Bộ luật Lao động (sửa đổi): Đẩy nhanh việc mở rộng diện bao phủ BHXH

Lan Trần| 26/09/2019 18:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo ông Điều Bá Được - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam, việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này có vai trò đặc biệt quan trọng, tác động đến việc mở rộng vững chắc diện bao phủ về BHXH, hướng tới thực hiện BHXH toàn dân.

Cần tạo đột phá về nhận thức

Trả lời phỏng vấn trên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam, ông Điều Bá Được Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam đánh giá đối với Luật BHXH, việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này có vai trò đặc biệt quan trọng, tác động đến việc mở rộng vững chắc diện bao phủ về BHXH, hướng tới thực hiện BHXH toàn dân theo Nghị quyết 28-NQ/TW  ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH.

Theo ông Được,  Bộ luật Lao động sửa đổi lần này cần tập trung vào những nội dung sau:

Một là, để mở rộng vững chắc diện bao phủ vể BHXH, đặc biệt là BHXH bắt buộc thì ngay trong Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi lần này cần tạo bước đột phá trong nhận thức về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đó là mở rộng đến toàn bộ người có quan hệ lao động (có thuê mướn, sử dụng và trả lương), thay vì chỉ quy định áp dụng đối với người lao động có hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ đủ 01 tháng trở lên như trong Luật BHXH hiện hành. Bởi vì, thực tế hiện nay, quan hệ lao động có thể được thông qua HĐLĐ, hoặc có thể thoả thuận bằng văn bản, hoặc không bằng văn bản. Nếu quy định phải có HĐLĐ mới thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHXH thì vừa không phát triển BHXH hết được số lao động, lại vừa tạo “lỗ hổng” để người lao động và chủ sử dụng lao động dừng ký HĐLĐ để chuyển sang thoả thuận bằng hình thức khác để ngừng đóng BHXH. Khi đó, mục tiêu mở rộng vững chắc diện bao phủ về BHXH sẽ rất khó đạt được.

Theo tính toán, nếu bổ sung quy định bắt buộc tham gia BHXH đối với toàn bộ người có quan hệ lao động thì dự kiến sẽ có khoảng 10 triệu người tham gia BHXH trong diện này, nâng tổng số lên 25 triệu người của cả nước tham gia BHXH bắt buộc.

Bộ luật Lao động (sửa đổi): Đẩy nhanh việc mở rộng diện bao phủ BHXH

Ảnh minh họa

Đối với khu vực không có quan hệ lao động (lao động tự sản xuất, kinh doanh không thuê mướn lao động và cũng không làm thuê cho chủ sử dụng lao động khác), đây là khu vực có số lao động tương đối lớn. Việc chuyển đổi lao động giữa khu vực này với khu vực có quan hệ lao động diễn ra liên tục, vì vậy cần có quy định để đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho mọi người lao động. Cụ thể, người lao động trong khu vực không có quan hệ lao động mà có việc làm và thu nhập ổn định, đang chấp hành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định thì cần được bổ sung vào diện tham gia BHXH bắt buộc. Khi đó, theo tính toán, số lao động này sẽ làm gia tăng diện bao phủ BHXH thêm hàng triệu người.

Hai là, về vấn đề tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp: Tôi cho rằng, cần quy định thống nhất về mức đóng thấp nhất, mức đóng cao nhất đối với BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đồng thời, quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thấp nhất phải bằng 70% thu nhập thực tế của nguời lao động nhận được từ người sử dụng lao động và cao nhất không quá 20 lần mức lương tối thiểu vùng.

Ba là, về tuổi nghỉ hưu: Trước hết cần nhận thức rằng, đây là quy định về “độ tuổi hưởng lương hưu” không phải “tuổi nghỉ hưu” để phân biệt với tuổi nghề và không đồng nhất tuổi nghề với tuổi hưởng lương hưu. Điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.

BHXH Việt Nam thống nhất phương án tăng độ tuổi hưởng lương hưu đã nêu trong Dự án. Ngoài quy định độ tuổi hưởng lương hưu, Dự án cũng cần bổ sung quy định độ tuổi hưởng lương hưu xã hội cho phù hợp tương đồng (hiện nay đang quy định là 80 tuổi). Tuy nhiên, việc tăng độ tuổi hưởng lương hưu cơ bản, quy định độ tuổi hưởng lương hưu xã hội sẽ kéo theo phải sửa hàng loạt các quy định trong Luật BHXH như: Quy định giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu (hiện nay đang quy định từ đủ 20 năm); cách tính tỷ lệ hưởng, tính mức lương hưu theo nguyên tắc đóng, hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ, bền vững; điều chỉnh lương hưu; quy định hạn chế hưởng BHXH một lần; hạn chế nghỉ hưu trước tuổi …

“Bộ luật Lao động có vai trò đặc biệt quan trọng, tác động đến việc mở rộng vững chắc diện bao phủ về BHXH, hướng tới thực hiện BHXH toàn dân”, ông Được nói.

