Chiều 5/11/2015, tại Hà Nội, đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC đã tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Tư pháp Lào do đồng chí Bun Kợt Xẳng Xổm Xắc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn.
Thay mặt TANDTC Việt Nam và nhân danh cá nhân, đồng chí Trương Hòa Bình vui mừng được chào đón Đoàn và chúc các thành viên mạnh khoẻ, thu được kết quả tốt nhất trong chuyến công. Chánh án TANDTC Việt Nam bày tỏ, chuyến thăm của Đoàn diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam khi đang tiến hành Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII với nhiều nội dung quan trọng.
Chia sẻ với Bộ Tư pháp Lào về cải cách tư pháp, đồng chí Trương Hòa Bình nêu lên những thay đổi cơ bản của hệ thống TAND Việt Nam theo tinh thần Luật Tổ chức TAND năm 2014. Theo đó, cơ cấu tổ chức Toà án hiện nay gồm: TANDTC; các TAND cấp cao; các TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; các TAQS. Bộ máy của TANDTC được tổ chức theo hướng tinh gọn với Hội đồng Thẩm phán TANDTC có từ 13 đến 17 Thẩm phán TANDTC.
Ở TAND cấp cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngoài các Tòa chuyên trách hiện có trong cơ cấu tổ chức của TAND như Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, nay Luật Tổ chức TAND quy định thêm Tòa gia đình và người chưa thành niên để giải quyết các vụ việc có liên quan đến người chưa thành niên. Ở TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương có thể có Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa gia đình và người chưa thành niên, Tòa Xử lý hành chính. Bộ máy hành chính tư pháp trong TAND cũng độc lập với hệ thống tổ chức các Tòa án theo thẩm quyền xét xử. Nhiệm vụ công tác quản lý hành chính tư pháp trong TAND là bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang bị và các điều kiện khác phục vụ cho hoạt động xét xử...
Đồng chí Trương Hòa Bình chia sẻ kinh nghiệm với đồng chí Bun Kợt Xẳng Xổm Xắc
Bên cạnh đó, Chánh án Trương Hòa Bình cũng chia sẻ về việc phân định thẩm quyền của TANDTC; TAND cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; TAQS các cấp cũng như hoàn thiện thể chế về Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác; về đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, ngày 30/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1191/QĐ-TTg về việc thành lập Học viện Tòa án trên cơ sở Trường cán bộ Tòa án. Đây chính là cơ sở quan trọng để TANDTC Việt Nam thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng cán bộ, công chức Tòa án. Ngoài ra, TANDTC Việt Nam còn đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp; tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho các Tòa án…
Về mối quan hệ giữa TAND các cấp của Việt Nam với TAND các cấp Lào, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, trong thời gian gần đây, hai nước đã cử nhiều đoàn công tác sang thăm và làm việc lẫn nhau để học hỏi kinh nghiệm. Hiện tại, TANDTC Việt Nam đang hỗ trợ TANDTC Lào nghiên cứu về việc thành lập Tòa Hành chính trong hệ thống TAND. Ngoài TANDTC, nhiều TAND cấp tỉnh của hai nước Việt Nam và Lào đã ký bản thỏa thuận về sự hợp tác và phối hợp rất chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin. Cũng trong dịp này, đồng chí Trương Hòa Bình điểm lại những dấu ấn quan trọng của Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Tòa án ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Các Hội nghị đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên biên giới. Theo kế hoạch, Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ tư sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2016 và đây là dịp để các nước tiếp tục tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực để xây dựng các quốc gia ngày càng phát triển.
Thay mặt Bộ Tư pháp Lào, đồng chí Bun Kợt Xẳng Xổm Xắc thông báo với TANDTC Việt Nam kết quả của những buổi làm việc với Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Bộ Tư pháp và một số cơ quan hữu quan của Việt Nam, đồng thời cảm ơn những kinh nghiệm quý báu trong cải cách tư pháp của Việt Nam mà Chánh án Trương Hòa Bình đã trao đổi với Đoàn. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp Lào sẽ nghiên cứu, chọn lọc để vận dụng phù hợp với tình hình chính trị và xã hội của Lào hiện nay.
Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Trương Hòa Bình hy vọng rằng, những thông tin mà Việt Nam chia sẻ sẽ hữu ích cho Lào để tham khảo, học hỏi kinh nghiệm trong cải cách tư pháp. Việt Nam sẵn sàng cung cấp thêm thông tin, chia sẻ thêm kinh nghiệm nếu các cơ quan hữu quan của Lào yêu cầu trong thời gian tới.