Bình Dương: Lỗi chậm bồi thường sao bắt dân phải chịu thiệt?

Văn Vũ| 16/05/2018 16:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bị điều chỉnh bởi Dự án Đại học Quốc gia TP HCM nhưng gia đình ông Phạm Văn Nghệ bị ban bồi thường “bỏ sót”. Sau đó nhà đất này bị thu hồi nhưng áp giá bồi thường theo giá đất của 10 năm về trước.

Áp giá bồi thường theo đơn giá trước đó 10 năm?

Năm 2003, UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định 4653 về thu hồi gần 300ha đất của người dân ở huyện Dĩ An để phục vụ dự án Đại học Quốc gia TP HCM. Cùng năm này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định 1969 về đơn giá bồi thường đất và tài sản tại dự án này.

Theo đó, vị trí đất thổ cư nằm cách quốc lộ 1A từ 51 đến 100m có giá là 550 ngàn đồng/m2. Nếu là đất chuyên dùng thì được tính theo giá đất ở. Hàng trăm hộ dân đã được thông báo nhận tiền và nhường đất lại cho dự án.

Hộ ông Phạm Văn Nghệ (SN 1955), ngụ khu phố Tân Lập, phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An có gần 10.000m2 đất chuyên dùng (được tỉnh Bình Dương cấp GCNQSDĐ năm 1992) cũng bị điều chỉnh bởi dự án, nhưng không hiểu vì lý do gì lại không nhận được thông báo bồi thường.

Bình Dương: Lỗi chậm bồi thường sao bắt dân phải chịu thiệt?

Ông Nghệ đứng trước nhà đất của mình.

Mãi đến cuối năm 2009, UBND thị xã Dĩ An mới công bố tiền bồi thường đối với tài sản trên đất cho ông Nghệ với số tiền gần 600 triệu đồng.

Trước tình cảnh trớ trêu này, gia đình ông Nghệ vô cùng bức xúc vì bỗng nhiên chỉ được bồi thường tài sản trên đất, còn gần 10.000m2 “đất vàng” thì không thấy “đả động” gì nên ông Nghệ làm đơn kêu cứu khắp nơi.

Chờ mỏi mòn, vào cuối năm 2012, ông Nghệ mới được UBND thị xã Dĩ An ra Quyết định 7624 về việc công bố tiền bồi thường đất. Điều tréo ngoe là chỉ được bồi thường hơn 3 tỷ đồng cho gần 10.000m2 “đất vàng”, trong khi đó giá thị trường thời điểm này lên tới cả trăm tỷ đồng.

Sở dĩ bồi thường 3 tỷ đồng là vì UBND thị xã Dĩ An tính toán theo hệ số 0.6 áp dụng cho đường không tên nhân với mốc giá 550 ngàn đồng/m2 trong Quyết định áp giá bồi thường mà UBND tỉnh Bình Dương ban hành từ năm 2003 (cách đó gần 10 năm).

Không những không được áp nguyên giá với thời điểm cách đó 10 năm, mà còn bị giảm gần một nửa, nên ông Nghệ tiếp tục kêu cứu, yêu cầu phải bồi thường theo giá thị trường tại thời điểm ra quyết định bồi thường là 13,5 triệu đồng/m2. Sau thời gian xem xét, các cơ quan chức năng đã họp bàn và thống nhất quyết định áp dụng nguyên giá của năm 2003 là 550 ngàn đồng/m2 cho gia đình ông Nghệ. Vậy là gần 1ha “đất vàng” của ông được bồi thường hơn 5 tỷ đồng (chỉ bằng khoảng 1/20 so với giá trị tại thời điểm đó).

Thấy quá bất công vì đất xung quanh vào thời điểm đó bán với giá hơn chục triệu đồng mỗi mét, nhưng chính quyền lại lấy giá cách đó 10 năm để tính cho mình một cách quá rẻ mạt nên ông Nghệ tiếp tục đi đòi công lý. Tuy nhiên thị xã và tỉnh đều bác đơn vì cho rằng cách tính này là đúng vì đất của ông nằm trên đường không tên nên phải tính với mức giá thấp nhất.

