Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế

Thanh Liêm| 23/01/2016 15:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vai trò của văn hóa ngày càng được các quốc gia đề cao, coi trọng. Văn hóa trở thành một trong các trụ cột của phát triển bền vững, là động lực của quá trình hiện đại hóa, là nhân tố phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia”.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trình bày tham luận tại Đại hội XII của Đảng

Nội dung trên được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh trong tham luận tại Đại hội XII.

Hoàn thiện thể chế về văn hóa

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa và con người trong chiến lược phát triển đất nước giai đoạn tới, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong 5 năm qua, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hoá được nâng lên trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân. Thể chế văn hóa, chính sách văn hóa dần được hoàn thiện. Hệ thống thiết chế văn hóa tăng về số lượng và từng bước cải thiện chất lượng. Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật phong phú, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hoá đạt nhiều kết quả tốt, từ việc tu bổ, tôn tạo di tích đến việc đưa các di sản ra thế giới, với 22 di sản được UNESCO ghi danh (gồm 08 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 08 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 02 di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và 04 di sản tư liệu). Vai trò của văn hoá trong phát triển kinh tế được chú trọng, kết hợp khai thác tiềm năng của văn hóa với phát triển kinh tế, du lịch. Đời sống văn hoá ở cơ sở có bước phát triển về chiều rộng và chiều sâu. Công tác xã hội hoá được đẩy mạnh, thu hút các nguồn lực xã hội phát triển văn hóa. Giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hoá được chú trọng, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Đội ngũ sáng tác, biểu diễn lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, lực lượng cán bộ quản lý văn hóa ngày một trưởng thành. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” có tác động tốt đến xoá đói giảm nghèo, xây dựng gương người tốt việc tốt, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, xây dựng gia đình văn hóa, làng, xã, phường, khu phố văn hóa... góp phần ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

“Những thành tựu trong xây dựng và phát triển văn hoá đã góp phần vào việc xây dựng, hoàn thiện con người Việt Nam. Không khí dân chủ trong xã hội ngày càng tăng lên; tính năng động, tích cực của công dân được phát huy; sở trường và năng lực cá nhân được khuyến khích. Nhiều chuẩn mực văn hóa truyền thống tiếp tục được duy trì, củng cố, các giá trị văn hóa, đạo đức mới được hình thành và phát huy tác dụng. Đạo lý, tình th¬ương, lẽ phải vẫn là những định hướng giá trị thể hiện sâu sắc tính nhân văn của con người Việt Nam. Ý thức tích cực, tự giác của nhân dân trong các sinh hoạt văn hoá ngày càng tăng, cả xã hội chung tay xây dựng và phát triển văn hóa”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói.

6 giải pháp phát triển văn hóa thời kỳ mới

“Làm thế nào để xây dựng, phát triển con người, văn hóa Việt Nam một cách hiệu quả trong điều kiện kinh tế thị trường mà vẫn giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ đầy khó khăn thách thức”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng đề xuất 6 giải pháp để giải quyết những khó khăn, thách thức đối với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đó là:

Thứ nhất, Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa: Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa là một bộ phận quan trọng của sự nghiệp cách mạng, một trong những trụ cột bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Đổi mới về chính trị và kinh tế phải đồng thời với việc xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.

Thứ hai, Giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đồng thời với việc không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Quan điểm xuyên suốt của Đảng từ Đề cương Văn hóa Việt Nam là: “Văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, phải thực sự tiêu biểu về đạo đức, lối sống, thực sự gần dân, thân dân, trọng dân, phấn đấu vì lợi ích của dân, thấm nhuần đạo lý “Dân là gốc nước”, “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói.

Thứ ba, Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ văn hóa với nhiệm vụ chính trị. Trong cuộc đấu tranh chống suy thoái về đạo đức, lối sống hiện nay, văn hóa phải phát huy hơn nữa sứ mệnh “soi đường quốc dân đi”, xây dựng hệ giá trị văn hóa mới, hướng con người đến chân-thiện-mỹ, phải thực sự trở thành điểm tựa tinh thần và khởi nguồn cho sức mạnh nội sinh trong mỗi cá nhân, cộng đồng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước. Văn hóa phải có tiếng nói mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa đối với những quan điểm mơ hồ, sai trái, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Thứ tư, Tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, mức đầu tư của Nhà nước cho các hoạt động văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế. Sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư của Nhà nước đi đôi với việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, với những cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực. Thực hiện tốt sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ văn hóa, khơi dậy và huy động tiềm năng sáng tạo của các tổ chức, doanh nghiệp và của toàn dân tham gia xây dựng văn hóa, con người Việt Nam. Thực hiện tốt chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa đi đôi với thực hiện các chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ làm việc trong các lĩnh vực hoạt động văn hóa-nghệ thuật.

Thứ năm, Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, thực hiện đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ hợp tác quốc tế về văn hóa vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu cho văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh truyền bá văn hóa, ngôn ngữ, giới thiệu Đất nước, Con người Việt Nam ra thế giới. Hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Thứ sáu, Phát huy thế mạnh, hiệu quả của mô hình quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược, để Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; Gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; Thể dục, thể thao vì sự nghiệp dân cường, nước thịnh; Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh mong rằng, phát triển văn hóa, xây dựng con người là sự nghiệp khó khăn, lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, của mỗi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân, phát huy truyền thống vẻ vang, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết tâm phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, cùng cả nước xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế