Bố mẹ ly hôn và nỗi buồn của con trẻ

Mạnh Hùng| 08/09/2021 22:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một trong những điều ám ảnh tôi nhất khi tham dự các phiên toà tranh giành quyền nuôi con của vợ-chồng sau ly hôn đó là những ánh mắt ngây thơ đến khờ dại của con trẻ khi phải có mặt để quyết định xem mình sẽ sống với bố hay với mẹ.



bo-me-ly-hon(1).jpeg
Hình minh hoạ

Ánh mắt buồn của con trẻ

Phiên toà ly hôn phúc thẩm tại TAND TP Hà Nội hôm ấy, hai đứa trẻ trạc từ 6 đến 10 tuổi mặc đồng phục học sinh, đeo ba lô đến phòng xử. Trông chúng khá bình tĩnh. Có lẽ, đã nhiều lần trong các phiên hoà giải, các cháu phải đứng ra làm chứng và quyết định mình ở với bố hay với mẹ.

Tại toà, khi được HĐXX hỏi mong muốn ở với ai, cậu anh nói ở với ai cũng được, nhưng không muốn tách hai anh em ra. “Từ trước đến nay, hai anh em con ở với nhau, chơi với nhau rất thân thiết. Nếu tách ra thì cả hai sẽ rất buồn”. Cậu em nắm chặt vạt áo của anh, cũng bảo, “anh sống với ai, con sống với người ấy”. Ngồi cạnh hai con là bố mẹ chúng. Trước lời nói của các con, bố nó quay vào bảo: “Các con chỉ được chọn một…”. Còn mẹ chúng thì muốn hai con ở với nhau và chị được quyền nuôi dưỡng hai đứa…

Tuy nhiên, TAND xem xét hồ sơ liên quan, quyết định chia cho mỗi người nuôi một con. Anh nuôi con trai lớn, còn chị nuôi con trai thứ hai. Rời toà, ý kiến của hai đứa trẻ không được chấp nhận. Ánh mắt chúng ánh lên một nỗi buồn vô hạn. Chiếc ba lô, áo đồng phục học đường trong phiên toà vẫn ám ảnh mãi những người có mặt.

Một buổi sáng khác yên ắng và tĩnh lặng khác, một người phụ nữ ngồi trầm tư trước một phòng xét xử. Một lát sau, một bé gái khoảng 4 tuổi chạy đến, ôm chầm chị và gọi mẹ. Đi cạnh bé gái là một người đàn ông. Đứa bé chạy nhảy chơi đùa vui vẻ giữa các hàng ghế, để cho bố mẹ nói chuyện với nhau. Chắc nó vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra giữa cha và mẹ.

Đây là một ca thuận tình ly hôn giữa vợ - chồng. Họ vẫn dành cho nhau sự tôn trọng chứ không quát tháo, chửi bới, đổ lỗi ầm ĩ… tại tòa như một số vụ khác tôi từng chứng kiến. Tuy nhiên, chính sự tôn trọng đến lạnh lùng, khách sáo đó đã cho tôi cảm giác rằng họ đã không còn chút tình cảm nào với nhau và không thể hàn gắn được nữa. Loáng thoáng nghe giọng người vợ nói: “Con cái thì ai mà chẳng thương…”. Giọng người vợ nhỏ dần rồi im lặng. Người chồng cũng lặng im.

Phiên toà kết thúc, cháu bé được quyết định ở với bố. Đứa bé không hiểu chuyện, vẫn tung tăng nhảy chân sáo ở giữa ba mẹ nó. Ra đến cổng, người mẹ đã rời tay đứa bé ra để rẽ về một hướng khác. Đứa bé vẫn nắm lấy tay cha, leo lên chiếc SH, khuôn mặt nó vẫn hồn nhiên, tươi tắn không một chút buồn. Tôi bị ám ảnh bởi nụ cười, sự hồn nhiên và ánh mắt của đứa bé.

