Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết số chi cục thuế trên cả nước sẽ giảm từ 548 xuống còn 257, giảm 291 chi cục.
Thông tin trên đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra tại công bố kết quả giám sát việc thực hiện nhiệm vụ những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan.
Người đứng đầu ngành tài chính cho biết, thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 18 Hội nghị T.Ư 6 khóa 12 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát sắp xếp lại bộ máy cơ quan Thuế, Hải quan và Kho bạc Nhà nước.
"Chúng tôi đã phê duyệt đề án, trong 3 năm tới, riêng cơ quan thuế sẽ sắp xếp lại 548 chi cục thuế các quận, huyện, thị xã xuống còn 257 chi cục, giảm 291 chi cục thuế theo hướng thành lập chi cục thuế liên vùng huyện", ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng khẳng định, trong năm 2018, Bộ Tài chính cũng thực hiện giải thể 43 phòng giao dịch Kho bạc Nhà nước tỉnh tại các huyện để đưa về kho bạc tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Mof.gov.vn
Về kết quả cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm điều kiện kinh doanh của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, từ năm 2011-2015, Bộ này đã thực hiện rà soát cắt giảm 243 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 962 thủ tục, trong đó, lĩnh vực thuế cắt giảm 147 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 526 thủ tục hành chính; lĩnh vực hải quan cắt giảm 42 thủ tục hành chính, đơn giản 298 thủ tục hành chính.
Từ 2016 tới nay, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện cắt giảm 174 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 898 thủ tục hành chính. Trong đó, lĩnh vực thuế cắt giảm 97 thủ tục, đơn giản hóa 308 thủ tục hành chính; lĩnh vực hải quan cắt giảm 42 thủ tục và đơn giản hóa 181 thủ tục.
"Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ cắt giảm khoảng 50,8% thủ tục hành chính còn lại của cả ngành tài chính", ông Dũng khẳng định.
Đối với việc cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết hàng loạt các giải pháp cụ thể. Đó là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức về cải cách hành chính; Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quản lý thuế, hải quan, bảo đảm thực hiện khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử và hải quan điện tử; Tiếp tục nghiên cứu đơn giản hóa TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh theo yêu cầu Nghị quyết 98/NQ-CP ngày 3/10/2017 của Chính phủ, đổi mới quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, giảm thiểu việc tiếp xúc giữa cán bộ, công chức với người dân, doanh nghiệp, đồng thời công khai, minh bạch quy trình, quy chế để nâng cao hiệu quả giám sát…
Một giải pháp đáng chú ý được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết là việc tổ chức triển khai, thực hiện chế độ quản lý rủi ro đối với doanh nghiệp theo hướng chỉ tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có rủi ro về thuế, hạn chế việc thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp chấp hành tốt nghĩa vụ thuế đối với ngân sách nhà nước.
Tham dự buổi lễ công bố, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Bộ tài chính và 2 cơ quan Thuế, Hải quan. Đặc biệt khi chuyển đổi từ kê khai, nộp thuế thủ công bằng cách mang tiền mặt đến cơ quan thuế, nay đã triển khai thu qua điện tử. Theo ông Thanh, đây là “cuộc cách mạng” đã giúp giảm chi phí nhân công, và giảm được tiêu cực.
Ông Thanh cho rằng dư địa cải cách trong hai lĩnh vực này còn nhiều, vì vậy cần tiếp tục cải thiện để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Hoàn toàn có thể giảm thiểu nhiều hơn các điều kiện kinh doanh, giảm thiểu các thủ tục hành chính.
Còn ông Phạm Công Tham - Phó Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam kiến nghị cần có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn chân chính bị rủi ro về thuế. Cần tiếp tục giảm thủ tục kinh doanh về thuế, hải quan để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.