Xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng, tình trạng thanh thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp diễn ra phức tạp, ngày càng phát hiện nhiều dạng mới của ma túy khó kiểm soát, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019.
Bạo hành, xâm hại trẻ em tiếp tục gia tăng
Báo cáo về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết năm 2019, tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 78%, cao hơn 8% so với chỉ tiêu Quốc hội giao.
Về cơ bản các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ; các vụ xâm hại trẻ em được điều tra, xử lý quyết liệt hơn; tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" đã bị trấn áp mạnh, tạo được chuyển biến tích cực; qua đó đã góp phần làm giảm 1,95% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ 2018.
Các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo được đẩy nhanh tiến độ điều tra, bảo đảm đúng tiến độ, việc thu hồi tài sản đạt kết quả tốt hơn.
Lực lượng chức năng phát hiện, triệt phá nhiều vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là các vụ lừa đảo, cờ bạc, cá độ bóng đá qua mạng Internet với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, tình hình tội phạm về trật tự xã hội tuy đã được kiềm chế làm giảm về số vụ, nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Toàn quốc xảy ra 48.037 vụ phạm pháp hình sự.
Đáng lưu ý, xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo, nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích do đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp gây ra, gây lo lắng trong nhân dân. Các vụ điển hình như: vụ giết, hiếp nữ sinh giao gà do các đối tượng nghiện ma túy gây ra tại Điện Biên; vụ Trịnh Viết Ba (hành nghề thầy cúng) giết 2 người, bị thương 2 người là hàng xóm xảy ra tại Nam Định, vụ giết người đổ bê tông tại Bình Dương...
Theo báo cáo, tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra nhiều, nhất là tội phạm cưỡng dâm, dâm ô và giao cấu với trẻ em tiếp tục gia tăng, gây bức xúc trong xã hội; xuất hiện thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người dưới hình thức mang thai hộ, mua bán bào thai.
Tội phạm có tổ chức vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là hoạt động núp bóng doanh nghiệp, bảo kê bến bãi, “tín dụng đen”, cầm đồ, siết nợ, đòi nợ thuê gắn với hành vi cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật. Nhóm tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản (cướp, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo...) chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm.
“Tội phạm chống người thi hành công vụ tuy giảm về số vụ, song hành vi rất manh động, liều lĩnh, coi thường pháp luật. Tệ nạn xã hội cờ bạc, mại dâm vẫn diễn ra phổ biến ở một số địa phương”- báo cáo nêu rõ.
Nghiện là nguyên nhân nhiều vụ phạm tội nghiêm trọng
Về tình hình tội phạm ma túy, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn ma túy, tập trung triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn với phương châm bắt giữ cả đường dây, nhất là đối tượng cầm đầu.
Triển khai các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới miền Trung, Tây Nguyên và tuyến biên giới Tây Nam; tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các nước láng giềng trong ngăn chặn hoạt động của tội phạm ma túy xuyên quốc gia.
Theo đó, đã phát hiện hơn 23.000 vụ, hơn 36.000 đối tượng phạm tội về ma túy. Thu giữ 1.222 kg heroin, 6.254 kg và 1,05 triệu viên ma túy tổng hợp... Công tác tấn công trấn áp tội phạm ma túy đạt nhiều kết quả nổi bật, nhất là đã triệt phá được nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia thu giữ số lượng ma túy đặc biệt lớn.
Điển hình là vụ bắt 5 đối tượng, thu giữ 580 kg ma túy tổng hợp dạng đá và 40 bánh heroin tại Nghệ An ngày 14/4/2019; vụ bắt 4 đối tượng thu giữ 507,5 kg ketamine tại TP. Hồ Chí Minh ngày 11/5/2019; vụ bắt 895 bánh heroin tại TP. Hồ Chí Minh ngày 27/3/2019; vụ bắt 3 đối tượng thu giữ 1,1 tấn ma túy đá tại TP. Hồ Chí Minh ngày 12/4/2019…
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, qua công tác đấu tranh cho thấy, hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia tăng mạnh, lợi dụng Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy đi nước thứ ba. Thủ đoạn chủ yếu là đối tượng người nước ngoài thành lập doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuê kho, xưởng hàng hóa ở Việt Nam) để tạo vỏ bọc ngụy trang, lợi dụng các chính sách thông thoáng về hải quan để tổ chức sản xuất, vận chuyển ma túy từ khu vực Tam giác vàng về Việt Nam và đi nước thứ ba.
Trong nước, số người nghiện tiếp tục gia tăng làm cho hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy vẫn diễn ra phức tạp; người nghiện phần lớn đang ở ngoài xã hội, là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ phạm tội nghiêm trọng, gây lo lắng trong nhân dân.
Xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng, tình trạng thanh thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp trong các quán bar, nhà hàng, karaoke diễn ra phức tạp, ngày càng phát hiện nhiều dạng mới của ma túy khó kiểm soát...
Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trên cơ sở dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, áp lực ngày càng gia tăng, Chính phủ tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này.
Hai là, đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan
Ba là, tổ chức tốt công tác nắm, phân tích, dự báo sát tình hình thế giới, khu vực, kịp thời tham mưu đề xuất các các chủ trương, giải pháp góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện lớn của đất nước, nhất là Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các sự kiện đối ngoại trong năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
Bốn là, coi trọng làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm với mục tiêu làm giảm tội phạm so với năm 2019, kết hợp chặt chẽ công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc rộng khắp trên các tuyến, địa bàn; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng bán chuyên trách, các tổ chức quần chúng, các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm tại địa bàn cơ sở, hòa giải tốt các mâu thuẫn trong nhân dân không làm phát sinh tội phạm.
Năm là, tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, giải quyết tốt những vấn đề bức xúc nổi lên.
Sáu là, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm; nâng cao tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố;
Bảy là, thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là quản lý cư trú, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quản lý người nước ngoài, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Ngoài ra, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Tiếp tục tăng cường các nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Điều chỉnh, bố trí lực lượng Công an hướng về cơ sở và tăng cường cho các lực lượng trực tiếp chiến đấu, nhất là thực hiện chủ trương chính quy Công an xã.