Dù nội quy cấm trẻ em dưới 16 tuổi tham dự, nhưng vẫn luôn xuất hiện những đứa trẻ ở nhiều phiên toà, bởi những vụ án mà chúng là người bị hại, người liên quan, thủ phạm... Sự ngây thơ của trẻ con ở chỗ đầy rẫy những tranh chấp, cãi cọ, tội phạm, hình phạt... luôn làm cho người lớn cảm thấy không khỏi nao lòng.

Không cho thăm con vì… ghét

Thuở đôi mươi, Linh là cô gái Thái Nguyên xinh đẹp, xuống Hà Nội học đại học, ngành Sư phạm mầm non. Rồi cô quen Hùng trong một chuyến đi chơi cùng nhóm bạn. Sự quan tâm, săn sóc của Hùng khiến Linh rung động. Hai người kết hôn ngay khi Linh vừa chân ướt chân ráo rời khỏi cánh cổng đại học, do cô đã mang bầu.

Kết hôn rồi, Linh mới phát hiện ra Hùng nghiện ma tuý và không có công việc ổn định. Để có tiền chích hút, Hùng cắm sổ đỏ căn nhà đang ở. Khi anh lên cơn, vợ không đưa tiền thì Hùng đe doạ. Không chịu được cảnh chồng nghiện ngập, Linh đề nghị ly hôn, ôm con về nhà mẹ đẻ sinh sống. Ban đầu, Hùng van nài vợ về. Vợ không về, anh bắt cóc con và cấm tiệt vợ không được bén mảng tới nhà mình nữa.

Vụ án ly hôn sơ thẩm được mở, TAND quận quyết định giao con cho Linh nuôi dưỡng. Tuy nhiên, Hùng không chịu thi hành án, không cho vợ đưa đón, thăm nom, chăm sóc con và làm đơn kháng cáo tranh chấp quyền nuôi con. Tại phiên toà phúc thẩm, Hùng cho rằng, vợ bỏ nhà đi thì đi một mình, còn con gái là máu mủ, dòng dõi của nhà anh, không ai được quyền mang nó đi. Toà giải thích: “Vợ chồng ly hôn, nhưng cha mẹ có nghĩa vụ chăm sóc con cái, anh không có quyền cấm đoán”.

Trước toà, Linh cũng nghẹn ngào bảo, con gái chị năm nay đã 5 tuổi. Trước đây, chị còn yên tâm cháu có bà nội chăm sóc khi bố không có nhà. Nhưng mẹ chồng chị vừa mất, Hùng lại làm bảo vệ, giờ giấc thất thường, nhà cửa cũng đã bị thế chấp, chị không yên tâm để Hùng nuôi dưỡng. Nhiều lần, chị xuống nước, để Hùng nuôi con, còn mình thăm nom hàng tháng, nhưng mỗi lần chị xuống thăm con, Hùng đều ngăn cản, thậm chí doạ giết trước mặt con gái.

“Việc tranh giành quyền thăm nuôi con của bố mẹ và nhồi vào đầu con những suy nghĩ tiêu cực về nhau sẽ tạo ra vết thương tâm lý cho con. Anh chị có nghĩ, ám ảnh bởi cuộc chiến giữa cha mẹ sẽ in hằn vào trái tim trẻ thơ, khiến cháu hổ thẹn với bạn bè, sống khép kín hơn không?” – vị chủ tọa phiên tòa hỏi. Lúc này, Hùng mới cúi mặt im lặng.

Trong một phiên xử về việc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn giữa chị N và anh T (trú tại Đống Đa, Hà Nội), rất nhiều lần chủ tọa phiên tòa phải nhắc nhở: “Quyền thăm nuôi, chăm sóc và dạy dỗ con là của cả cha và mẹ, không ai được phép tước đoạt quyền đó của người còn lại”.

