Bổ sung nhiều nội dung quan trọng trong BLTTDS (sửa đổi)

Mai Thoa| 20/05/2015 18:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay 20/5, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã trình bày Tờ trình của TANDTC về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) để các đại biểu Quốc hội cho ý kiến.

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, sau 10 năm thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực, việc thi hành BLTTDS cũng cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế và vướng mắc trong công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự cần được khắc phục; Hiến pháp 2013 được thông qua, trong đó quy định “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”; “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân,... Vì vậy, việc ban hành BLTTDS (sửa đổi) là hết sức cần thiết.

Bổ sung nhiều nội dung quan trọng trong BLTTDS (sửa đổi)

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trình bày Tờ trình dự án BLTTDS (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Chánh án TANDTC đã thành lập Ban soạn thảo dự án BLTTDS (sửa đổi); tổ chức nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng dự án BLTTDS (sửa đổi); tiến hành tổng kết thực tiễn thi hành BLTTDS hiện hành;...TANDTC đã xây dựng và hoàn thiện hồ sơ dự án BLTTDS (sửa đổi) trình Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý, ý kiến thẩm tra, TANDTC đã chỉnh lý, hoàn thiện dự án BLTTDS (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp này.

Dự thảo Bộ luật bổ sung nhiều quy định mới

Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) có tổng số 491 điều, được bố cục thành 10 phần, 43 chương. So với BLTTDS hiện hành, dự thảo BLTTDS (sửa đổi) giữ nguyên 177 điều, sửa đổi, bổ sung 238 điều, bổ sung mới 76 điều, bãi bỏ 07 điều.

Dự thảo Bộ luật đã quy định về thẩm quyền của Tòa án theo hướng tất cả những tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trừ trường hợp theo quy định của luật thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác.

Quy định này một mặt thể chế hóa nội dung Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc người dân chỉ nộp đơn đến Tòa án, Tòa án có trách nhiệm nhận và thụ lý đơn, mặt khác là điều kiện để TAND thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý.

Dự thảo Bộ luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng để làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của người tiến hành tố tụng và việc thay đổi người tiến hành tố tụng trên cơ sở pháp điển hóa các văn bản hiện hành có liên quan; bổ sung quy định Thẩm tra viên, Kiểm tra viên là người tiến hành tố tụng nhằm phù hợp với Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND; bổ sung quy định cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết các vụ việc dân sự có quyền kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp; luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cụ thể hóa quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Tổ chức TAND.

Bổ sung quy định về quyền và trách nhiệm của đương sự trong việc cung cấp bản sao chứng cứ cho các đương sự khác; quy định rõ việc nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí tố tụng theo yêu cầu của Tòa án thì coi như từ bỏ việc khởi kiện, trừ trường hợp không phải nộp hoặc được miễn nộp nhằm xác định đầy đủ quyền và nghĩa vụ của đương sự khi tham gia tố tụng dân sự.

Bổ sung nhiều nội dung quan trọng trong BLTTDS (sửa đổi)

Toàn cảnh phiên họp

Về thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, dự thảo Bộ luật cũng quy định thủ tục khởi kiện, xác định ngày khởi kiện trên cơ sở pháp điển hóa những văn bản hướng dẫn BLTTDS hiện hành nhằm quy định rõ ràng, cụ thể về thủ tục khởi kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quyền khởi kiện của mình; bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án khi cần đợi kết quả của cơ quan có thẩm quyền xem xét kiến nghị của Tòa án về việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp; luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến việc giải quyết vụ án; bổ sung quy định thành phần tham gia phiên hòa giải đối với tranh chấp lao động.

Bổ sung quy định mới về căn cứ, thủ tục, thời hạn tạm ngừng phiên tòa trong trường hợp cần phải xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ bổ sung mà không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa, chờ kết quả giám định bổ sung, giám định lại, do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa, các bên đương sự đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để các bên đương sự tự hòa giải nhằm đảm bảo việc xem xét chứng cứ chính xác, toàn diện, bảo đảm quyền tranh tụng của đương sự tại phiên tòa và phù hợp với thực tiễn.

Ngoài ra, trong Phần này còn bổ sung quy định về thủ tục xét xử trong trường hợp vắng mặt tất cả những người tham gia tố tụng, theo đó quy định thủ tục xét xử của Tòa án trong trường hợp đương sự vắng mặt hoặc đương sự đề nghị xét xử vắng mặt thì Hội đồng xét xử căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.

Về thủ tục giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm được quy định thủ tục kháng cáo, kháng nghị, thụ lý, xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị trên cơ sở kế thừa các quy định của BLTTDS hiện hành, đồng thời bổ sung quy định cụ thể về thời hạn kháng cáo, ngày kháng cáo, về hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị, việc gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo kháng nghị sau khi xét xử sơ thẩm để phù hợp hơn với thực tiễn xét xử.

Trong phần này cũng bổ sung quy định mới về việc đương sự được quyền cung cấp bổ sung những tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không cung cấp, giao nộp được vì có lý do chính đáng; những tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm;...

Thủ tục rút gọn: quy định mới và quan trọng

Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) bổ sung một phần mới gồm 2 chương, 9 điều quy định về thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự để giải quyết những tranh chấp nhỏ, chứng cứ rõ ràng một cách nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật.

Theo đó, Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết các vụ án dân sự khi có đủ các điều kiện sau đây: Tranh chấp có giá trị dưới 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng), vụ án đơn giản, tài liệu, chứng cứ rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ, đủ cơ sở giải quyết Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; các đương sự đều có nơi cư trú rõ ràng; không có yếu tố nước ngoài;  Tranh chấp có giá trị từ 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) trở lên; các đương sự đã thừa nhận về nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ rõ ràng và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; các đương sự đều có nơi cư trú rõ ràng; không có yếu tố nước ngoài; các đương sự đề nghị áp dụng thủ tục rút gọn. Bản án, quyết định được giải quyết theo thủ tục rút gọn được quyền kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Thủ tục phúc thẩm đối với những vụ án được xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn cũng được xây dựng theo hướng thủ tục xét xử bút lục.

Tại kỳ họp, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cũng đã trình một số nội dung quan trọng còn có nhiều ý kiến khác nhau xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội, như quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có điều luật để áp dụng); Về sự tham gia của VKSND đối với phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự; Về việc bổ sung phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ tại phiên tòa sơ thẩm; Công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án; Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn liền với việc khởi kiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bổ sung nhiều nội dung quan trọng trong BLTTDS (sửa đổi)