Phải bám sát tinh thần NQ28-NQ/TW

Về một số quy định trong chính sách BH thất nghiệp đã không còn phù hợp với thực tiễn cần phải được sửa đổi, bổ sung, ông Điều Bá Được cho rằng, Luật Việc làm cần quy định chặt chẽ hơn điều kiện hưởng BH thất nghiệp, công tác hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề, chuyển đổi nghề, duy trì việc làm cho người lao động khi hết tuổi nghề mà chưa đến tuổi hưởng lương hưu.

Ngoài ra, cần bổ sung quy định: Người lao động có thời gian đóng BHXH và BH thất nghiệp từ đủ 20 năm trở lên mà chưa hưởng BHXH, BH thất nghiệp bị thất nghiệp (từ 50 tuổi đối với nữ, 55 tuổi đối với nam trở lên) nhưng chưa đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định của Luật BHXH thì được quỹ BH thất nghiệp chi trả cho đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Liên quan đến vấn đề trợ cấp gia đình - một trong 9 chế độ trong Công ước 102 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về tiêu chuẩn an sinh xã hội, theo Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH, ưu tiên chăm sóc, phát triển toàn diện đối với trẻ em sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai. Mặt khác, Việt Nam đang trong thời kỳ già hóa dân số rất nhanh, dự báo đến năm 2050 cứ 4 người dân có 1 người già chiếm 25% dân số, trong đó người già đơn thân, người già là nữ chiếm tỷ trọng lớn, người già không khỏe mạnh yêu cầu chăm sóc đặt ra ngày càng nhiều. Việc chăm sóc người già hiện nay và trong tương lai đang đặt ra sự cần  thiết phải thiết kế bổ sung chế độ ngay từ bây giờ bởi thiết chế gia đình truyền thống có sự thay đổi việc chăm sóc của con cái đối với bố mẹ ngày càng ít thay vào đó việc cung ứng dịch vụ chăm sóc người già sẽ phát triển. Vì vậy, việc bổ sung chế độ trợ cấp gia đình vào hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam đối với trẻ em và người già là yêu cầu cần thiết và cần được nghiên cứu bổ sung, tích hợp vào chế độ ốm đau, thai sản, BHYT.

Ngoài người già và trẻ em, Luật cũng cần nghiên cứu đề xuất thêm chế độ trợ cấp gia đình tập trung vào việc chăm sóc cả đối với người bị TNLĐ, BNN cần phục hồi chức năng hoặc cần người phục vụ.

Trợ cấp gia đình sẽ được bổ sung và tích hợp vào chế độ BHYT, chế độ ốm đau, thai sản trong BHXH bắt buộc với đề xuất mức đóng như sau: Mức đóng góp trên nền đóng BHYT hiên nay 4,5% + 3% dành cho ốm đau, thai sản dự kiến đóng thêm từ 1 - 3% để chi cho chăm sóc trẻ em và chăm sóc người già. Nội dung chi: ngoài chế độ BHYT, trẻ em từ 0 - 15 tuổi khi ốm đau hoặc người già cần phải chăm sóc thì bố hoặc mẹ (đối với con ốm đau) hoặc con (đối với người già) phải nghỉ việc để chăm sóc thì sẽ được quỹ bảo hiểm sức khỏe thanh toán bù đắp khoản tiền lương khi người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con ốm hoặc chăm sóc người già. Mức chi cụ thể sẽ được tính toán đề xuất phù hợp với nguyên tắc đóng, hưởng, nguyên tắc chia sẻ đối với người bị TNLĐ, BNN phải cần phục hồi chức năng hoặc cần người phục vụ. Mức cụ thể sẽ được nghiên cứu tính toán đề xuất cụ thể sau.  

“Các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành phải bám sát tinh thần NQ28-NQ/TW và Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) lần này với nhiều nội dung mới và rất phức tạp nên cần phải chủ động xây dựng kế hoạch khẩn trương triển khai thực hiện”, ông Được nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ luật Lao động (sửa đổi): Đẩy nhanh việc mở rộng diện bao phủ BHXH