UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2024, tỉnh sẽ tập trung khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Chiều 23/7, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức Họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội, cung cấp nhiều nội dung các cơ quan báo chí quan tâm.
Theo đó, tỉnh tiếp tục giữ mức tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023, đứng vị trí thứ 21/63 tỉnh, thành phố cả nước; đứng thứ 6/14 tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp và thủy sản (từ 24,63% tháng 6/2023 xuống còn 22,62% tháng 6/2024) và tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ (từ 75,37% tháng 6/2023 lên 77,38% tháng 6/2024).
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tăng 12,99% (6/2023 tăng 1,21%) chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng mạnh của ngành sản xuất và phân phối điện (tăng 17,1%) do hoạt động ổn định của các nhà máy nhiệt điện. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo dần phục hồi với mức tăng 2,98% (6/2023 giảm 6,81%).
Hoạt động du lịch diễn ra sôi động với nhiều lễ hội và sự kiện thể thao. Điểm nổi bật là khu Novaworld Phan Thiết với nhiều khu vui chơi quy mô lớn đưa vào hoạt động, thu hút lượng khách du lịch tăng so với cùng kỳ. Toàn tỉnh đón 4,59 triệu lượt khách (tăng 5,01% so cùng kỳ), trong đó khách quốc tế tăng 91,2%; doanh thu từ hoạt động du lịch 11.832 tỷ đồng, tăng 4,3%.
Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định; tiếp tục khắc phục tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU theo ý kiến kết luận của Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu; các chính sách hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện tốt.
Hoạt động thương mại và dịch vụ phát triển ổn định, thị trường hàng hóa đa dạng, sức mua tăng, giá cả ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng ước đạt 53.452 tỷ đồng, đạt 50,03% kế hoạch, tăng 16% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 423,9 triệu USD, tăng 4,78% so cùng kỳ...
Bên kết quả đạt được, tỉnh Bình Thuận nhìn nhận địa phương còn tồn tại một số hạn chế: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn gặp khó khăn. Số lượng doanh nghiệp giải thể tăng so cùng kỳ năm 2023.
Đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp đạt thấp. Dịch vụ du lịch tiếp tục có mức tăng trưởng nhưng không đồng đều giữa khách trong nước và khách quốc tế.
Chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp còn thấp (thể hiện qua việc kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản và nông sản đạt thấp so với kế hoạch năm 2024 và cùng kỳ).
Công tác giải ngân kế hoạch đầu công còn thấp. Nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước còn vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất; công tác chuẩn bị đầu tư vẫn còn chậm; thu ngân sách từ tiền sử dụng đất còn thấp, ảnh hưởng đến chi đầu tư xây dựng cơ bản.
Việc quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, trật tự đô thị còn có mặt yếu kém; tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán, tiêu thụ khoáng sản trái phép, lấn chiếm đất công, đất dự án, xây dựng trái phép, không phép còn diễn biến phức tạp;
Cải cách hành chính tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn chưa thật sự quyết liệt, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Tiến độ triển khai công tác sắp xếp hệ thống đơn vị hành chính cấp xã còn chậm.
Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có lãnh đạo, quản lý có biểu hiện sợ sai, sợ trách nhiệm và có dấu hiệu lây lan từ một số lĩnh vực nhạy cảm sang các lĩnh vực khác...
Để hoàn thành chỉ tiêu kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định sẽ tập trung thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, Bình Thuận sẽ phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, nhất là 3 chỉ tiêu: Tăng trưởng GRDP, thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công; thường xuyên rà soát các dự án đầu tư ngoài ngân sách để kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho dự án, tạo điều kiện thuận lợi nhất để dự án sớm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh;
Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện, thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực theo hướng phát triển 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh sẽ tích cực hưởng ứng đợt thi đua nước rút 6 tháng cuối năm để hoàn thành đạt 95% giải ngân vốn đầu tư công năm 2024; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, tạo ra đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Cảng hàng không Phan Thiết, đường ĐT.719 (đoạn Kê Gà - Tân Thiện), đường ĐT.719B (đoạn Phan Thiết - Kê Gà), đường ĐT.719B (đoạn Hòn Lan - Tân Hải), kè sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm), công viên sinh thái ngập nước Hùng Vương, hồ chứa nước Ka Pét, chung cư sông Cà Ty;
UBND tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh sẽ tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, khoáng sản, môi trường; kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai, chậm triển khai theo quy định, không để lãng phí nguồn lực đất đai; triển khai kịp thời Luật Đất đai năm 2024, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định thuộc thẩm quyền của tỉnh về quy hoạch, đất đai, môi trường, xây dựng...
Tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, cải thiện và nâng cao các chỉ số xếp hạng cải cách hành chính, các chỉ số PCI, Par Index, Papi, Sipas, nhất là rà soát rút ngắn quy trình, đề xuất giảm giấy tờ hành chính gây cản trở đến hoạt động sản xuất kinh doanh, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thực thi công vụ.