Ông Nghệ cho biết, con đường này rộng tới 12m có từ trước năm 1975 và được phía TP HCM tráng nhựa từ năm 1998. Trước đây đường này có tên là đường 621 (đoạn 621 thuộc TP HCM), nay đường này được đặt lại là đường Trục Trung Tâm.

Bình Dương: Lỗi chậm bồi thường sao bắt dân phải chịu thiệt?

Khu đất của gia đình ông Nghệ.

“Gia đình tôi luôn ủng hộ và thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, việc gì cũng phải có tình, có lý, chứ không phải địa phương muốn làm gì thì làm. Nếu vào thời điểm năm 2003, sau khi có quyết định thu hồi đất và áp giá bồi thường đất để làm dự án này mà giao tiền thì gia đình đã đi lâu rồi. Thế nhưng không có ai thông báo, kêu tôi lấy tiền cả, mà sau đó nhiều năm gia đình tôi vẫn tiếp tục đóng thuế. Sau này tôi xây dựng nhà trọ trên đất cũng chẳng ai nói gì. Vậy là lỗi hoàn toàn thuộc về họ”, ông Nghệ cho biết.

Cần giải quyết thấu tình đạt lý

Nhiều năm qua, công cuộc “kêu cứu” của gia đình ông Nghệ vẫn tiếp diễn từ địa phương tới trung ương. Các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương đã nhiều lần mời gia đình ông làm việc, nhưng vẫn khăng khăng cho rằng mình đã làm đúng, mà không chịu nhìn nhận trách nhiệm của mình với người dân. Nếu điều đó vượt quá thẩm quyền thì họ cần kiến nghị lên cấp cao hơn để giải quyết thấu tình, đạt lý cho người dân.

Một vấn đề đặt ra: Việc chậm bồi thường là lỗi của cơ quan có thẩm quyền, gia đình ông Nghệ không có lỗi. Giá đất tại thời điểm bồi thường cho ông Nghệ khác xa giá đất trước đây đã bồi thường nhưng vẫn áp giá đền bù cũ. Vậy cán bộ làm công tác bồi thường đã làm hết trách nhiệm hay chưa?

Bình Dương: Lỗi chậm bồi thường sao bắt dân phải chịu thiệt?

Ông Nghệ trình bày sự việc

Mới đây, Chủ tịch UBND thị xã Dĩ An đã ra quyết định cưỡng chế với hộ gia đình ông Nghệ. Tuy nhiên, quyết định này không hề có thời gian cưỡng chế cụ thể nào càng khiến gia đình ông Nghệ hoang mang, ấm ức hơn bao giờ hết.

Nói về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng: Trong trường hợp này, việc chậm bồi thường không phải do ông Nghệ, thế nhưng các cơ quan chức năng lại căn cứ vào ý thứ nhất tại khoản 4 Điều 39 Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ để áp giá cách đó gần 10 năm là chưa chính xác, mà cần phải  căn cứ vào ý thứ 2 của khoản 4 Điều 39 Nghị định này mới đúng, vì trong trường hợp này lỗi thuộc về cơ quan chức năng.

Về vấn đề cưỡng chế, Luật sư Kiều Hưng cho rằng, theo quy định của pháp luật thì trong hồ sơ cưỡng chế phải có quyết định thu hồi đất, nhưng UBND thị xã Dĩ An không giao cho ông Nghệ. Cơ quan này cũng chưa tiến hành đo đạc lại diện tích thực tế đất mà gia đình ông Nghệ đang quản lý, sử dụng là trái với quy định của pháp luật.

Để tránh thiệt thòi và bức xúc cho người dân, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, xem xét việc bồi thường cho người dân một cách thấu đáo, công bằng.

Cụ thể, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP quy định, “Trường hợp bồi thường chậm do cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường gây ra mà giá đất tại thời điểm bồi thường do UBND cấp tỉnh công bố cao hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm trả tiền bồi thường; nếu giá đất tại thời điểm bồi thường thấp hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương: Lỗi chậm bồi thường sao bắt dân phải chịu thiệt?