Ngày 31/10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, thiệt hại do bão số 9 gây ra tại tỉnh này ước tính 500 tỷ đồng.
Tỉnh Bình Định có 17 người bị thương trên đất liền và 23 người mất tích trên biển do bão số 9. Ngoài ra, có 71 nhà sập, 5.652 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 3.003 nhà ngập nước, 39 trường học bị hư hỏng, tốc mái. Về nông nghiệp, tỉnh có 2.377 ha lúa, hoa màu, 3.290 ha cây trồng lâu năm, 1.019 ha rừng trồng bị hư hỏng, 21.372 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Trong khi đó, 1.620m kè, 11.890m kênh mương, 5.537m bờ sông, bờ suối, 45 đập tạm, đập bổi, 1.500m đường giao thông… bị sạt lở, hư hỏng, 11.658 cây xanh bị đổ, ngã, 4 tàu cá bị chìm, 139 cột điện bị ngã, đổ.
Theo Quyền giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức khắc phục ngay nhà sập, nhà bị tốc mái, ổn định đời sống cho nhân dân bằng các chính sách đã ban hành của tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh Bình Định cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, hỗ trợ cho tỉnh 200 tỷ đồng và hỗ trợ khẩn cấp 1.000 tấn gạo để hỗ trợ dân sinh và khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra.
Tỉnh Bình Định kiến nghị, Trung ương hỗ trợ 50 tấn thuốc sát trùng Becocide phục vụ khử mùi của động vật, thực vật phân hủy, 50 tấn chlorine 65% phục vụ cho xử lý các ao, hồ nuôi tôm bị ngập lũ và nhiều loại hóa chất, vaccine phục vụ cho tiêu độc khử trùng chuồng trại và sớm tái đàn, phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững…
Đặc biệt, tỉnh Bình Định cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ một số dự án cấp bách. Trong đó, đề nghị hỗ trợ 900 tỷ đồng nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thành trung tâm nghề cá và là nơi tránh trú bão an toàn cho tàu thuyền của ngư dân.
Kè biển Tam Quan Bắc được đầu tư chống được cấp gió bão quy chuẩn nhưng bão số 9 quá mạnh, đúng lúc triều cường vượt khả năng chống chịu của kè đã làm hỏng mái, sập tường đỉnh. Vì vậy, tỉnh Bình Định đề nghị hỗ trợ kinh phí 80 tỷ đồng sửa chữa kè biển đã bị hư hỏng do bão số 9 gây ra.