Tạp chí Nature Climate Change cho biết, hàng loạt thảm thực vật cổ ở phía Đông Nam Cực bị ảnh hưởng nặng nề thậm chí có thể biến mất vĩnh viễn do tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay.
Quần thực vật Nam Cực là một cộng đồng riêng biệt các loài thực vật có mạch đã tiến hóa hàng triệu năm trước trên siêu lục địa Gondwana, và hiện nay được tìm thấy trong một số khu vực tách biệt của Nam bán cầu.
Thảm thực vật ở phía Đông Nam Cực đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự biến đổi khí hậu hiện nay. (Nguồn: Nature Climate Change)
Tại đây không khí quá lạnh và quá khô nên gần như không thể hỗ trợ bất kỳ loài thực vật có mạch nào phát triển trong hàng triệu năm, vì thế quần thực vật của nó hiện tại chỉ bao gồm khoảng 250 loài địa y, 100 loài rêu, 25-30 rêu tản (ngành Marchantiophyta), khoảng 700 loài tảo trên đất liền hay thủy sinh. Hai loài thực vật có hoa là Deschampsia antarctica (cỏ lông Nam Cực) và Colobanthus quitensis (cỏ trân châu Nam Cực), được tìm thấy ở các phần phía bắc và phía tây của bán đảo Nam Cực.
Tuy nhiên, mới đây phát hiện được công bố trên tạp chí Nature Climate Change vào ngày 24/9 (theo giờ địa phương) chỉ ra rằng việc biến đổi khí hậu đang gây những ảnh hưởng không nhỏ tới những thảm thực vật ở nơi đây.
Sự thay đổi thời tiết đã làm màu xanh tươi mát của thảm thực vật phía Đông Nam Cực biến mất. Trong quá trình quan sát sự thay đổi của rêu phong từ năm 2000 đến nay các nhà khoa học cho biết màu xanh của rêu đã chuyển sang màu đỏ vào năm 2008.
Một hố rộng 2km tạo thành một hồ nước trên bề mặt tảng băng ở đông châu Nam Cực. Trong đây có những dòng chảy nước lỏng. (Ảnh:Sanne Bosteels).
Giáo sư Robinson thuộc Đại học Wollongong, Australia cho biết: "Rất nhiều rêu phong hiện đã chuyển sang màu xám, điều này có nghĩa thảm thực vật tại đây đang chết dần. Điều này đã chứng minh sự nghiêm trọng của vấn đề biến đổi khí hậu."
Trên thực tế cũng đã có nhiều mảng rêu phong cổ đã bị mất đi tại Đông Nam Cực. Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy Nam Cực đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và suy giảm tầng ozon.
Cách đây không lâu, nhà khoa học Stef Lhermitte cùng nhóm nghiên cứu của mình phát hiện rằng một hố băng đang tiếp tục mở rộng diện tích nằm trong thềm băng King Baudoin của bờ đông châu Nam Cực. Họ cho rằng, có thể những tầng băng ngầm bên dưới đã tan chảy, khiến lớp băng trên bề mặt bị sụt lún, hình thành một hố băng rộng như thế.