1 tiết và học sinh ban Khoa học xã hội sẽ học 4 tiết/tuần. Như vậy, nội dung và khối lượng kiến thức Lịch sử tăng lên rõ rệt. Dự thảo đang lấy ý kiến không có ý định giảm môn lịch sử. Vấn đề cần thảo luận ở đây là cần giảng dạy môn Lịch sử độc lập hay tích hợp Lịch sử với các môn khác.
Giải thích thêm về việc tích hợp Lịch sử trong một bộ môn mới mang tên gọi Công dân với Tổ quốc, Bộ trưởng phân tích: “Theo tinh thần chủ trương tích hợp và trong luật giáo dục quốc phòng an ninh mà Quốc hội thông qua có quy định về việc giảng dạy lịch sử giữ nước, lịch sử quốc phòng, chúng tôi dự kiến tích hợp Lịch sử, Giáo dục công dân và Giáo dục quốc phòng để tránh sự trùng lặp”.
“Ngoài các nội dung Lịch sử được giảng dạy trong Công dân với Tổ quốc, ở những môn học khác, chúng tôi cũng dự kiến có giảng dạy Lịch sử, ví dụ như gắn Lịch sử với Văn học, Địa lý, Âm nhạc hay Mỹ thuật. Nhiều môn học cũng sẽ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho việc học Lịch sử”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói thêm.
Câu hỏi rất nhiều đại biểu quan tâm đó là, có tích hợp môn Lịch sử với các môn học khác hay không? Đã được Bộ trưởng GD&ĐT đưa ra tại phần kết luận: “Trong dự thảo đang lấy ý kiến không hề có ý giảm môn Lịch sử. Vấn đề cần thảo luận ở đây là cần giảng dạy môn Lịch sử độc lập hay tích hợp Lịch sử với các môn khác. Hiện, ban soạn thảo và bộ đang lắng nghe ý kiến toàn dân. Trên cơ sở đó sẽ có thảo luận, tiếp thu rồi báo cáo với Chính phủ”.
“Nếu tích hợp làm nhẹ môn Lịch sử thì sẽ không tích hợp, nếu tích hợp mà vẫn đảm bảo chất lượng thì chúng tôi sẽ tích hợp”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.
Liên quan câu hỏi của đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) đặt ra trong chất vấn lần 2: “Ai, thầy giáo nào có thể tiến hành cùng lúc dạy theo kiểu tích hợp? Công việc chuẩn bị của Bộ như thế nào đối với lực lượng quyết định chất lượng này? Theo tôi, tôi chưa nhìn thấy sự chuẩn bị một cách đầy đủ". Đây được xem là vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Nếu môn Lịch sử được tách riêng thì đội ngũ giáo viên sẽ cần chuẩn bị gì để đáp ứng công việc không hề đơn giản này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khi trao đổi với VTV vào chiều cũng ngày khẳng định, giáo viên và học sinh đều có thể làm tốt khi tích hợp Lịch sử với các môn học khác.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: “Khi thiết kế chương trình, Bộ GD&ĐT đã cân nhắc phải phù hợp với đội ngũ giáo viên hiện nay. Đội ngũ giáo viên hiện nay có thể thực hiện được nhiệm vụ này. Cụ thể là Bộ GD&ĐT đã giảng dạy thí điểm trong môi trường trường học mới những môn học tích hợp và việc dạy học sinh lớp 6 và lớp 7 đều thành công. Bộ còn tổ chức các cuộc thi giáo viên dạy học những môn tích hợp với quy mô cả nước. Những cuộc thi này đã thu hút được nhiều giáo viên và đạt kết quả tốt, trong đó có nhiều giáo viên đã thiết kế được chuyên đề tích hợp. Các cuộc thi này được phát động trên cả nước và có hơn 300 giáo viên Lịch sử tham gia, 30 giải thưởng đã được trao. Đối với cấp THCS, chúng ta đã dạy trên khắp cả nước, mỗi tỉnh đều có trường dạy bộ môn tích hợp".
“Những người chưa làm thì thấy khó nhưng nếu làm rồi, có thể là lúc đầu cũng có chút bỡ ngỡ, chưa quen nhưng chỉ một thời gian ngắn là quen, dạy tốt học tốt", Thứ trưởng nhìn nhận.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, việc tích hợp môn Lịch sử không phải chỉ thực hiện ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới đã làm vậy. Bên cạnh đó, UNESCO cũng khuyến cáo các nước phải tăng cường dạy học theo hình thức này để học sinh vận dụng kiến thức tốt.
Ở một góc độ khác, trước sự tranh luận, phản ứng nhiều chiều từ các nhà nghiên cứu lịch sử, cũng như nhiều nhà giáo lo ngại, môn Lịch sử có thể bị “xé nát” hoặc ghép nối vụn vặt trong chương trình giáo dục phổ thông mới tổng thể mà Bộ GD&ĐT đưa ra trưng cầu ý kiến, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trên Báo Dân trí cho rằng, những ồn ào xung quanh việc tích hợp nội dung Lịch sử vào môn “Công dân với Tổ quốc” trong CTGDPTTT hiện nay là do sự hiểu lầm. Đây là một thói quen của nhiều người Việt Nam chúng ta. Khi các cơ quan đưa văn bản trưng cầu ý kiến của người dân thì không mấy người đọc; có những luật rất quan trọng mà Chính phủ muốn đưa ra xin ý kiến người dân trước khi trình Quốc hội hoặc Quốc hội xin ý kiến trước khi bàn thảo quyết định cũng chỉ có lác đác vài người đọc. Đến khi ai đó nêu vấn đề thì dư luận cũng nổi sóng theo, trong đó có rất nhiều người chưa hề đọc văn bản. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, đó là một thói quen rất đáng được khắc phục.
Qua phân tích, GS Nguyễn Minh Thuyết nhìn nhận, việc lên tiếng rằng môn Lịch sử bị loại bỏ, bị “khai tử” trong giáo dục phổ thông là phản ứng quá vội vàng.
"Tuy không tham gia biên soạn Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhưng là người đã đọc kỹ, tôi phải đính chính là không phải số giờ dạy lịch sử bị bớt đi, không hề có chuyện môn Lịch sử bị bỏ khỏi chương trình phổ thông để tích hợp vào môn khác. Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học được đề cao, chiếm rất nhiều thời gian, nên nhiều môn đều bị bớt giờ, ví dụ môn Ngữ văn trước đây học sinh học 3-4 tiết/ tuần, hiện này giảm xuống chỉ còn 2 tiết. Riêng môn Lịch sử không bị bớt giờ. Hơn nữa, nội dung giáo dục Lịch sử còn được tích hợp trong nhiều môn khác, như: Công dân với Tổ quốc, KHXH, Ngữ văn, trong đó Công dân với Tổ quốc là nội dung giáo dục bắt buộc với tất cả học sinh cấp trung học phổ thông", GS Thuyết lý giải cụ thể.