Dị vật do người bệnh tự ý nhét vào niệu đạo 11 năm trước là nguyên nhân gây viêm nhiễm kéo dài, chít hẹp đường tiểu, tiểu rát, tiểu buốt, tiểu mủ.
Ngày 20/9, thông tin từ Bệnh viện Bình Dân TP.HCM cho biết, vừa can thiệp thành công cho một nam thanh niên bị hàng chục mét dây cước mắc kẹt trong niệu đạo.
Bệnh nhân là anh T.H.N. (25 tuổi; ngụ Đồng Nai) được chuyển đến Bệnh viện Bình Dân trong tình trạng viêm loét dương vật, bí tiểu. Anh N. cho hay, hơn 10 năm nay thường đi tiểu đau, cảm giác gắt buốt và nước tiểu đục, có lúc tiểu mủ. Vài tháng gần đây, tình trạng đau ngày càng trở nên tồi tệ hơn, người bệnh tiểu khó, da thân dương lở loét và đau đớn.
ThS.BS Trà Anh Duy – Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân cho biết, qua kết quả chẩn đoán hình ảnh, nhận thấy một vật lạ chưa rõ bản chất đang nằm trong niệu đạo người bệnh.
Để giải quyết tình trạng bí tiểu, viêm nhiễm vùng sinh dục, các bác sĩ đã mở bàng quang ra da để chuyển lưu nước tiểu và điều trị kháng sinh, kiểm soát nhiễm trùng.
Bác sĩ thực hiện phẫu thuật gắp dây cước trong niệu đạo bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Trong quá trình phẫu thuật thám sát đường tiểu, ekip phẫu thuật phát hiện vật lạ đã ăn sâu xuyên qua thành niệu đạo đến sát vách thể hang của dương vật. Dị vật được lấy khỏi niệu đạo là một đoạn dây cước đã đóng sỏi xung quanh thành khối, kích thước 2,5cmx6cm.
Lúc này người bệnh mới mở lời với các bác sĩ là năm 14 tuổi, trong lúc ở nhà một mình đã “nghịch dại” tự nhét cuộn cước làm dây câu cá vào niệu đạo vì cảm giác… “thích thích”. Do sơ sẩy, người bệnh đã để lọt sợi cước chui sâu vào bên trong niệu đạo, không thể lấy ra được. Sau đó, vì ngại ngần chia sẻ sự việc với người thân nên nên người bệnh chỉ biết chịu đựng trong lặng thầm cho đến khi bác sĩ tìm thấy trong phẫu trường.
Theo BS Duy, qua 11 năm sợi dây cước đã ăn xuyên vào niệu đạo bệnh nhân gây viêm các mô lân cận, tạo thành các xơ dính. Đây là trường hợp hẹp niệu đạo phức tạp, đoạn tổn thương đã hư hỏng nặng kết hợp với dị tật lỗ tiểu đóng thấp bẩm sinh. Kíp mổ đã cắt lọc đoạn niệu đạo bị hỏng, mở niệu đạo ra da. Bệnh nhân được chuyển vạt da để sau 3 tháng nữa sẽ tạo hình niệu đạo bằng mảnh ghép niêm mạc miệng.
Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân từng gặp những trường hợp dị vật khác như đèn cầy (nến), chiếc đũa, dây điện, sợi cói chiếu… lạc vào đường tiểu. Hầu hết người bệnh đều đến bệnh viện sau “tai nạn” để nhờ bác sĩ gắp dị vật. Trường hợp bệnh nhân chịu đựng, sống chung với dị vật trong niệu đạo suốt 11 năm nêu trên là ca đầu tiên bệnh viện tiếp nhận.
Các bác sĩ khuyến cáo, đối với nam giới là đừng dại dột “nhét” bất cứ vật gì vào đường tiểu để tránh những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe như viêm nhiễm ngược dòng, chảy máu niệu đạo, chít hẹp niệu đạo... có thể gây nhiễm trùng hệ thống, suy thận, thậm chí vô sinh.
Khi không may xảy ra sự cố bất đắc dĩ như trên, người bệnh cần bình tĩnh, không tự ý cố lấy dị vật một cách thô bạo gây tổn thương cơ thể. Cần nhanh chóng đến cơ sở y tế có kinh nghiệm điều trị về niệu đạo để được cứu chữa kịp thời.