Bộ Nội vụ: Sáp nhập phải đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

Ngọc Mai| 27/03/2019 11:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đề nghị các địa phương bám sát Nghị quyết của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có nguyên tắc sáp nhập phải đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Bộ Nội vụ: Sáp nhập phải đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại hội nghị

Băn khoăn vấn đề cán bộ trong sáp nhập

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực, phát huy nguồn lực, tiềm năng phát triển của địa phương, giúp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế... Tuy nhiên, đây là việc khó, nhạy cảm, nên cần phải thống nhất cao trong nhận thức và hành động.

Hà Nội từ năm 1976 đến nay đã qua 3 lần chia tách, sáp nhập, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, hợp nhất Hà Nội với Hà Tây, Hà Nội đã bàn bạc rất kỹ. Sau 10 năm cho thấy, việc hợp nhất này đem lại tiềm năng phát triển to lớn cho Thành phố, đời sống nhân dân nâng lên rõ rệt cả vật chất và tinh thần. Kinh nghiệm thực tiễn của Hà Nội là trước khi sắp xếp phải nhận diện rõ các đơn vị hành chính từ huyện đến xã và đề ra nguyên tắc, tiêu chí khung trong việc sắp xếp.

"Việc sắp xếp tách ra thì dễ, nhưng sáp nhập vào là việc rất khó, đòi hỏi phải thống nhất cao trong nhận thức và hành động triển khai thực hiện", bà Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, sau sáp nhập bao giờ cũng có dư dôi cán bộ, vì vậy phải quan tâm giải quyết chế độ chính sách cho số cán bộ này. Bà đồng tình về lộ trình khi sáp nhập, hợp nhất mỗi năm giảm 20% biên chế; đề nghị Bộ Nội vụ cần có hướng dẫn cơ chế chính sách đặc thù cho cán bộ dôi dư.

Đại diện Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An bày tỏ băn khoăn, có nên chia ra 2 lộ trình sáp nhập xã và huyện? Nếu nhập xã giao cho tỉnh, còn nhập huyện giao cho Trung ương quyết định. Về lựa chọn cán bộ đứng đầu sau sáp nhập, Bộ Nội vụ cần hướng dẫn cụ thể, bí thư Đoàn thanh niên, chủ tịch MTTQ cũng quy định bầu trong đại hội, nhưng chưa tổ chức đại hội thì bầu ai, cử ai, lựa chọn thế nào?

Còn theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải, nếu việc sáp nhập thực hiện 2 đợt vào năm 2019 và 2020 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đại hội Đảng bộ các cấp. Đến quý I/2020 mới sáp nhập các xã cuối cùng thì tính toán, sắp xếp nhân sự cũng như chuẩn bị phương án nhân sự cho đại hội không thể kịp. Nếu kéo dài tiến độ đại hội cấp xã thì ảnh hướng đến đại hội cấp huyện, cấp tỉnh. Ông đề nghị sáp nhập huyện, xã 1 lần trong năm 2019, không kéo dài sang năm 2020.

Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa Trần Quốc Huy cho hay, là tỉnh có diện tích lớn, dân số đông và nhiều đơn vị hành chính, theo Nghị quyết, đợt này Thanh Hóa phải sáp nhập 66 xã, chưa kể lồng ghép 26 thị trấn, lộ trình, thủ tục khá phức tạp. Xuất phát từ thực tế, tỉnh chủ động triển khai trước khi Nghị quyết 653 ban hành, tập huấn cho cán bộ cấp huyện về mặt nghiệp vụ và cụ thể hóa một số việc phù hợp tình hình thực tế ở địa phương.

Ông Trần Quốc Huy lo lắng, sáp nhập xã sẽ gặp khó trong vấn đề cán bộ. Trong lộ trình 5 năm bảo lưu vị trí, vẫn phải đảm bảo trả đủ chính sách. Ông cho rằng, nếu đơn vị hành chính có 3 xã sáp nhập lại, các chức danh được bầu sẽ phải luân chuyển, chứ không thể ở đó bảo lưu chế độ.

Rà soát đánh giá, phân loại cán bộ công chức trong quá trình sáp nhập

Giải đáp băn khoăn của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng trong quá trình sáp nhập, nếu không cẩn thận sẽ mang tính cơ học.

