Ngày 26/9, UBND tỉnh Bình Định cho biết, đã có báo cáo gửi Thường trực HĐND tỉnh về kết quả thực hiện ý kiến chất vấn của Thường trực HĐNĐ tỉnh tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XIII về tình hình sử dụng lao động; thu, chi tài chính của Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định từ năm 2021 đến tháng 6 năm 2024.
Theo UBND tỉnh Bình Định, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định được UBND tỉnh giao quản lý, vận hành khai thác 63 hồ chứa nước, 46 đập dâng, 10 trạm bơm nước tưới, tiêu, 1.371km kênh mương các loại và hơn 6.000 công trình trên kênh.
Hàng năm được UBND tỉnh Bình Định đặt hàng tưới, tiêu khoảng 76.000 ha/năm cho cây lúa, màu, cấp nước nuôi trồng thủy sản trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bình Định. Thực hiện cấp nước cho công nghiệp, kết hợp phát điện, cấp nước thô sản xuất nước sạch sinh hoạt.
Về tình hình sử dụng lao động, năm 2021: 384 lao động, năm 2022: 400 lao động, năm 2023: 388 lao động và năm 2024: 386 lao động. Tổng số lao động có mặt đến ngày 31/7/2024, là 379 người/386 người, số lao động chưa sử dụng 7 người, giảm 14 lao động so với năm 2022.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang, nguồn thu (doanh thu) hàng năm của công ty chủ yếu từ nguồn ngân sách Trung ương cấp hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi (nguồn thu này cố định từ năm 2012) và một phần nguồn thu từ sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác.
Công tác thu, chi tài chính hàng năm rõ ràng, minh bạch. Kết thúc năm tài chính, trên cơ sở báo cáo quyết toán năm và báo cáo kết quả của Kiểm toán độc lập, công ty được Sở Tài chính thẩm tra quyết toán và trình UBND tỉnh Bình Định phê duyệt.
Tuy nhiên, ông Lâm Hải Giang cho biết, từ năm 2021 đến nay, trong quá trình thực hiện về chính sách lao động, tiền lương, bố trí kinh phí cho nhiệm vụ sửa chữa thường xuyên công trình thủy lợi gặp một số tồn tại, khó khăn.
Theo đó, năm 2020, thực hiện phân cấp quản lý công trình thủy lợi của UBND tỉnh Bình Định, Công ty nhận quản lý thêm nhiều hệ thống công trình (gồm 48 hồ chứa; 15 đập dâng; 4 trạm bơm, hơn 300km kênh) nhưng diện tích tưới tiêu do các công trình này đảm nhận rất ít (khoảng 18.300 ha/năm).
Các năm vừa qua, công ty sử dụng lao động theo định mức lao động được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt từ năm 2020 là 2,14 công/ha/năm (định mức này tính theo diện tích tưới tiêu - không tính theo số lượng công trình dược giao quản lý).
Với mức giá hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi hiện nay ngang bằng mức thủy lợi phí tại Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012 của Chính phủ (cách đây 12 năm).
“Trong khi chế độ tiền lương người lao động, các khoản phải nộp theo lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo biểm thất nghiệp) tăng theo lộ trình quy định của Chính phủ. Các khoản chi phí khác về vật tư, nhiên vật liệu, điện vận hành công trình, bơm nước tưới tiêu... cũng đều tăng, nên nguồn kinh phí hoạt động gặp khó khăn”, ông Lâm Hải Giang cho hay.
Ngoài ra, hệ thống công trình thủy lợi hầu hết được xây dựng và đưa vào sử dụng từ nhiều năm trước, qua quá trình vận hành khai thác lâu dài, dưới sự tác động của môi trường thiên nhiên, nhất là biến đổi khí hậu khắc nghiệt và thiên tai, nhiều công trình, bộ phận công trình trên hệ thống bị hư hỏng, xuống cấp. Gây khó khăn trong vận hành tưới tiêu, thất thoát lượng nước tưới, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, mất an toàn công trình, nhất là trong mùa mưa lũ.
Thế nhưng, vì chưa có nguồn kinh phí để kịp thời sửa chữa, nâng cấp nên các công trình ngày càng hư hỏng, xuống cấp.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu lãnh đạo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định nghiên cứu, đổi mới mô hình quản lý, cách thức quản trị để tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các bộ phận từ hành chính của văn phòng đến các xí nghiệp gắn với vị trí việc làm của công ty, để giảm số lượng người lao động, tinh gọn).
Tăng cường công tác quản lý lao động, rà soát bố trí lao động (ký hợp đồng lao động) phù hợp với vị trí việc làm và có kế hoạch tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về trình độ kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để người lao động thực hiện công tác hiệu quả.
Nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, quan trắc, vận hành các công trình thủy lợi để tiết kiệm lao động, giảm chi phí, tiết kiệm nguồn nước.
Xây dựng Đề án Duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên công trình do công ty làm chủ thể khai thác trình cấp có thẩm quyền, phê duyệt để thực hiện.
“Có giải pháp tăng thu từ các nguồn thu cung ứng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác và nguồn thu khác. Khai thác đa mục tiêu các công trình thủy lợi như: phát điện, nuôi cá trong lòng hồ, cấp nước thô cho các dự án sản xuất, nhà máy nước sạch”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan thẩm định Đề án duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên công trình do công ty làm chủ thể khai thác, báo cáo UBND tỉnh.
Rà soát tổng thể hệ thống kênh mương trên địa bàn tỉnh, đề xuất việc phân cấp quản lý bảo đảm theo quy định và phù hợp với điều kiện thực tế, tham mưu thực hiện kiên cố hóa hệ thống kênh mương do công ty làm chủ thể khai thác.
Giao Sở Tài chính, phối hợp thẩm định Đề án duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên công trình do Công ty quản lý vận hành, đề xuất nguồn kính phí thực hiện, báo cáo UBND tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh triển khai các dự án đầu tư công để sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, kênh mương phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp theo quy định.