Bình Định: Xử lý hơn 1.500 trường hợp xây dựng trái phép

Đức Hồ| 04/03/2023 19:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thành ủy Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã có chủ trương, cắm mốc núi Vũng Chua, Bà Hỏa… Nếu có công trình trái phép mọc sau mốc, thì lãnh đạo các đơn vị địa phương, Phòng quản lý đô thị, Đội trật tự đô thị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố.

Ngày 4/3, ông Đoàn Thanh Bình – Đội trưởng Đội trật tự đô thị thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết, UBND TP.Quy Nhơn đã yêu cầu cơ quan chức năng, phải khẩn trương xử lý tình trạng xây dựng trái phép trên địa bàn, đặc biệt ở những địa phương đang nổi cộm.

Theo ông Bình, nguyên nhân dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép là do các đối tượng cò đất lừa đảo người dân không có nhà cửa mua đất không được phép xây dựng để cất nhà tạm. Ngoài ra, nhiều trường hợp có tâm lý muốn xây dựng ở, để chờ đền bù giải toả.

Bình Định: Xử lý hơn 1.500 trường hợp xây dựng trái phép

Lực lượng chức năng cưỡng chế, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, Bình Định.

Trong năm 2022, Đội trật tự đô thị thành phố Quy Nhơn đã ra quân quyết liệt, kiểm tra, xử lý trên lĩnh vực đất đai, xây dựng 1.532 trường hợp.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do UBND thành phố Quy Nhơn ban hành là 198 trường hợp với số tiền hơn 3,9 tỷ đồng. Trong đó, có 158 trường hợp chấp hành nộp phạt với số tiền hơn 3,3 tỷ đồng (tỷ lệ chấp hành nộp phạt 79,8%).

“Những công trình xây dựng trái phép mới thì chúng tôi kịp thời xử lý, việc này được HĐND thành phố kiểm tra giám sát, báo cáo trực tiếp cho Thanh tra Sở Xây dựng”, ông Bình cho hay.

Ông Bình cho biết, lực lượng của Đội trật tự đô thị thành phố Quy Nhơn hiện nay không đủ nguồn nhân lực để phục vụ việc chống lấn chiếm đất đai.

Bởi theo chỉ tiêu của thành phố giao 74 người thì đội chỉ còn 57 người. Lý do, trách nhiệm được giao quá nhiều, thu nhập viên chức thấp, áp lực công việc nên đa số cán bộ không đảm đương nổi nên xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác.

Ngoài ra, lực lượng trực tiếp cưỡng chế đa số trên 40 tuổi dẫn đến công việc gặp hạn chế. Lực lượng hỗ trợ cưỡng chế thì các UBND phường, xã phải điều động các ngành hội đoàn thể… rất mất thời gian do phải làm kế hoạch nên trong quá trình cưỡng chế nhanh cũng bị hạn chế.

“Hiện nay, các đối tượng xây dựng trái phép còn đối phó bằng cách làm ngoài giờ, đưa những đối tượng bảo trợ xã hội, người già người mang thai… nằm trong công trình cưỡng chế.

Lực lượng của Đội bị đe doạ hành hung, chống đối là thường xuyên. Mình không thể nào đối đầu với dân nhưng phải làm công tác dân vận mềm, vận động hợp lý”, ông Bình nói.

Hiện nay, thành phố Quy Nhơn đã thực hiện gắn camera giám sát, nơi nào xây dựng trái phép nổi cộm thì địa phương phải kịp thời, báo cáo xử lý.

Ngoài ra, Thành ủy Quy Nhơn đã có chủ trương giao Ban công ích Phòng quản lý đô thị, Đội trật tự đô thị thành phố tiến hành khảo sát toàn bộ ranh giới, cắm mốc núi Vũng Chua, Bà Hỏa…, nếu có công trình mọc sau mốc thì lãnh đạo các đơn vị địa phương, Phòng quản lý đô thị, Đội trật tự đô thị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Xử lý hơn 1.500 trường hợp xây dựng trái phép