Sau gần 3 năm chung sống, hai người “đường ai nấy đi”. Thay vì bù đắp thiệt thòi về tình cảm cho con khi bố mẹ ly hôn, thì hai người lại miệt mài “phân bại thắng thua” giành quyền nuôi con về mình. Suốt 5 năm qua, không biết đã bao nhiêu lần anh chị đưa nhau ra tòa giải quyết vấn đề "hậu ly hôn", khiến nhiều người không khỏi lo lắng cho tâm lý con trẻ trong cuộc phân đua của cha mẹ.

Theo chị N, ngày ly hôn, chị đồng ý cho anh T nuôi con vì gia đình chồng cam kết sẽ cho chị thực hiện quyền cấp dưỡng, thăm nuôi. Thế nhưng, chị chỉ được thực hiện quyền của mình mấy năm đầu khi cháu còn nhỏ, sau đó, anh T liên tục ngăn cản chị thăm gặp, chăm sóc và nuôi dưỡng cháu bé. Anh T còn nhắn tin tuyên bố không cho chị được đụng chạm hay gặp gỡ con dù chỉ là một phút... Thương và nhớ con quay quắt, chị phải đứng ở trước cổng trường đợi giờ ra chơi để ngắm con. Để đòi quyền được thăm và đón con, chị N đã nhiều lần làm đơn gửi cơ quan ban ngành, đoàn thể nơi anh T cư trú nhờ giải quyết, nhưng “đâu lại vào đấy”.

Chị N cũng cho biết, hơn 1 năm nay, chị chưa được gặp con. Anh T thì cho rằng: Anh chính là người chủ động đưa ra kế hoạch để tạo mọi điều kiện cho chị N thăm nom, thậm chí, cả hai còn có cam kết cho chị được đón con từ thứ 6 đến thứ 2 hàng tuần. Nhưng do chị giữ con quá lâu, vi phạm thoả thuận về thời gian, ảnh hưởng việc học của con nên chị quyết định không cho phép thăm nom nữa.

Sau khi xem xét các yếu tố có lợi cho cháu bé, Toà cấp sơ thẩm quyết định, đồng ý thay đổi quyền nuôi con, cho chị N được trực tiếp nuôi dưỡng cháu bé.

Anh T không đồng ý đã kháng cáo. Tại toà phúc thẩm, anh T nói, chị N đã từ chối quyền nuôi con khi cháu với 2,5 tuổi, một mình anh nuôi con 5 năm trời và hiện tại vẫn sống rất tốt. Còn chị N thì cho rằng, hiện nay anh T đã có vợ con riêng, lại thường xuyên phải làm ca kíp nên không đủ điều kiện chăm sóc cháu bé. Trong khi đó, chị đang độc thân, có tiền tiết kiệm và thu nhập ổn định, tôi có thể chăm sóc cháu tốt hơn.

Toà đưa ra ý kiến cháu bé: “Lâu rồi, con không được gặp mẹ. Ở nhà, con cũng không được gặp mẹ, không được mẹ đưa đi chơi và về thăm nhà ngoại”. Những lời của con trẻ gần 8 tuổi khiến cả phòng xử nín lặng, xót xa. Tòa phúc thẩm quyết định, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Những vụ án tranh giành nuôi con sau ly hôn không phải là chuyện hiếm ở các cặp vợ chồng sau khi “tan đàn xẻ nghé”. Theo chuyên gia tâm lý, tranh giành nuôi con chỉ thể hiện sự ích kỷ của cha mẹ. Cha mẹ hằn học, ghét bỏ nhau, từ đó dẫn đến cấm đoán con không được gần người còn lại. Do đó, sau ly hôn, cha mẹ hãy có hành xử thật văn minh, giúp con chấp nhận sự thật và lấp đầy khoảng trống về tình cảm, tâm lý của con khi không được ở cùng bố hoặc mẹ nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bố mẹ ly hôn và nỗi buồn của con trẻ