Ông đề nghị các địa phương bám sát Nghị quyết của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có nguyên tắc sáp nhập phải đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

"Đây là dịp thực hiện tốt Nghị quyết 18 về sắp xếp, tinh gọn bộ máy nên hết sức tránh hợp nhất hết đội ngũ cán bộ công chức của 2, 3 xã vào nhau mang tính cơ học. Khi sáp nhập cố gắng rà soát đánh giá, phân loại cán bộ công chức. Đội ngũ dôi dư có nhiều trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì giải quyết theo chính sách tinh giản biên chế; những trường hợp có đủ điều kiện tiêu chuẩn có thể dự tuyển vào các cơ quan khác, bố trí công việc khác", Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết đây là hội nghị quan trọng, cố gắng từ nay đến cuối tháng 3/2019 trình Chính phủ kế hoạch để đầu tháng 4/2019 có thể thực hiện.

Ông đề nghị Ban Tổ chức Trung ương có hướng dẫn, sắp xếp bộ máy trong hệ thống chính trị, tiến tới Đại hội Đảng các cấp thời gian tới. Các đơn vị trong Bộ xây dựng hướng dẫn sắp xếp, phân loại đô thị để ngay khi Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện thì các địa phương cũng có hướng dẫn này.

Căn cứ tiêu chuẩn đơn vị hành chính, Sở Nội vụ giúp Ủy ban Nhân dân tỉnh rà soát các đơn vị hành chính, trong đó có dân số diện tích dưới 50%, khuyến khích các xã tự nguyện sáp nhập. Diện tích tự nhiên tính theo diện tích tự nhiên đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dân số theo số liệu của Tổng cục Thống kê thời gian gần nhất. Các đơn vị cung cấp cho các địa phương ngay trong tháng Tư, không cần chờ Nghị quyết của Chính phủ.

Bộ trưởng Nội vụ cũng đề nghị các địa phương thực hiện, trừ trường hợp đặc thù, Bộ Nội vụ sẽ có hướng dẫn nếu ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, văn hóa. Các đơn vị hành chính mới sáp nhập phải đạt đủ điều kiện, tiêu chí. Trường hợp 2 đơn vị sáp nhập nhưng bị chia cắt về vị trí địa lý thì không phải sáp nhập. Địa phương cũng cần cân nhắc vấn đề truyền thống lịch sử, văn hóa, đảm bảo sắp xếp ổn định và phát triển, không sắp xếp bằng bất cứ giá nào.

Ông đề nghị Sở Nội vụ giúp các địa phương rà soát, báo cáo, cố gắng hoàn thành sắp xếp cấp xã, huyện trong năm 2019. Các xã, huyện tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện cho hộ gia đình chứ không phải tất cả những người từ 18 tuổi trở lên.

Trong quá trình rà soát, sắp xếp đơn vị hành chính, thực hiện đánh giá lại đội ngũ cán bộ. Sở Nội vụ có kế hoạch và lộ trình sắp xếp, sau 5 năm trở lại biên chế ban đầu đối với biên chế được giao, không giao mỗi năm 20%.

Trong quá trình sắp xếp, cần chú trọng việc chuyển đổi giấy tờ và ổn định cuộc sống cho người dân. Chứng minh nhân dân hết hạn mới đổi, sổ đỏ khi chuyển đổi mới cần đổi, khai sinh là suốt đời, Bộ trưởng nói.

Trước đó, ngày 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số
653/2019/UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã quy định tại Nghị quyết này bao gồm các trường hợp thành lập, nhập, giải thể, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là cấp huyện), xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã).

Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp là đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (sau đây gọi là Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13). Khuyến khích việc sắp xếp các đơn vị hành chính không thuộc diện quy định tại khoản 2 điều này để giảm số lượng đơn vị hành chính.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết này và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, các đơn vị hành chính được sắp xếp phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, trừ trường hợp nhập từ 03 đơn vị hành chính cùng cấp trở lên hoặc nhập 02 đơn vị hành chính cùng cấp nhưng do có yếu tố đặc thù mà không thể nhập thêm đơn vị hành chính khác liền kề.

Khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế-xã hội; gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; giải quyết chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Đáng lưu ý, Nghị quyết cũng nêu rõ một số trường hợp đặc biệt khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Nội vụ: Sáp nhập phải đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