Bộ trưởng Công Thương yêu cầu quản lý thị trường kiểm tra việc găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu, trường hợp vi phạm có thể bị đề nghị tước giấy phép.
Yêu cầu này được Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra trong chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường, các cục, vụ hôm nay (28/1), trước hiện tượng thị trường xuất hiện một số đơn vị xăng dầu có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm sau khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất.
Theo đó, ông yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, có phương án, kế hoạch phối hợp cùng các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu.
Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm, ông Diên yêu cầu xử lý nghiêm và có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu và kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép.
Vụ Thị trường trong nước được giao phối hợp với lực lượng quản lý thị trường trong quá trình xử lý các vụ việc liên quan đến giấy phép xăng dầu của Bộ Công Thương cấp theo thẩm quyền.
Trước đó, trả lời VnExpress ngày 25/1, đại diện Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cho biết đang gặp những khó khăn về tài chính và đang làm việc tích cực với các bên liên quan để có phương án giải quyết, đưa nhà máy sớm trở lại hoạt động bình thường.
Nhà máy này đang giảm công suất từ 105% xuống 80%. Tuy nhiên nếu tình hình tài chính không được các bên liên quan tháo gỡ, Lọc dầu Nghi Sơn có thể phải tạm dừng hoạt động từ giữa tháng 2 tới. Với tỷ trọng chiếm 35% thị phần, việc Nghi Sơn giảm công suất và có thể dừng sản xuất sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước. Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết đang tích cực tìm nguồn bổ sung, một số đã ký được hợp đồng với nhà cung ứng nước ngoài.
Lý do phải giảm công suất do Tập đoàn Dầu khí (PVN) chưa phê duyệt gia hạn thoả thuận (RPA) và thanh toán sớm hợp đồng FPOA. Nhà máy buộc phải huỷ 2 chuyến tàu nhập dầu thô về sản xuất trong tháng 1 và đối diện nguy cơ dừng hoạt động từ giữa tháng 2 tới.
Tuy nhiên, trong thông tin phát đi chiều 26/1, PVN khẳng định, việc nhà máy tự ý huỷ nhập 2 chuyến tàu dầu thô dẫn đến nguy cơ dừng hoạt động "hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Ban điều hành nhà máy, không liên quan tới việc phê duyệt gia hạn RPA và thanh toán sớm hợp đồng FPOA". Việc này cũng được quy định trong điều lệ của công ty này.