Đó là phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an chiều nay 27/8.
Tham gia đoàn công tác có Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội.
Buổi làm việc diễn ra ít ngày sau khi Đại hội đồng liên nghị viện các nước ASEAN lần thứ 42 (AIPA) vừa kết thúc ít ngày với thông điệp về một ASEAN coi trọng chuyển đổi số và phát triển kinh tế số nhằm mở rộng không gian phát triển, thích ứng với các vấn đề toàn cầu như đại dịch Covid-19.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt 2 dự án (dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân), Bộ Công an đã khẩn trương triển khai thực hiện. Bộ Công an cũng đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, bảo đảm sự đồng bộ, giảm được gần 1.300 tỷ đồng so với dự toán ban đầu; chủ động đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc giám sát ngay từ đầu, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tiêu cực, làm thất thoát, lãng phí kinh phí đầu tư của Nhà nước.
Các ứng dụng trên nền tảng của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bước đầu đem lại hiệu quả như: triển khai hệ thống phần mềm quản lý công dân vùng dịch và phần mềm tiêm vaccine phòng Covid – 19; xây dựng chức năng khai thác thông tin dân cư trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định được đúng đối tượng, số lần hỗ trợ, xác nhận lĩnh trợ cấp tại nơi cư trú theo các nghị quyết của Chính phủ.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong 6 cơ sở dữ liệu lớn kết nối liên thông của quốc gia được Thủ tướng Chính phủ quyết định ưu tiên triển khai từ năm 2015, đồng thời cũng là dữ liệu cốt lõi, nền tảng để xây dựng, phát triển Chính phủ số, Quốc hội số, cải cách hành chính, phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển của người dân và doanh nghiệp.
Từ tháng 3/2020, với tinh thần khẩn trương, cấp bách, Bộ Công an đã triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, Bộ Công an, Cục C06 và Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư và hoàn thành vào tháng 7 vừa qua. Trong quá trình thực hiện, Bộ Công an đã giảm được mức dự toán so với ban đầu gần 1.300 tỷ đồng.
Đến nay, tổng số nhân khẩu trên toàn quốc qua rà soát trong Cơ sở dữ liệu dân cư là hơn 98 triệu với nhiều trường dữ liệu khác nhau, được cập nhật thường xuyên, bảo đảm các tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”. Đây là bộ dữ liệu đặc biệt quan trọng, để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia, giúp Đảng, Nhà nước nắm chắc tình hình dân cư, phục vụ ban hành chủ trương, hoạch định chính sách về phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước trong giai đoạn tới.
Đặc biệt, Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đã phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 như triển khai phần mềm quản lý dân cư vùng dịch, góp phần khoanh vùng dập dịch nhanh chóng, xác thực thông tin dân cư để triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội nhanh chóng, chính xác nhất.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ với những nỗ lực và hy sinh của lực lượng công an cả nước đang ở tuyến đầu phòng, chống Covid-19 và bảo đảm an ninh trật tự xã hội cho nhân dân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã gây ra các tác động chưa từng có và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra sâu rộng, việc đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ là một xu thế tất yếu. Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trên tất các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.
Tại Đại hội đồng AIPA-42 vừa diễn ra, nước chủ nhà Brunei cũng đã chọn chủ đề chuyển đổi số. Dịch Covid-19 bùng phát cũng là 1 chất xúc tác để đẩy mạnh chuyển đổi số, nhờ vậy có những nước trên thế giới, như Hoa Kỳ kinh tế số, kinh tế tri thức tăng gấp 7 lần giá trị trong 2020. Các nước cũng rất quan tâm chuyển đổi số để hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19, phát triển kinh tế hậu đại dịch.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội đang xây dựng Quốc hội điện tử, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của Quốc hội. Chính phủ đang xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đẩy mạnh cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế-xã hội. Muốn thực hiện được điều này thì phải có các cơ sở dữ liệu lớn kết nối, liên thông với nhau. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cốt lõi và nền tảng của các cơ sở dữ liệu lớn.
Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá: Việc hoàn thành dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đúng mục tiêu đề ra vào tháng 7/2021 là thành tích rất ấn tượng, có thể xem là bài học điển hình về đầu tư công hiện nay.
Luật Căn cước công dân quy định, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản quốc gia. Do vậy, cần quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy tối đa giá trị của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh kết nối, liên thông, tương tác và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến giữa Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan quản lý khác, các tổ chức chính trị, xã hội liên quan, đồng thời kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh phục vụ quản lý nhà nước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng phải nhằm mục tiêu phục vụ nhân dân được tốt hơn. Do đó, cần nghiên cứu triển khai các ứng dụng để khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện để họ được hưởng những tiện ích do khoa học, công nghệ mang lại thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến công dân, doanh nghiệp, giảm tối đa phiền hà, lãng phí về thời gian, công sức, chi phí xã hội trong thực thi các nhiệm vụ, các thủ tục… Tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Cư trú (sửa đổi), chuẩn bị tốt cho việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang quản lý bằng điện tử thông qua mã số định danh cá nhân, bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội cũng giao các cơ quan của Quốc hội phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu các tiện ích của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tham mưu, phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Quốc hội trong lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia.