Đời sống

Bình Định: Bất cập từ những tòa nhà ở nội thành Quy Nhơn

Đức Hồ 14/07/2023 21:54

Chiều 14/7, Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 bước vào ngày làm việc cuối cùng với phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi, đề cập đến nhiều vấn đề nóng được dư luận quan tâm.

Đa số các đại biểu đánh giá sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh Bình Định ban hành Chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2022-2026, kết quả chỉ mới thực hiện được trên địa bàn 2 huyện Tây Sơn và Hoài Ân, nhưng hiệu quả đạt được không cao.

Một trong những nguyên nhân chính là, Nghị quyết được ban hành đi vào thực hiện trong điều kiện gặp nhiều bất lợi, giá cả nguyên vật liệu tăng cao, trong khi giá cả, thị trường đầu ra gặp nhiều khó khăn nên hiệu quả triển khai thực hiện không cao.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị UBND tỉnh xem xét hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc trong việc không được xây dựng chuồng trại chăn nuôi ở dưới tán của đất rừng và xem xét giảm về quy mô tổng đàn 3.000 con/mô hình nuôi, để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia thực hiện đề án.

Xem xét có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp liên doanh, liên kết với hộ chăn nuôi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các mô hình chăn nuôi.

Giải trình vấn đề trên, ông Trần Văn Phúc – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cho biết, chính sách nuôi gà thả đồi triển khai vào tháng 8/2022 nhưng trong tình hình giá thức ăn tăng cao, trong khi đầu ra không tốt, đã ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện. "Số lượng quy định nuôi thả của một hộ gia đình là trên 3.000 con gà, việc này có thể giảm xuống thấp hơn", ông Phúc cho hay.

Theo ông Phúc, đối với luật nông nghiệp, nếu xây dựng kiên cố trên đất rừng thì không được. Vì vậy, Sở NNPTNT tỉnh Bình Định sẽ hướng dẫn cho bà con sử dụng vùng đất quy hoạch là đất lâm nghiệp nhưng là đất trống, không có rừng, dựng tạm nhà để ấp gà trong thời gian đầu và chăm sóc, không ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất lâm nghiệp.

tin-hdnd-binh-dinh-1.jpg
Đại biểu Lê Thị Vinh Hương chất vấn tại kỳ họp.

Đại biểu Lê Thị Vinh Hương cho rằng, trong những năm qua, các dự án nhà cao tầng xuất hiện ở nội đô Quy Nhơn, góp phần tạo nên cảnh quan văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, một số tòa nhà như TMS, FLC Sea Tower, Altara.. đã xuất hiện bất cập nhưng chưa có giải pháp, khắc phục hiệu quả.

Tòa nhà TMS, có khoảng 90 hộ là gia đình chính chủ đang sinh sống và 400 căn dịch vụ cho thuê phòng. Nhưng hoạt động cho thuê phòng, không qua một cơ quan quản lý chung, mà các hộ gia đình trực tiếp làm thủ tục cho khách thuê.

Ngoài ra, tình trạng đậu đỗ xe bắt đầu từ tòa nhà TMS kéo dài trên đường, gây mất mỹ quan và không đảm bảo an toàn giao thông, ở đường Nguyễn Huệ. Mặc dù chính quyền địa phương đã bố trí bãi đỗ xe chung, nhưng phần lớn ô tô khách thuê phòng, không đưa vào bãi đỗ xe.

Tòa nhà FLC Sea Tower thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc không mong muốn như: Tụ  tập sử dụng ma túy, mất tiền của khách thuê. "Giải pháp nào để khắc phục thực trạng hiện tại của tòa nhà TMS, FLC Sea Tower, trong bối cảnh vừa có dân cư ở, vừa có khách thuê nhưng không có sự quản lý tập trung.

Điều này, có lại tiếp tục xảy ra đối với các dự án đang xây dựng trên địa bàn thành phố như: Toà nhà I Tower Quy Nhơn, tòa nhà số 1 Nguyễn Tất Thành đang xây dựng hay không", đại biểu Hương chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định

Ông Trần Viết Bảo – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho biết, tòa nhà TMS được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, đây là dự án thương mại - dịch vụ với chức năng hoạt động du lịch, dự án này có 70% là căn hộ du lịch và 30% phòng du lịch.

"Như vậy, tính chất của dự án hoàn toàn là hoạt động du lịch nên không có chức năng ở. Hiện tại, chủ đầu tư cho vào ở nhưng không quản lý, dẫn đến nhiều bất cập", ông Bảo nói.

Cũng theo ông Bảo, dự án FLC Sea Tower hoàn toàn là căn hộ thương mại và cũng không có chức năng ở.

Đối với 2 dự án này, hoàn toàn chịu sự quản lý theo Luật Du lịch, là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Đối với căn hộ du lịch, biệt thự du lịch thì thực hiện quản lý theo Luật Du lịch và trách nhiệm quản lý nhà nước là Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch.

"Tòa nhà TMS rơi vào hiện trạng, theo thiết kế 1 tầng hầm có 2 sàn đỗ xe, việc này Bộ Xây dựng đã cho phép nhưng chủ đầu tư còn lình xình trong việc cải tạo nâng cấp, chưa hoàn chỉnh nên họ chưa triển khai. Vì vậy, việc chỗ đỗ xe cá nhân còn thiếu. Tất nhiên không thể do thiếu mà đậu đỗ không đúng quy định, việc này đề nghị TP. Quy Nhơn cắm biển, tổ chức giao thông phù hợp", ông Bảo nói.

Ông Bảo cho biết thêm, tương lai đối với các dự án sắp tới, toà nhà I Tower Quy Nhơn, tòa nhà số 1 Nguyễn Tất Thành, đều là chung cư thương mại cao cấp, kết hợp thương mại dịch vụ. Sẽ được quản lý theo Luật Nhà ở, quản lý nhà nước thuộc về Sở Xây dựng, cư dân bầu ra Ban Quản trị tòa nhà, quản lý dân cư thì do công an địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Bất cập từ những tòa nhà ở nội thành Quy Nhơn