Bình đẳng giới ở Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Việt Nam là một trong những nước có thành tựu về bình đẳng giới cao.
Những thành tựu
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước thực hiện nhiều bước đột phá về nhận thức và hành động, từ khía cạnh luật pháp, chính sách đến thực tiễn và đạt được nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Điểm nổi bật trong việc bảo đảm quyền lợi về giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới.
Theo Báo cáo Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 2013 (MDG 2013), mục tiêu bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ là một trong 3 mục tiêu thiên niên kỷ đã được hoàn thành trước thời hạn năm 2015.
Các nữ đại biểu Quốc hội
Việt Nam đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong việc thúc đẩy quyền phụ nữ như xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử theo quy định của Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, lồng ghép bình đẳng giới trong việc xây dựng và thực thi pháp luật.
Việt Nam cũng ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của phụ nữ và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ.
Trong Báo cáo quốc gia của Việt Nam về việc thực hiện quyền con người theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ cập của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc mà Việt Nam là thành viên cho thấy, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ được tập trung triển khai ở những vùng và khu vực có sự bất bình đẳng và nguy cơ bất bình đẳng cao. Điều này đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn bán phụ nữ và bạo lực trong gia đình, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc, nhiệm vụ.
Chính phủ cũng triển khai các giải pháp trong việc thực thi pháp luật cũng như hợp tác quốc tế nhằm vượt qua những thách thức chủ yếu liên quan tới nhận thức về bình đẳng giới; xóa bỏ bạo lực giới và bạo lực gia đình; khoảng cách về việc làm, thu nhập, địa vị xã hội…
Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội khóa XIII (2011-2016) đạt 24,4%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới (đứng thứ 43/143 nước trên thế giới và thứ 2 trong ASEAN). Phụ nữ đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của đất nước như Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng; 14/30 Bộ hoặc cơ quan trực thuộc Chính phủ có Thứ trưởng là nữ. Ở các địa phương, nhiều phụ nữ giữ vai trò chủ chốt ở các cấp, các ngành, góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng. Nữ doanh nhân là người dân tộc thiểu số tăng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số được phát huy.
Hiện nay, tỷ lệ lao động có việc làm là nữ giới chiếm 49%. Tính đến hết năm 2011, tỷ lệ phụ nữ biết chữ là 92%; khoảng 80% trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được đi học đúng tuổi. Tỷ lệ nữ sinh viên chiếm trên 50%, tỷ lệ thạc sỹ là nữ chiếm hơn 30% và 17,1% tiến sỹ là nữ giới.
Nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận, theo xếp hạng năm 2012 của Liên hợp quốc về chỉ số bất bình đẳng giới, Việt Nam xếp thứ 47/187 quốc gia, so với vị trí 58/136 quốc gia năm 2010 (thứ hạng càng gần 0 càng thể hiện sự bình đẳng cao)..
…Và thách thức
Bên cạnh những thành tựu về bình đẳng giới, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức như tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các vị trí lãnh đạo các cấp còn ít, tỷ lệ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Do đó vẫn còn phụ nữ dân tộc thiểu số chưa biết chữ, vấn đề việc làm, dạy nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số để tiếp cận với lao động chất lượng cao cần có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn của các cấp chính quyền, sự ủng hộ và hợp tác của cộng đồng quốc tế và bản thân chị em phụ nữ cũng cần tự mình vươn lên, học hỏi, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Khoảng cách giới còn tồn tại khá lớn trong một số lĩnh vực của cuộc sống. Trước hết là sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị còn hạn chế, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Tỷ lệ cán bộ nữ làm công tác quản lý, lãnh đạo còn thấp so với các vị trí quản lý, lãnh đạo nói chung và so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chưa đạt chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2010 (phấn đấu đạt từ 33% trở lên) và chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020.
Trong lĩnh vực kinh tế, cơ hội của phụ nữ tiếp cận việc làm có thu nhập cao và các nguồn lực kinh tế vẫn còn thấp hơn so với nam giới. Một số chỉ tiêu đặt ra ở Chiến lược quốc gia bình đẳng giới về lao động, đào tạo,… vẫn chưa đạt được. Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 11,8% năm 2013, bằng gần một nửa so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Về mặt chăm sóc sức khỏe, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế. Tỷ suất tử vong mẹ còn cao so với một số nước trong khu vực. Mức giảm tỷ suất tử vong mẹ trong 10 năm qua còn chậm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số. Tỷ lệ nữ có bảo hiểm y tế (tính trong số người khám chữa bệnh) tăng lên qua các năm, tuy nhiên còn thấp hơn nam giới. Theo số liệu điều tra mức sống dân cư năm 2010, khoảng 64,5% số phụ nữ có bảo hiểm y tế, so với 69,4% số nam có bảo hiểm y tế.
Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ tồn tại khá nghiêm trọng. Nhận thức về pháp luật của cán bộ và người dân về phòng, chống bạo lực gia đình còn hạn chế. Chế tài thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chưa mạnh, chưa xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình.
Về mặt luật pháp, một số văn bản hướng dẫn, thể chế hóa quy định của pháp luật liên quan đến bình đẳng giới chậm được ban hành. Việc triển khai quy định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đạt kết quả chưa cao.
Đánh giá tầm quan trọng của bình đẳng giới trong phát triển kinh tế, xã hội, Chính phủ Việt Nam khẳng định bình đẳng giới là yếu tố tiền đề để xây dựng một nguồn nhân lực vững mạnh, cũng như đẩy mạnh chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội.
Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường nhận thức về bình đẳng giới, thay đổi thái độ và tư tưởng về giới vốn là định kiến trong xã hội; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới, đặc biệt là ở các nhóm yếu thế và trong các lĩnh vực có tính chiến lược như giáo dục, y tế, việc làm.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ tịch ủy ban Hòa bình Việt Nam, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU):
Bình đẳng giới không đơn thuần là quyền lợi của chị em, mà chính là quyền lợi chung của một đất nước muốn phát triển bền vững. Bởi nếu một đất nước chỉ sử dụng một nửa dân số, không phát huy được đầy đủ và tối đa năng lực của mọi người, mọi công dân bất kể nam hay nữ thì thật đáng tiếc.