Trưa 1/6, giải trình thêm các vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định “Bộ Tài chính đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xử lý nghiêm những ngân hàng và công ty bảo hiểm vi phạm”.
Bộ trưởng thừa nhận, có những tồn tại như liên kết ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm để bán bảo hiểm cho khách hàng thông qua giới thiệu để hưởng hoa hồng.
“Hợp đồng bảo hiểm dài, chưa rõ ràng, người mua đọc không kỹ nên thua thiệt- Bộ trưởng chỉ rõ. Hiện, Bộ Tài chính đang xây dựng Nghị định và thông tư để thực hiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, trong đó, tập trung vào nguyên tắc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm; hợp đồng bảo hiểm rõ ràng hơn, ngắn hơn, trọng tâm hơn, làm rõ quyền lợi, thời hạn và nghĩa vụ của các bên.
“Bên cạnh đó, sẽ quy định rõ định mức tối đa chi thưởng đại lý; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Như vậy là chúng tôi cũng đang tập trung vào những nội dung để quản lý kinh doanh bảo hiểm nhân thọ”, Bộ trưởng nói.
Trước đó, tại phiên thảo luận ngày 31/5, nêu một loạt những bất cập về thị trường bảo hiểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đã đề nghị “Bộ Tài chính thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào bảo hiểm liên kết đầu tư. Bộ Công an xác minh làm rõ có hay không dấu hiệu tội lừa đảo, lừa dối khách hàng, nếu có thì đề nghị khởi tố điều tra”.
Cũng tại phiên thảo luận, giải trình về tiền tồn dư ngân quỹ, Bộ Tài chính đang gửi 895.000 tỷ đồng gửi Ngân hàng Nhà nước, lãi suất 0,8%/năm; 130.000 tỷ đồng gửi ngắn hạn tại ngân hàng thương mại…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay: “Số tiền này đã gắn với nhiệm vụ chi cụ thể, tức là nguồn này là nguồn nhàn rỗi tạm thời mà đã có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn, chẳng hạn như bố trí vào các dự án đầu tư công, dự án về chương trình mục tiêu quốc gia, v.v.. và nguồn thì đã có nhiệm vụ chi chi tiết, tồn đọng là vì chúng ta chưa giải ngân hết chứ không phải là nguồn để phân bổ vào việc khác”.