Bộ GD-ĐT sẽ sớm ban hành hướng dẫn đánh giá học sinh lớp 1 theo chương trình mới

Đặng Hà| 21/12/2019 17:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo Hướng dẫn đánh giá học sinh lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hiện nay, việc đánh giá học sinh tiểu học được thực hiện theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT và Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư  30. Hai thông tư này đã đánh giá học sinh theo định hướng năng lực, kết hợp đánh giá thường xuyên với đánh giá định kỳ.

Qua 5 năm triển khai, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài đánh giá, hai Thông tư đã phát huy hiệu quả, công tác đánh giá học sinh tiểu học có nhiều kết quả tích cực, bước đầu tạo chuyển biến trong nhận thức về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực.

“Khác chương trình hiện hành coi sách giáo khoa là pháp lệnh và nội dung trong sách giáo khoa là duy nhất để giáo viên kiểm tra, đánh giá học sinh; chương trình GDPT mới sẽ đánh giá học sinh theo các chuẩn đầu ra về năng lực, phẩm chất. Việc đánh giá được bám sát vào yêu cầu cần đạt của chương trình chứ không phải yêu cầu kiến thức cụ thể trong sách giáo khoa” - Ông Thái Văn Tài nói.

Bộ GD-ĐT sẽ sớm ban hành hướng dẫn đánh giá học sinh lớp 1 theo chương trình mới

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ chia sẻ tại hội thảo.

Hướng dẫn đánh giá học sinh lớp 1 theo chương trình GDPT mới, đang được Bộ GD-ĐT xây dựng. Nội dung cốt lõi của hướng dẫn này là đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ của học sinh theo yêu cầu cần đạt về các phẩm chất, năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và chương trình từng môn học lớp 1 thông qua quá trình học tập từng môn học; đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi của học sinh được quy định trong chương trình tổng thể - chương trình GDPT 2018.

Đề tài nghiên cứu cấp quốc gia là “Đánh giá học sinh tiểu học theo tiếp cận năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông”, cũng được Bộ GDĐT chỉ đạo triển khai, nhằm đưa ra những công cụ hỗ trợ việc đánh giá học sinh đạt hiệu quả.

“Nhóm nghiên cứu đã xây dựng các khung chuẩn đánh giá năng lực, phẩm chất cho học sinh lớp 1, gồm các khung chuẩn chung và khung năng lực, phẩm chất đặc thù. Theo đó, mỗi phẩm chất, năng lực sẽ gồm một số tiêu chí và mỗi tiêu chí được cụ thể hoá thành một số chỉ báo; mỗi chỉ báo sẽ xác định bằng những biểu hiện hành vi đặc trưng, cốt lõi nhất. Dựa trên những khung phẩm chất, năng lực này, giáo viên sẽ có bảng tham chiếu, để biết từng học sinh mạnh gì - yếu gì, đã đạt được những yêu cầu nào của chương trình - cái nào dưới mức chuẩn; để từ đó hỗ trợ các em và điều chỉnh hoạt động dạy học” - PGS.TS Nguyễn Công Khanh chủ nhiệm đề tài nói.

Tại hội thảo, đại diện các Sở/Phòng GD-ĐT, hiệu trưởng trường tiểu học và giáo viên đã trao đổi, góp ý để hoàn thiện bộ công cụ hỗ trợ việc đánh giá học sinh theo chương trình mới.

Nói về việc đánh giá học sinh vừa có tác động đánh giá thực trạng chất lượng giáo dục, vừa giúp điều chỉnh quá trình dạy và học để đạt hiệu quả tốt; vì thế Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác dạy học. Với học sinh tiểu học, việc đánh giá càng cần được các giáo viên, nhà trường chú trọng hơn, để giúp hình thành phẩm chất, năng lực cho các em; việc khen hay chê phải đúng mực, phù hợp, để tạo thành động lực khuyến khích học trò tiến bộ. “Việc đánh giá phải vì sự tiến bộ của mỗi học sinh” - Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, với lớp 1-2-3 cần chú trọng đánh giá thường xuyên theo tiến trình học tập, rèn luyện của học sinh. Để làm được điều này, giáo viên phải quan tâm, sát sao với từng học trò để biết được năng lực, phẩm chất thực tế của mỗi em và từ đó có sự hỗ trợ kịp thời giúp học sinh tiến bộ. Kết hợp với việc đánh giá định kỳ, cách làm này cũng khắc phục được hạn chế “thiếu toàn diện, đôi khi không đúng với năng lực thực tế của người học” của việc chỉ đánh giá học sinh qua điểm số bài kiểm tra. 

Việc đánh giá học sinh tiểu học theo chương trình GDPT mới sẽ kế thừa những ưu điểm đã được thực chứng của cách đánh giá học sinh theo Thông tư 30, Thông tư 22 đang áp dụng hiện nay, có bổ sung những điểm mới để đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra về phẩm chất, năng lực của chương trình. Bộ GD-ĐT sẽ sớm ban hành Hướng dẫn đánh giá học sinh lớp 1 theo chương trình GDPT mới, giúp các nhà trường, giáo viên đánh giá học sinh được hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ GD-ĐT sẽ sớm ban hành hướng dẫn đánh giá học sinh lớp 1 theo chương trình mới