Bí thư Thành ủy Hà Nội: Sẽ làm mạnh hơn về giám sát cán bộ, đảng viên

Trọng Bằng| 14/10/2020 11:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nêu rõ nội dung trên tại buổi họp báo công bố thông tin, kết quả Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025.

Ngay sau khi bế mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, chiều 13/10, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã tổ chức buổi họp báo nhằm công bố thông tin, kết quả Đại hội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội: Sẽ làm mạnh hơn về giám sát cán bộ, đảng viên

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ: Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU và Nghị quyết 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy sẽ làm mạnh hơn về giám sát cán bộ, đảng viên

Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi được các cơ quan báo chí đặt ra liên quan đến việc đưa nghị quyết vào cuộc sống, thu nhập bình quân đầu người chưa cao, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông... trên địa bàn được giải quyết thế nào đối với nhiệm kỳ tới.

Làm quyết liệt vấn đề ô nhiễm môi trường

Trả lời trực tiếp từng vấn đề, câu hỏi, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, trong các văn kiện, nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ (2020-2025) đã đưa ra nhiều giải pháp để nhằm tạo chuyển biến căn bản đối với các vấn đề dân sinh bức xúc, trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc cải thiện chất lượng không khí, quản lý trật tự xây dựng, an toàn giao thông, y tế, chăm, sóc sức khỏe, an sinh cho người dân...

Đối với câu hỏi đưa nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, điều quan trọng nhất sau Đại hội chính là triển khai hiệu quả công tác này. Thành ủy đã có quá trình chuẩn bị công phu cho các văn kiện Đại hội và thành phố đã lên kế hoạch xây dựng 10 chương trình hành động, công tác lớn trong nhiệm kỳ tới. Trong đó, quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe, an sinh, phúc lợi cho người dân. Có thể kể đến như: Trợ cấp cho người già trên 80 tuổi, miễn phí xe bus cho người trên 60 tuổi...

Riêng về vấn đề ô nhiễm môi trường, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh Thủ đô sẽ làm quyết liệt trong thời gian tới: "Vấn đề xe máy, ô tô cũ gây ô nhiễm khí thải cho môi trường thì phải giảm bằng được, phương tiện nào không đủ tiêu chuẩn thì phải giảm... Bên cạnh đó phải tăng cường năng lực giao thông công cộng. Đây là quá trình bền bỉ, lâu dài và phải cương quyết làm”.

Vấn đề nước sạch cũng được thành phố rất coi trọng. Hiện 100% người dân đô thị và 78% người dân nông thôn đã sử dụng nước sạch. Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt mục tiêu 100% người dân được cung cấp nước sạch. Đây là vấn đề lớn về an sinh xã hội mà thành phố Hà Nội đang tập trung nguồn lực để giải quyết.

Cùng với những nội dung trên, Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập người dân; trong đó tập trung tái cơ cấu nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, đẩy mạnh tái cơ cấu lao động nông thôn, phát triển kinh tế làng nghề, phát triển các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm).

Đối với đô thị, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020-2025.

Tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, Ủy ban Kiểm tra

Trả lời câu hỏi về công tác quản lý, đánh giá cán bộ, đồng chí Vương Đình Huệ nêu rõ, thời gian qua, có những việc chúng ta không mong muốn đã xảy ra. Do đó, cần tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, của Ủy ban Kiểm tra các cấp theo hướng tăng cường về chuyên môn, bộ máy, con người, đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ về kinh phí; tăng cường vai trò phản biện, giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.

Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU và Nghị quyết 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy sẽ làm mạnh hơn về giám sát cán bộ, đảng viên, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội báo chí cũng là kênh quan trọng góp phần giám sát. Thành ủy đã yêu cầu Ban Tuyên giáo Thành ủy điểm tin tất cả cơ quan báo chí trung ương và Hà Nội về những vấn đề tích cực, nêu gương người tốt - việc tốt, đơn vị tốt và cũng chú trọng nội dung liên quan đến từng vấn đề cụ thể. Trực tiếp đồng chí Bí thư Thành ủy sẽ yêu cầu địa phương giải quyết.

Nhờ cơ chế như vậy nên các vấn đề dân sinh bức xúc, khiếu nại, tố cáo giảm hẳn. Nhiều đồng chí tham gia nhiều kỳ đại hội nói chưa bao giờ có kỳ đại hội nào bình yên như Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Các đơn, thư khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là về cán bộ hầu như rất ít, chủ yếu là giải quyết khiếu nại liên quan đến vi phạm trật tự đô thị, đất đai. Nội dung này thành phố đã đặt trách nhiệm và thời hạn giải quyết cho đồng chí Bí thư và chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã.

Thành phố rất cảm ơn cơ quan báo chí đã phản ánh những việc tốt và cả Hà Nội. Thành phố luôn cầu thị tiếp thu và chỉ đạo các cơ quan liên quan giải quyết quyết liệt..

Kết luận lại, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, là “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”... nên Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố được sự quan tâm theo dõi. Thành công của Đại hội không chỉ có ý nghĩa đối với Đảng bộ và nhân dân Hà Nội mà còn có ý nghĩa đóng góp vào thành công chung hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng".

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội thông tin, sau 3 ngày làm việc (từ 11-13/10) nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, trong không khí dân chủ, đoàn kết và với ý thức trách nhiệm cao trước Đảng bộ và nhân dân Thủ đô, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Tại Đại hội, 497 đại biểu đại diện cho hơn 45 vạn đảng viên toàn Đảng bộ đã bầu một lần 71 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ (2020-2025).

Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã bầu 16 đồng chí vào Ban Thường vụ Thành ủy; bầu Bí thư Thành ủy, Phó Bí thư Thành ủy; Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy

Đại hội đã bầu Đoàn đại biểu của Đảng bộ thành phố Hà Nội gồm 63 đại biểu chính thức (trong đó có 3 đại biểu đương nhiên) và 5 đại biểu dự khuyết, đi dự Đại hội XIII của Đảng.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí thư Thành ủy Hà Nội: Sẽ làm mạnh hơn về giám sát cán bộ, đảng viên