Sáng 23/11, UBTVQH cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
UBTVQH đồng ý đưa dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để Quốc hội cho ý kiến.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tần số vô tuyến điện là để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Việc sửa đổi cũng nhằm mục tiêu phát triển nền công nghệ số, phát triển thông tin vô tuyến điện, góp phần đạt được mục tiêu về chỉ số đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh mẽ kinh tế số, xã hội số và về phát triển khoa học - công nghệ khai thác hiệu quả tài nguyên, nguồn lực, trong đó có tài nguyên tần số, Chính phủ thấy rằng, các chủ trương này cần được thể chế kịp thời trong Luật Tần số vô tuyến điện; đồng thời khắc phục những bất cập, vướng mắc của luật này; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của luật với một số luật ban hành sau có nội dung liên quan như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Luật Đầu tư năm 2020...
Về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay, dự án luật này đã được trình UBTVQH tại Phiên họp thứ 44 của UBTVQH khóa XIV. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, UBTVQH đã quyết định tạm thời rút dự án luật này khỏi chương trình Kỳ họp thứ chín của Quốc hội khóa XIV để Chính phủ, ngành y tế tập trung chống dịch bệnh Covid-19. UBTVQH khóa XIV cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng kết, đánh giá bổ sung, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng có liên quan, hoàn thiện hồ sơ bảo đảm chất lượng, tạo sự đồng thuận giữa các cơ quan có liên quan.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng kết, đánh giá bổ sung, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng liên quan và đã chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án luật để trình UBTVQHtại phiên họp này. Chính phủ đề nghị UBTVQHxem xét, bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ ba và thông qua tại Kỳ họp thứ tư.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ, đề nghị UBTVQH bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ ba (tháng 5-2022), thông qua tại Kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022).
Việc Chính phủ tiếp tục đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình năm 2022 là thực hiện đúng kết luận của UBTVQH; đồng thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng như yêu cầu tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội; bảo đảm kịp thời triển khai nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội nhận thấy, hồ sơ dự án luật còn nhiều vấn đề cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Đồng thời, để nâng cao chất lượng đề nghị xây dựng luật, hạn chế việc điều chỉnh chương trình nhiều lần và thực hiện đúng kết luận của UBTVQHtại Phiên họp tháng 4-2020, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội đề nghị UBTVQHchưa quyết định bổ sung ngay dự án luật này vào chương trình năm 2022 mà yêu cầu Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu ý kiến của các cơ quan thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ dự án luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình UBTVQH xem xét chậm nhất tại Phiên họp tháng 3-2022.
Cho ý kiến vào dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đánh giá kỹ về một số vấn đề, nhất là về an toàn bức xạ, tài nguyên số… để việc sửa đổi luật đáp ứng tốt nhất yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống.
Về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ phạm vi đối tượng chịu tác động; phân tách rõ ranh giới giữa y tế dự phòng và khám, chữa bệnh để tránh sai phạm có thể xảy ra. Thể chế hoá mục tiêu, quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm trong hoạt động cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh. Tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hoá, đa dạng hoá loại hình dịch vụ nhất là đảm bảo công bằng trong cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh của cả cơ sở công và tư, qua đó huy động cơ sở y tế tư nhân tham gia vào công tác phòng, chống dịch.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Bộ Y tế đánh giá đầy đủ tác động của dịch Covid 19 để có những quy định phù hợp trong dự án luật này như việc khám chữa bệnh từ xa hay thành lập bệnh viện dã chiến. Xây dựng báo cáo đánh giá đầy đủ, tránh tình trạng nói mãi mà chưa làm đối với mô hình bác sỹ gia đình, đặc biệt là cần xem xét lại quy định y, bác sỹ khám, chữa bệnh phải nói tiếng Việt, bởi không thể coi ngôn ngữ là một rào cản, một điều kiện hành nghề.
Sau khi thảo luận, UBTVQHđã biểu quyết thông qua việc đưa dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ ba vào tháng 5/2022.