Với hầu hết số phiếu được kiểm trả lời “không”, người dân Hy Lạp cho thấy, họ đồng lòng phản đối yêu cầu “thắt lưng buộc bụng” của các chủ nợ châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Theo BBC, sáng 6/7, Bộ Nội vụ Hy Lạp công bố, 61% số phiếu đã được kiểm nói “không”, trong khi 39% số phiếu nói “có”. Rõ ràng, phe nói “không” đã chiếm áp đảo trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngày hôm qua (5/7).
Người dân Hy Lạp nhảy múa, ăn mừng kết quả trưng cầu dân ý
Trong khi đó, một cuộc thăm dò ngoài phòng phiếu của kênh truyền hình Star bằng điện thoại cho thấy, tỉ lệ là 41-54% nói "không" và 46-51% nói "có".
Đảng Syriza của Thủ tướng Alexis Tsipras, nhiều lần nhấn mạnh rằng, các điều khoản của gói cứu trợ khiến Hy Lạp “ nhục nhã” và tích cực vận động cử tri bỏ phiếu chống.
Về phía phe ủng hộ, việc Hy Lạp từ chối các điều khoản này của các chủ nợ là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Liên minh châu Âu ( EU) đồng nghĩa với việc nước này có thể phải rời khỏi khối đồng tiền chung.
Ngay đêm qua (5/7), hàng ngàn người đã tập trung trước màn hình TV lớn để theo dõi kết quả cuộc trưng cầu dân ý. Trước kết quả sơ bộ, “không” áp đảo, nhiều người dân đã bắt đầu nhảy múa ăn mừng.
Thủ tướng Hy Lạp, Alexis Tsipras nhanh chóng khẳng định, ngay ngày mai, Hy Lạp sẽ trở lại bàn đàm phán và ưu tiên chính là khôi phục sự ổn định tài chính của đất nước. Lần này các khoản nợ sẽ được đặt trên bàn đàm phán.
Tuy nhiên, kết quả trên lại khiến bài toán giữa Athens và khối đồng euro ngày càng trở nên nan giải.
Các ngân hàng vẫn tiếp tục đóng cửa
Người đứng đầu nhóm các Bộ trưởng tài chính của khối đồng euro, ông Jeroen Dijsselbloem nhận định: “Kết quả của trưng cầu thật đáng tiếc cho tương lai của Hy Lạp”.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức, Angela Merkel kêu gọi một cuộc hội nghị Châu Âu khẩn cấp vào ngày mai (7/7) để bàn về phản ứng của Châu Âu trước kết quả này. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Đức, Sigmar Gabrie cho biết, việc nối lại các vòng đàm phán với Hy Lạp vào lúc này là việc “khó tưởng tượng” được.
Nhưng, dù kết quả thế nào thì những khó khăn trước mắt của Hy Lạp vẫn còn nguyên đó. Các ngân hàng vẫn đóng cửa, người dân bị khống chế số tiền rút từ ATM mỗi ngày. Hy Lạp vỡ nợ khi không còn chủ nợ nào đồng ý cho vay tiếp, kể cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).